Doanh nhân Việt Nam thời Covid: “Hãy tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão!”

(CL&CS) - Trong cuộc trò chuyện với độc giả Tạp chí Chất lượng và cuộc sống nhân dịp kỷ niêm 17 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC, Nguyên Chủ tịch VCCI đã chia sẻ:

Những ngày đầu tháng 10 năm nay cũng đánh dấu một thời điểm hệ trọng của nền kinh tế Việt Nam. Sau khi bước đầu đã khống chế tương đối tốt dịch Covid - 19, chúng ta đã tái khởi động mở cửa nền kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Chúng ta kỳ vọng sản xuất lưu thông sẽ bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng dòng người lao động “hồi hương” với quy mô chưa từng có đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng lao động khiến doanh nghiệp đã khó lại khó thêm.

TS.Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Quốc Tuấn

TS.Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Quốc Tuấn

Để nối lại chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu… doanh nghiệp chỉ cần 3 đến 6 tháng, còn nối lại chuỗi cung về lao động có thể kéo dài 6 tháng đến cả năm.

Vì vậy, tiến trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế càng trở nên khó khăn hơn và nỗi gian truân đang đề nặng lên vai những người điều hành doanh nghiệp.

Không chờ cơn bão qua đi

Đất nước đã vào một thời khắc khác, việc chống dịch và phát triển kinh tế đã có những thay đổi quan trọng về định hướng và chiến lược. Với cộng đồng doanh nghiệp, với giới doanh nhân, ông chia sẻ điều gì?

Công cuộc phòng chống Covid-19 đã đạt được những thành quả bước đầu, nhưng theo dự báo thì loại virus này sẽ không sớm mất đi, và có thể sẽ là phần tất yếu của cuộc sống trong nhiều năm tháng nữa.

Dù Covid -19 có qua đi thì những loại virus, hay tai họa khác có thể phát sinh từ biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và những hệ luỵ mặt trái của CMCN 4.0 cũng sẽ đẩy thế giới này vào một tương lai nhiều bất định, mơ hồ, căng thẳng hơn, phức tạp hơn và cũng mong manh hơn…

Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và một năng lực cạnh tranh cốt lõi trong vòng quay đó chính là khả năng thích ứng, chống chịu cao.

Tâm thế  của cả hệ thống, của nền kinh tế, của mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp phải là: Không đợi chờ cơn bão qua đi, mà “phải tập  khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão”. Sống chung với Covid cũng cần một cách tiếp cận như vậy.

Giải pháp 5T từ Chính phủ

Như ông vừa nói, tiến trình phục hồi nền kinh tế khó khăn hơn, nỗi gian truân đang đè nặng doanh nhân.  Là người đã có 30 năm gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp- doanh nhân Việt Nam, và cũng đã từng có 18 năm là Chủ tịch của VCCI, với sự thấu hiểu đó, để doanh nghiệp vượt qua đại dịch, đứng lên mạnh mẽ đưa nền kinh tế phục hồi thì cần giải pháp gì?  

Để phục hồi nền kinh tế, doanh nghiệp phải vững vàng, muốn vậy Chính phủ cần dành cho doanh nghiệp bộ giải pháp 5T: Đó là Trợ thở, Tiếp máu, Tháo gỡ khó khăn, Thúc đẩy nâng cấp quản trị - công nghệ và Tăng cường liên kết.

Trợ thở: Trở lại với bài toán cơm áo gạo tiền thời Covid, chúng ta đã có quyết định đúng đắn, nhưng rất khó khăn, đó là mở cửa” nền kinh tế, chấp nhận sống chung an toàn với dịch.  

“Mở cửa”, “sống chung” là cỗ máy “trợ thở” lớn nhất giúp doanh nghiệp kết nối lại với bầu khí quyển kinh doanh, với thị trường để tái khởi động sản xuất kinh doanh.

Mở cửa muộn hơn thì cái giá chúng ta phải trả sẽ vô cùng lớn!

Tiếp máu: Để yểm trợ cho doanh nghiệp tái khởi động để phục hồi, đề nghị Chính phủ chính sách tài khóa ngược chu kỳ nên được tính đến, đồng thời phải tích hợp, cộng hưởng tốt hơn giữa chính sách tài khoá và tiền tệ để tiếp máu cho doanh nghiệp.

Chính phủ nên bổ sung và tổ chức thực hiện thật tốt, thật nhanh các gói hỗ trợ về tài khoá, tiền tệ, an sinh – xã hội cho người dân và doanh nghiệp.

