Đẩy mạnh kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp tăng chất lượng, giá trị sản phẩm

(CL&CS) - Hiện nay, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi lợn thịt không chỉ nâng cao trình độ cho người chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh mà còn giúp tăng chất lượng, giá trị sản phẩm; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với UBND xã Mỹ Yên (Đại Từ) triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi lợn thịt và chứng nhận VietGAP.

Đẩy mạnh kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp tăng chất lượng, giá trị sản phẩm

Với sự tham gia của 3 hộ dân, quy mô 137 con lợn, mô hình đã cho kết quả rất khả quan khi đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%, tăng khối lượng bình quân 780 g/con/ngày, tiêu tốn thức ăn 2,35 kg/ngày. So sánh với yêu cầu của mô hình, lợn đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cao hơn khi tỷ lệ nuôi sống đạt cao, lợn tăng trưởng nhanh và giảm tiêu tốn thức ăn. Đáng nói, lợi nhuận khi nuôi 137 con lợn thịt từ mô hình sau khi trừ chi phí, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 19% so với ngoài mô hình.

Trước khi thực hiện mô hình, các hộ tham gia đã được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ 70% vật tư (thức ăn, vắc-xin, thuốc thú ý, thuốc tẩy ký sinh trùng, chế phẩm sinh học). Nhờ đó, bà con đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Trong quá trình chăn nuôi, các hộ chăn nuôi không những được địa phương định hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường mà còn được hỗ trợ về kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Vì vậy nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô tập trung, cải tạo hệ thống chuồng trại khép kín với tiêu chuẩn đảm bảo “Ấm về mùa đông - mát về mùa hè”, có hầm biogas để xử lý chất thải sử dụng làm khí đốt.

Nhiều mô hình chăn nuôi lợn kết hợp đào ao thả cá, cải tạo vườn trồng cây ăn quả để tận dụng các nguồn nguyên liệu trong sản xuất xoay vòng nhằm làm giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Các hộ chăn nuôi cũng quan tâm hơn trong việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời xây dựng quy trình giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, gia cầm, thủy sản đảm bảo theo quy trình VietGap, cung ứng ổn định cho các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong nuôi trồng thủy sản, các HTX chuyển hướng từ nuôi trồng quảng canh sang thâm canh, chú trọng áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Với việc chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, nên hầu hết các sản phẩm tại các trang trại đều có đầu ra ổn định, có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài với các doanh nghiệp lớn.

Từ việc triển khai mô hình cho thấy, ứng dụng khoa học - công nghệ trong chăn nuôi lợn thịt không chỉ nâng cao trình độ cho người chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh mà còn giúp tăng chất lượng, giá trị sản phẩm; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.

TIN LIÊN QUAN