Doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số phải gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường

(CL&CS)- Đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong quá trình đó, doanh nghiệp cần phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, hướng tới một mục tiêu quan trọng là phát triển bền vững.

Ngày 02/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Phát triển kinh tế với chủ đề “Đổi mới công nghệ, Chuyển đổi số, Bảo vệ tài nguyên và môi trường” năm 2023. Diễn đàn do Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp - thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam - tổ chức.

Được phát động từ trung tuần tháng 2/2023, với sự bảo trợ của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, Diễn đàn đã lan tỏa sâu rộng và tạo sức hút lớn đối với cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khia mạc tại sự kiện, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh trong những năm qua là điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội công (y tế, giáo dục, xoá đói giảm nghèo,...).

Tiến sĩ Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Trong thời gian qua, các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng và Nhà nước đã chủ động chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời, nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, duy trì tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động; giảm đáng kể áp lực chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới...đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, theo nhiều chuyên gia về kinh tế thì đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là yếu tố “sống còn” của các doanh nghiệp. Đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn cả, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số cũng sẽ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hướng tới một mục tiêu rất quan trọng đó là phát triển bền vững”.

Thông qua diễn đàn, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng mong muốn kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau chia sẻ, thảo luận để thúc đẩy các cơ chế, chính sách khuyến khích được doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhằm đổi mới cộng nghệ, quan tâm và thực hiện có hiệu quả chuyển đối số trong doanh nghiệp, đồng thời cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Diễn đàn được diễn ra với III Chương riêng biệt.

Chương I mang ý nghĩa “Giá trị thực tiễn”, với sự tham gia của các đơn vị quản lý tới từ Cục Kiểm soát ô nhiễm; Quỹ đổi mới sáng tạo và đại diện một số doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bảo vệ môi trường. Diễn đàn đã nêu bật một số chính sách của Nhà nước đối với các hoạt động của doanh nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Đồng thời cũng tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trở thành động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Chương II, chương III với chủ đề “Hành trình chinh phục” và “Kiến tạo tương lai”, BTC đã khảo sát, xét duyệt hồ sơ và trao chứng nhận, biểu trưng cho các đơn vị doanh nghiệp đạt tiêu chí tại các hạng mục: Top Doanh nghiệp tiên phong đổi mới công nghệ - Bảo vệ tài nguyên và môi trường; Top Sản phẩm thân thiện với môi trường; Thương hiệu - Nhãn hiệu uy tín, Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2023.

Chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung; khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm môi trường xanh bền vững cho doanh nghiệp nói riêng. Đồng thời quảng bá hình ảnh góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp và thương hiệu của sản phẩm tới gần hơn người tiêu dùng cả nước.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Phát triển kinh tế với chủ đề “Đổi mới công nghệ, Chuyển đổi số, Bảo vệ tài nguyên và môi trường” năm 2023 còn mang ý nghĩa thiết thực đối với các đơn vị địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp...

Qua đó tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia và chủ doanh nghiệp, để từ đó có những phát kiến đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra các sản phẩm thân thiện để chung tay xây dựng một môi trường sống xanh, một thị trường sạch, an toàn và bền vững trong tương lai.

TIN LIÊN QUAN