Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe gắn máy sẽ có nhiều thay đổi

(CL&CS)- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe môtô, xe gắn máy.

Thực hiện kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao tại Quyết định số 501/QĐ-BGTVT ngày 02/05/2024 về việc phê duyệt cơ quan chủ trì thực hiện cập nhật, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải năm 2024. Cục Đăng kiểm Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy. Dự thảo Quy chuẩn đã được xây dựng trên cơ sở thừa kế các nội dung của QCVN 14:2015/BGTVT.

Lý giải về sự cần thiết phải ban hành thông tư mới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây đã có sự thay đổi, dịch chuyển mạnh mẽ từ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các phương tiện sử dụng năng lượng điện và đã có nhiều sự thay đổi cả về cả công nghệ, thiết kế, các chức năng, tính năng an toàn và các bộ phận, hệ thống tổng thành trên xe. QCVN về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy hiện nay đang được xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, Quy chuẩn trong nước và các tiêu chuẩn UNECE của Châu Âu. Hiện nay các tiêu chuẩn cơ sở nêu trên đã có sự thay đổi lớn để phù hợp với xu hướng phát triển, do đó các quy định trong Quy chuẩn cũ đã có một số điều chưa phù hợp và cần được cập nhật bổ sung theo tình hình thực tế.

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe gắn máy sẽ có nhiều thay đổi (Ảnh minh họa)

Một số điểm cần lưu ý trong dự  thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe môtô, xe gắn máy. Theo đó, xe phải có vị trí lắp đặt biển số và vị trí này không bị che bởi các chi tiết khác của xe, có thể quan sát từ phía sau.

Bộ GTVT đề xuất chỉ nhóm xe gắn máy hai bánh và xe môtô hai bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 300kg mới được phép trang bị cơ cấu hoặc chức năng để hỗ trợ lùi xe hoặc quay đầu. Theo Bộ GTVT, một số xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc đang trang bị cơ cấu/chức năng lùi với tốc độ cao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông. Do đó, chỉ nên cho phép một số xe có khối lượng lớn được trang bị cơ cấu đảo chiều hộp số, lùi để hỗ trợ quay đầu xe nhằm đảm bảo an toàn.

Đối với quy định về đèn, ánh sáng của đèn không gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp cho người lái qua gương chiếu hậu và/hoặc qua các bề mặt phản quang khác của xe. Đèn phải bật sáng được bất kỳ lúc nào khi động cơ hoạt động. Khi đèn chiếu xa hoạt động phải có đèn báo hiệu màu xanh da trời (blue) và không nhấp nháy.  Dự thảo quy chuẩn cũng bổ sung quy định xe gắn máy hai bánh có bàn đạp phải có bốn tấm phản quang được bố trí ở phía trước và phía sau của bàn đạp ở cả hai bên. Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất tất cả các xe phải có đèn báo rẽ. Đối với đèn lùi, quy định xe gắn máy ba bánh và xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe, có số lùi phải có ít nhất một đèn lùi…

Bộ GTVT sửa đổi khái niệm xe gắn máy và xe môtô sao cho phù hợp với quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW. Xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy. Xe môtô là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400kg.

TIN LIÊN QUAN