Cụ thể, ngày 10/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua vào 282.500 cổ phiếu VHC để nâng sở hữu từ 5,85% lên 6% vốn điều lệ. Trong đó, Hanoi Investments Holdings Limited mua 168.500 cổ phiếu và Norges Bank mua vào 114.000 cổ phiếu.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã tăng từ 5,85% (10,72 triệu cổ phiếu) lên mức 6% (11 triệu cổ phiếu). Tạm tính theo thị giá VHC đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (10/11), số tiền Dragon Capital có thể chi ra vào khoảng 21 tỷ đồng.
Phiên 10/11, không có đơn vị VHC nào được giao dịch bằng hình thức thỏa thuận, như vậy lượng cổ phiếu nêu trên đã được mua bằng phương thức khớp lệnh. Tạm lấy giá chốt phiên 74.900 đồng/cp làm giá giao dịch, Dragon Capital đã chi 21,1 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.
Động thái mua vào cổ phiếu của nhóm ngoại này diễn ra trong bối cảnh VHC đang trong nhịp hồi nhẹ sau khi về đáy 10 tháng kể từ phiên 8/2. Chốt phiên ngày 14/11, giá VHC ở mức 74.500 đồng/cp, tăng 14% so với đáy ngắn hạn 65.000 phiên ngày 24/10. Tuy nhiên VHC vẫn đang giảm 32% so với đỉnh lịch sử 110.000 đồng/cp thiết lập phiên 9/6.
Trước đó, nhóm Dragon Capital cũng đã tiến hành mua 300.000 cổ phiếu VHC để nâng sở hữu từ 4,9% lên 5,06% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 11/10. Như vậy, sau giao dịch nhóm Dragon Capital trở thành cổ đông lớn tại Vĩnh Hoàn. Trong đó, Norges Bank mua vào 150.000 cổ phiếu; CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 100.000 cổ phiếu và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) mua vào 50.000 cổ phiếu.
Về tình hình hoạt động kinh doanh của Vĩnh Hoàn, trong quý III/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 3.261,44 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 459,82 tỷ đồng, tăng 79,5% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,3% lên 19,2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 52,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 215,95 tỷ đồng lên 624,65 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 224,8%, tương ứng tăng thêm 112,97 tỷ đồng lên 163,3 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 139,4%, tương ứng tăng thêm 62,25 tỷ đồng lên 106,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 29,4%, tương ứng tăng thêm 32,93 tỷ đồng lên 145,05 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 10.755,33 tỷ đồng, tăng 69,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.815,02 tỷ đồng, tăng 179,7% so với cùng kỳ năm trước.
Do tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý III thấp hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý III đang bắt đầu thấp hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 113,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11, cổ phiếu VHC giảm 1.000 đồng về 74.500 đồng/cổ phiếu.
Ở một diễn biến khác có liên quan, nhóm Dragon Capital cũng liên tục có động thái mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Cụ thể, ngày 9/11, nhóm quỹ Dragon Capital vừa mua vào 600.000 cổ phiếu Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) để nâng sở hữu từ 9,79% lên 10,04% vốn điều lệ. Trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 500.000 cổ phiếu và Norges Bank mua vào 100.000 cổ phiếu.
Cũng trong ngày 9/11 Quỹ CTBC Vietnam Equity Fund thuộc Dragon Capital vừa thông báo vừa mua vào 300.000 cổ phiếu FRT để nâng sở hữu từ 4,98% lên 5,23% vốn điều lệ. Như vậy, sau giao dịch, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital chính thức trở thành cổ đông lớn tại FPT Retail.
Cổ phiếu FRT đã ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp trong đó có tới 2 phiên giảm sàn ngay sau khi phát sinh giao dịch trở thành cổ đông lớn. Chốt phiên 14/11, FRT nằm sàn tại mức 64.200 đồng/cp, tức giảm 15% so với thị giá chốt phiên diễn ra giao dịch.