Giá dầu sụt giảm: Tiêu cực cho GDP nhưng người tiêu dùng hưởng giá thấp

(CL&CS) - Giá dầu liên tục sụt giảm và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Diễn biến này tác động tiêu cực đến GDP Việt Nam nhưng có lợi nhiều hơn trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, từ đó giúp người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hóa giá thấp.

Công ty chứng khoán Yunta Việt Nam đã đưa ra đánh giá ảnh hưởng của giá dầu sụt giảm tới nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, diễn biến này vừa có tác động tiêu cực nhưng cũng mang lại không ít lợi ích.

Giá dầu giảm tác động tiêu cực đến GDP Việt Nam nhưng có lợi nhiều hơn trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, từ đó giúp người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hóa giá thấp.

Tác động tiêu cực đến GDP Việt Nam

Yunta Việt Nam đánh giá từ năm 2009 tới nay tỷ trọng nguồn thu từ dầu thô trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước đã giảm đáng kể, từ mức 13% giai đoạn 2009-2014 xuống còn 4,7% giai đoạn 2015-2019. Dự toán năm 2020, thu ngân sách từ dầu thô ở mức 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,3%.

Theo số liệu từ bộ tài chính Q1/2020 thu ngân sách từ dầu thô đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, đạt 41,4% dự toán. Do đó, Yunta Việt Nam cho rằng việc giá dầu giảm sẽ có ảnh hưởng không quá lớn đối với số thu ngân sách của chính phủ từ dầu thô trong năm 2020.

Giá dầu sụt giảm tác động tiêu cực cho GDP nhưng người tiêu dùng có cơ hội hưởng giá thấp

Liên quan đến giá dầu, Yunta Việt Nam nhấn mạnh tới ngành khai khoáng. Công ty chứng khoán này bình luận ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng khoảng 6,3% GDP, trong đó dầu khí chiếm phần lớn.

Trong quý 1 vừa qua tăng trưởng GDP ngành khai khoáng ở mức -1,03% so với cùng kỳ Q1/2019. Với việc giá dầu tiếp tục giảm sâu khiến cho việc khai thác dầu tại Việt Nam khó có lãi và các doanh nghiệp khai thác dầu có thể sẽ giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới nếu giá dầu vẫn ở mức như hiện nay.

Yunta Việt Nam cho rằng tăng trưởng GDP ngành khai khoáng tiếp tục ở mức âm trong 3 quý còn lại. Điều này sẽ phần nào làm giảm GDP cả nước trong năm 2020.

Mặc dù theo Yunta Việt Nam đánh giá tác động giá dầu là không lớn đối với thu ngân sách nhà nước, nhưng nếu giá dầu giảm sâu trong thời gian dài trong khi từ nay tới cuối năm Chính phủ sẽ phải chi ngân sách sẽ khá nhiều, do đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì rất có thể dẫn tới thâm hụt ngân sách và nợ công tăng.

“Chúng tôi đánh giá việc giảm giá dầu sẽ có tác động tiêu cực tới GDP, nhưng không nhiều trong ngắn và trung hạn”, Yunta Việt Nam bình luận.

Người tiêu dùng có cơ hội mua hàng giá thấp

GDP có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng ngược lại, Yunta Việt Nam bình luận việc giá dầu thô giảm sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn.

Mặc dù nước ta cũng có hoạt động khai thác dầu thô, tuy nhiên hàng năm lượng dầu nhập khẩu vẫn cao hơn so với xuất khẩu. Riêng 3 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô ước đạt 1,2 triệu tấn trong khi lượng nhập khẩu đạt 1,85 triệu tấn. Giá dầu giảm sẽ giúp Việt nam giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu qua đó cũng sẽ tiết kiệm được một lượng ngoại tệ đáng kể.

Quan trọng hơn hết, việc giảm giá dầu sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước giúp giảm giá thành sản xuất, giá cả hàng hóa có cơ hội giảm giúp kích thích tiêu dùng trong nước.

Giá xăng dầu giảm cũng sẽ giúp cho việc kiềm chế lạm phát trở nên dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh chính phủ sử dụng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Hiện tại ngành giao thông chiếm khoảng 9,4% trong tỷ trọng CPI, giá dầu giảm sẽ trực tiếp làm giảm CPI của ngành giao thông và ít nhiều sẽ gián tiếp giảm CPI của các ngành khác.

Có thể thấy rõ tác động này trong tháng 3 vừa qua, khi giá thịt lợn vẫn duy trì mức cao, giá lương thực thực phẩm khiến CPI ngành Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng hơn 10%, thay vào đó giá dầu liên tục giảm trong tháng 3 (-2,6%) đã giúp CPI tháng 3 chỉ tăng mức 2.95%. Với diễn biến tình hình giá dầu như hiện nay sẽ giúp cho việc kiểm soát lạm phát tốt hơn.

Dầu khí là một nguồn nguyên liệu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân. Khi giá dầu giảm, các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng giảm theo khiến có giá cả hàng hóa trẻ nên rẻ hơn.

Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và việc kiểm soát không khả quan thì việc giá xăng dầu giảm cũng không có tác động nhiều vì hoạt động sản xuất diễn ra yếu. Điểm tích cực, hiện tại dịch bệnh ở nước ta hiện đang kiểm soát khá tốt, đây là cơ hội có các doanh nghiệp tận dụng nguồn chi phí sản xuất giá rẻ.

Yunta Việt Nam kết luận giá dầu giảm sẽ tác động tiêu cực đến GDP nhưng chúng ta có lợi nhiều hơn trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.

Hà Phương

Nên đọc