Nhiều tiềm năng
9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang iên minh Châu Âu (EU) chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ đạt 29 tỷ USD giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trong khối đều chung mức giảm, như Italia đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11,5%, Pháp 2,506 tỷ USD, giảm 12,9%, Áo đạt 2,304 tỷ USD, giảm 6,2%. Riêng, thị trường Đức vẫn duy trì nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với kim ngach trên 5 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong Hội nghị giao lưu trực tuyến mới đây, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã cho thấy những tác động tích cực khởi đầu tới nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và CHLB Đức (hai quốc gia thành viên của EVFTA). Thương mại Việt Nam – Đức trở nên sôi động hơn với nhiều nhóm mặt hàng, trong đó nông, lâm, thủy sản đang có nhiều có lợi thế .
Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam không chỉ ở EU mà còn ở cả Châu Âu. Đức là thị trường chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở Châu Âu.
Ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại CHLB Đức đánh giá, các doanh nghiệp hai nước đang đứng trước những cơ hội rất to lớn của Hiệp định EVFTA và EVIPA. Các hiệp định này đã trở thành nội hàm quan trọng đưa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất.
Để hàng Việt Nam đứng vững tại thị trường Đức, trước hết sản phẩm phải tốt, đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem cộng đồng gần 200.000 người Việt tại Đức là một kênh để kết nối sản phẩm, hàng hóa của mình vào thị trường tiềm năng này.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức cho biết, các doanh nghiệp Đức đặc biệt quan tâm đến Việt Nam. Những doanh nghiệp này đều mong muốn tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.
Đầu tư bài bản hơn
Ông Bùi Vương Anh cho biết, thương vụ Việt Nam tại Đức đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai nước triển khai kết nối, vận dụng các cơ chế hợp tác để đẩy mạnh quan hệ thương mại trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Cũng theo Cục trưởng Xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đầu tư nghiêm túc, bài bản trong kinh doanh với các đối tác từ Đức. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận diện và đang nỗ lực đáp ứng được những yêu cầu từ nhỏ tới lớn của thị trường Đức, kiến tạo những nền tảng vững chắc cho những bước tiến hợp tác thương mại vì lợi ích thiết thực của đôi bên trong tương lai.
Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cũng nêu ý kiến, để hàng Việt Nam đứng vững tại thị trường Đức, trước hết sản phẩm phải tốt, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, để phát triển thị phần tại thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm các kênh để đưa sản phẩm vào chuỗi các siêu thị, nhà hàng, khách sạn…
Ông Phạm Trường Giang, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (Đức) cũng phân tích, chính phủ hai nước Việt Nam và Đức đều quan tâm phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Hai bên cũng tạo ra “sân chơi” cho các doanh nghiệp hai nước. Cung cấp cho doanh nghiệp hai bên những thông tin, dữ liệu về tiềm năng, nhu cầu thương mại, đầu tư của cả hai nước. Đồng thời, xúc tiến xây dựng một nhóm để hỗ trợ doanh nghiệp hai bên giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện EVFTA và EIPA.
Mặt khác, theo ông Phạm Trường Giang, cũng cần xây dựng hệ thống các kho bãi ở Đức để tập kết hàng hóa của Việt Nam, làm cơ sở cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Đức và sang các nước Châu Âu khác.
Về phía Đức, ông Volker Friedrich, Chủ tịch Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội phát triển Kinh tế và Ngoại thương toàn cầu (BWA) cho biết, với tiếng nói của mình trong mối quan hệ với các đơn vị ban hành chính sách và các Đại sứ quán, BWA sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi kinh doanh với thị trường Đức.