Doanh nghiệp đầu ngành, Công ty CP Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 43,5% và tăng 35,6% so với năm 2021. Nếu đạt được những con số này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ khi hoạt động.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn cho biết, hiện công suất của các nhà máy đã trở lại như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, không có bất kỳ rủi ro nào khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, do tỷ lệ tiêm vắc xin tại các nhà máy khá cao.
Năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) đặt mục tiêu lãi 900 tỷ đồng, tăng đến 528% so với năm ngoái. Kế hoạch kinh doanh tham vọng của IDI dựa trên việc giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh thời gian qua lên vùng trên 30.000 đồng/kg và nhu cầu thị trường, đặc biệt là Mỹ và Mỹ Latin tăng mạnh.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch IDI cho biết nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh ở các thị trường chính đẩy doanh nghiệp vào tình huống sản xuất không kịp trả đơn hàng. Doanh nghiệp phải tính toán tăng công suất hoạt động để đáp ứng các đơn hàng tăng mạnh trong năm nay.
Lãnh đạo IDI thông tin, doanh nghiệp đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2 năm nay. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ (17.000 - 18.000 đồng/kg) cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là Mexico và Brazil - nơi IDI chiếm thị phần lớn.
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) đặt kế hoạch kinh doanh 2022 với các chỉ tiêu đồng loạt tăng tốc. Cụ thể, doanh thu thuần dự kiến đạt 1.450 tỷ đồng (tăng 20%) và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng (gấp 4 lần năm trước).
ACL cho biết trong năm 2022, công ty vẫn theo định hướng tập trung nguồn lực vào nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu, không đầu tư ngoài ngành. Ngoài ra, công ty dự kiến tăng trưởng về chiều sâu các mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm từ con cá tra với mục tiêu đưa cá tra trở nên quen thuộc với nhiều thị trường hơn nữa.
Năm nay, CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) đặt kế hoạch đem về 4.900 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 40% và 720 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 4.8 lần năm 2021.
Bên cạnh những doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh lãi đậm thì vẫn có doanh nghiệp đặt kế hoạch khá khiêm tốn. Đơn cử, năm 2022, CTCP Thủy sản MeKong (HoSE: AAM) đặt mục tiêu sản lượng 3.000 tấn và có lãi trước thuế 1 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn còn hạn chế vì các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn.
Do thị trường cá tra suy giảm từ năm 2020 cho đến nay nên kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của AAM không đạt.
Phương hướng cho 2022 và 5 năm tới, AAM sẽ nâng cấp nhà xưởng và trang thiết bị đông lạnh (chi phí dự kiến từ 5 đến 15 tỷ đồng); tiếp tục liên kết với nông dân để chăn nuôi cá tra, dự kiến 10 tỷ đồng; trang bị thêm 1 Máy IQF 600 kg/giờ, 1 máy mạ băng công suất 2.000 kg/giờ.
Về thị trường tiêu thụ, công ty sẽ kết nối chặt hơn đối với thị trường truyền thống, với khách hàng thân quen. Đồng thời phát triển khách hàng Trung Quốc, Hồng Kông, khối Á Rập, Châu Mỹ La Tinh để tăng doanh thu.
Việc các doanh nghiệp tự tin đặt mục tiêu kinh doanh khả quan trong năm 2022 là do giá cá tra được dự báo tăng đến hết năm 2022. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý 2 năm nay. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng càng là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá cá tra nguyên liệu.
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, dự báo xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20-25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%.
Thị trường tiêu thụ cá tra phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, chủ yếu ở 4 nhóm chính gồm Trung Quốc 31%, Mỹ 23%, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 13% và EU 6,6%…
“Tuy nhiên, hiện nay giá cá tra nguyên liệu tăng cao. Các ngành chức năng cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018”, bà Tô Thị Tường Lan khuyến cáo.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, giá nguyên liệu đầu vào cho các loại thủy sản sẽ duy trì ở mức cao trong ít nhất nửa đầu năm 2022 do chi phí năng lượng, thức ăn chăn nuôi, nhân công và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Đồng thời, nguồn cung cũng bị thiếu hụt do nhiều hộ nghỉ nuôi vì lỗ liên tục, đứt vốn.
Theo Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá, ngành thủy sản sẽ tiếp tục lạc quan trong năm nay. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng. Giá hai mặt hàng này dự báo tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 do tình trạng thiếu nguyên liệu và nhu cầu phục hồi tại các thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành thủy sản Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như EVFTA, UKVFTA…
Tuy nhiên ABS lưu ý, ngành thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như giá thức ăn cho tôm và cá tăng cao, chi phí logistics tăng, giá dầu tăng làm nâng chi phí vận chuyển. Ngoài ra, ngành còn chịu áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…