Các biện pháp giãn hoãn, giảm thuế, phí, giảm giá. giảm lãi suất, nới lỏng các điều kiện cho vay… cần phải được thực hiện với phạm vi rộng hơn, liều lượng lớn hơn, thời hạn dài hơn. Và bổ sung các biện pháp mới như bảo lãnh tín dụng và cấp bù lãi suất cho vay từ ngân sách, mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng…

Tháo gỡ và cởi trói : Để tranh thủ thời cơ cho doanh nghiệp vượt lên thì cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính phải thần tốc, khẩn trương như việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tiếp tục theo đuổi mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, nhóm 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN trong 5 – 10 năm tới.

Thúc đẩy nâng cấp doanh nghiệp về quản trị, công nghệvề nguồn nhân lực thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tư vấn, đào tạo… giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực nội sinh để cạnh tranh thắng lợi với sự chung tay của các cơ quan chính quyền, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.  

Tăng cường liên kết, mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để yểm trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường. Trong thời đại dịch các chuỗi cung ứng đang được định hình lại thì sự nhanh chân của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ quyết định thành công của chúng ta. Chính phủ cần có kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động quan trọng này nỗi gian truân đang đề nặng lên vai những người điều hành doanh nghiệp.

Phụng sự xã hội là đích đến hàng đầu

Còn về phía cộng đồng doanh nghiệp và giới doanh nhân không đợi bão đi qua đi mà "phải tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão " nhưng bằng cách nào?

Chúng ta đều nhớ Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty đã tạo ra làn sóng khởi nghiệp đầu tiên.

Giờ đây đội ngũ doanh nhân Việt đang bước vào kỷ nguyên mới và đang  trong làn sóng khởi nghiệp lần thứ 2 gọi là “sáng nghiệp”, gắn với công cuộc hồi sinh trong bối cảnh Covid -19.

Trong kỷ nguyên mới này, mô hình kinh doanh mà các doanh nhân cần phải định hình chính là “số hoá”, “xanh hoá”, “xã hội hoá”. Đây là mô hình hiệu quả, nhân văn có khả năng thích nghi cao và khả năng chống chịu.

“Số hoá” sẽ làm cho doanh nghiệp trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn. “Xanh hoá” là thân thiện với môi trường, bảo vệ trái đất. Nhưng chỉ riêng “xanh hoá”, “số hoá” sẽ không thể làm nên mùa xuân, và tôi muốn nhấn mạnh đến xu hướng “xã hội hoá” tức là đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đã qua rồi cái thời các doanh nhân chỉ biết coi lợi nhuận là tối thượng, ngày nay các nhà kinh doanh phải hướng tới phụng sự xã hội là đích đến hàng đầu.

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với người lao động, với đối tác, với bạn hàng, với xã hội, với cộng đồng.

Không đợi bão qua đi, bên cạnh  các biện pháp cấp bách khôi phục sản xuất thì  rất cần ngay lập tức triển khai giải pháp xanh hoá, số hoá, xã hội hoá để xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả và có khả năng chống chịu, trong đó cần tăng cường các phương án quản trị rủi ro, xử lý tranh chấp để có thể sống chung an toàn trong thời kinh doanh được dự kiến sẽ có nhiều bão tố.

“Hãy tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão” – Không thể nào khác được!

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Tầm vóc của doanh nhân ngày nay sẽ không còn chủ yếu đo bằng tài sản, mà sẽ đo bằng sự nể trọng, sự tri ân của xã hội thông qua sự cống hiến, sự dấn thân.

Và tôi tin rằng, trong lòng dân tộc đang hình thành đội ngũ doanh nhân như thế và các doanh nhân hàng đầu đang kể cho chúng ta những câu chuyện nhân văn, chứ không phải chỉ là những câu chuyện kinh doanh.

TS.Vũ Tiến Lộc

Hà Linh Lan ghi

Bình luận

Nổi bật

Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh

Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:56

(CL&CS) - Hà Nội, ngày 22/11/2024 - Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái.

Tập đoàn Bamboo Capital nằm trong top doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất 2024

Tập đoàn Bamboo Capital nằm trong top doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 09:33

(CL&CS) - Tập đoàn Bamboo Capital vừa được vinh danh với hai hạng mục quan trọng tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2024, bao gồm: Báo cáo thường niên tốt nhất và Tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên tốt nhất.

Năm 2024, PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới

Năm 2024, PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - PV GAS TRADING tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh tăng trưởng toàn diện và các kỷ lục đột phá trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang trải qua nhiều biến động phức tạp.