Phụ nữ làm chủ các sản phẩm khoa học công nghệ
Theo bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN, có rất nhiều điển hình phụ nữ làm khoa học.
Trong những kết quả ĐMST vượt trội của cộng đồng doanh nhân nữ, phải kể đến sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư của Giáo sư Lê Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Sản phẩm này đạt Huy chương Vàng, Bạc tại Triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc năm 2018, 2019.
Hay như sản phẩm kem trị nám SAM của PGS.TS, Trần Thị Oanh, Chủ tịch Viện nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thiên nhiên (IRDOP). Tham gia Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2019, sản phẩm SAM đã vinh dự đạt giải Semi – Grand Prize.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu Việt Nam là sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của Thạc sĩ Bá Thị Châm, Nghiên cứu viên Viện Hóa học Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Công nghệ bào chế viên nang hành tỏi đen của Thạc sĩ Bá Thị Châm đạt Huy chương Bạc tại Triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc năm 2019.
Thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ho và đau họng của PGS.TS. Lê Minh Hà, Trưởng phòng Hóa – Dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đạt Huy chương vàng tại Triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ tại Hàn Quốc năm 2019.
Cùng với đó là sản phẩm phục hồi thần kinh vận nhãn của bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, Trưởng phòng khám Đông y cổ truyền, Phó Giám đốc Công ty đông y Sơn Hà; sản phẩm Nano bạc kháng khuẩn của Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường, Viện Công nghệ môi trường Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; vật liệu nano composite từ vỏ trấu của PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA cũng mang lại những hữu dụng đột phá, làm rạng danh trí tuệ của những nữ doanh nhân, nhà khoa học nữ Việt Nam.
Đặc biệt, các sản phẩm độc đáo của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), người đã có sáng tạo cho con tằm tự dệt tơ, sáng tạo ra sợi tơ từ cuống lá sen để tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị cao.
Hay như cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Thu Thương, DN xã hội Thương Thương, mặc dù nằm một chỗ nhưng cô gái vàng này đã sáng tạo nhiều mẫu tranh đẹp, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khuyết tật…
“Họ không chỉ là các nhà khoa học thực thụ mà có khi chỉ là những phụ nữ rất bình thường, song khả năng sáng tạo của phụ nữ là vô tận…”- Bà Lê Thị Khánh Vân khẳng định.
Thời cơ lớn cho phụ nữ sáng tạo
“Phụ nữ có vai trò tiên quyết trong ĐMST, có ý nghĩa lớn giúp hoạt động ĐMST mang lại những giá trị thực sự cho cộng đồng…”- Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT nhận định tại cuộc Tọa đàm do NIC tổ chức ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2021).
Theo bà Bùi Thanh Duyên, đồng sáng lập Công ty công nghệ Genetica, thế giới ngày nay, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, theo bà Duyên, xã hội ngày càng trân trọng phụ nữ, đó là “thời cơ lớn”, có thể gọi là “một xã hội vàng” khi phụ nữ được tạo điều kiện để theo đuổi ước mơ, chứng tỏ khả năng và cân bằng trong sự phát triển về giới.
Chia sẻ về việc vì sao chọn về Việt Nam để khởi nghiệp trở lại, chấp nhận môi trường làm việc có nhiều thách thức trong khi đang có vị thế công việc rất tốt ở Mỹ, bà Duyên cho biết: “Ở Mỹ có tiêu chuẩn về phòng Lab, vậy tại sao Việt Nam không thể có một không gian nghiên cứu đạt tiêu chuẩn như thế? Tôi cứ suy nghĩ và mong rằng, chúng tôi sẽ tạo ra một trung tâm nghiên cứu chính cho vùng Đông Nam Á tại Việt Nam, để tất cả cùng hướng về Việt Nam như một tiêu chuẩn quốc tế”.
Với khát vọng muốn đưa ra một công nghệ mới cho phép người dùng có thể có quyền quản lý và bảo mật thông tin di truyền của chính mình, bà Duyên và các cộng sự nhận thấy rằng, hiện nay, làm khoa học ở đâu cũng được. “Ở Việt Nam, Genetica vẫn có các kết nối với các trường lớn trên thế giới để cùng nghiên cứu, sáng tạo và chúng tôi tin rằng, Việt Nam không phải chỉ làm những gì mà Mỹ làm được. Chúng ta có thể tạo ra giá trị mới tiên phong, mà chưa ở đâu có được”- Bà Bùi Thanh Duyên nhận định.
Phó chủ tịch YBA, bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ, bản thân từ đổi mới đã rất đẹp. Phụ nữ là phái đẹp, nên để 2 từ cạnh nhau thì sẽ nhân lên vẻ đẹp của cả hai. Theo Hoàng Phi, phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. “Người phụ nữ nếu mang trong mình bộ gen đổi mới thì tác động rất mạnh đến người khác, vì vậy, khuyến khích phụ nữ ĐMST con đường rất đáng làm”- Bà Phi quả quyết.
Nghịch cảnh sẽ tạo ra đột phá. COVID-19 là một nghịch cảnh lớn, nhưng cũng là cơ hội lớn buộc các chủ thể phải tìm ra cách thích ứng và vượt qua. “Giúp các ý tưởng ĐMST ngồi lại nhau, các bộ gen gần nhau, chắc chắn sẽ tạo ra những kết quả tốt. Có thể không phải bây giờ mà 1-2 năm nữa, nhưng công việc của người làm ĐMST đòi hỏi kích hoạt liên tục và sự kiên nhẫn”- bà Phi nhận định.
Theo bà Kim Ngọc Thanh Nga, Trưởng ban phát triển hệ sinh thái NIC, ĐMST cần nhất là bản lĩnh và khả năng gắn kết, trong khi bản năng của phụ nữ là gắn kết, nên phụ nữ rất phù hợp với công cuộc ĐMST. “Tôi tin rằng, người phụ nữ một khi đổi mới thì sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn!”- Bà Nga quả quyết.
Trưởng ban phát triển hệ sinh thái NIC cũng chia sẻ, nhiệm vụ và khát vọng của NIC là xây dựng một hệ sinh thái ĐMST hoàn thiện hơn ở Việt Nam, có thể tương đương với khu vực và thế giới. Bà Nga cho biets, năm 2018, Bộ KH&ĐT chủ trì kết nối được 100 tri thức, nhà khoa học người Việt trên toàn cầu về Việt Nam, khởi đầu cho việc hình thành mạng lưới ĐMST tầm cỡ quốc tế. Cho đến nay, mạng lưới đã kết nối được trên 1.000 tri thức, nhà khoa học, doanh nhân Việt trên toàn cầu.
“Bằng bản lĩnh, sự bền bỉ kết nối và chia sẻ thông tin, chia sẻ ý tưởng và quan điểm, Mạng lưới ĐMST Việt Nam sẽ nhân rộng hơn nữa, không chỉ 1.000 người mà hướng đến 10.000 người, gắn kết và tạo lợi ích mới cho xã hội. NIC, với nhiệm vụ được Bộ KK&ĐT giao, đang và sẽ là cơ quan kết nối, lan tỏa các nỗ lực ĐMST đến cộng đồng, trong đó có một nửa là phụ nữ…”- Bà Nga khẳng định.
Nhiều nữ doanh nhân và nhà khoa học cũng chia sẻ quan điểm của họ về ĐMST và công việc thực tế họ đang theo đuổi. Phụ nữ có nhiều ý tưởng, không thua kém gì nam giới, nhưng động lực làm doanh chủ thì nữ giới thì ít hơn, chỉ chiếm khoảng 30%. Các ý kiến cho rằng, nếu thay đổi cách nhìn, làm kinh doanh không hẳn là kinh doanh, không hẳn vì kiếm tiền, mà là làm để có thể đóng góp nhiều giá trị hơn cho cộng đồng, cho xã hội thì có thể sẽ giúp phụ nữ vượt qua những định kiến cũ, sẵn sàng hơn trong vai trò doanh chủ. Các ý kiến cũng cho rằng, hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam rất tiềm năng và hai yếu tố cần tiếp tục xây dựng là tư duy đổi mới và nguồn nhân lực cho đổi mới. |