“Đầu cơ” khiến nhà đất tăng cao, vượt xa thu nhập của người dân

Trong bối cảnh giá nhà ngày một leo thang do nguồn cung khan hiếm thì lại có nhiều dự án bỏ hoang, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn. Nhiều ý kiến đánh giá, nguyên nhân chính khiến giá nhà tăng cao là do đầu cơ.

Giá nhà tăng cao, nhiều dự án bỏ hoang

Nhận định giá nhà tăng vọt được nhận diện trong báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, gửi Quốc hội.

Theo chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội dành gần 1 ngày 28/10, để thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát.

Theo đoàn giám sát, thị trường bất động sản Việt Nam có những bước phát triển về quy mô thị trường, loại hình, số lượng, quy mô dự án, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia. Nhưng quá trình phát triển thị trường bất động sản lại có sự phát triển và thay đổi khác nhau giữa 2 giai đoạn.

Giai đoạn 2015 - 2021, thị trường bất động sản phát triển sôi động, mạnh mẽ, nguồn cung dồi dào, có nhiều loại hình bất động sản mới như: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa)… Song đoàn giám sát đánh giá, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp, mục tiêu đầu tư tài chính, ít sản phẩm phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân.

“Ở cuối giai đoạn này, gần như tất cả loại hình bất động sản du lịch, lưu trú đều gặp vướng mắc pháp lý, một phần do chưa có đầy đủ quy định pháp luật điều chỉnh, một phần do quá trình tổ chức thực hiện pháp luật còn có nhiều hạn chế”, báo cáo nêu.

Sang giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản suy giảm, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2015 - 2021 được bộc lộ dưới áp lực của dịch Covid-19.

Lúc này, nguồn cung hạn chế hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Đáng lưu ý, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

Trong khi đó, số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ. Nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án này rất lớn, gây lãng phí về đất đai, nguồn vốn, làm gia tăng khó khăn và tăng chi phí, từ đó làm tăng giá bán sản phẩm.

Nhiều khu đô thị bị bỏ hoang. Bất động sản du lịch, lưu trú (condotel, officetel) gần như “đóng băng” và vẫn tiếp tục gặp vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra từ năm 2015 đến hết năm 2023, số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường thiếu hụt xa so với nhu cầu. Hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra.

Giá nhà tăng bất thường

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn) nêu thực tế giá bất động sản tại một số TP lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Điều này khiến thị trường bất động sản vừa mới phục hồi lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.

“Giá nhà đất ở một số khu vực đang tăng phi thực tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh và dẫn lại nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng, giá nhà đất tăng cao thời gian qua là vô lý và bất thường.

Tại một số TP lớn từ đầu năm đến nay, giá đất bất động sản tăng cao ở tất cả phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, biệt thự… không chỉ ở các khu vực trung tâm mà sức nóng đang lan dần sang quận, huyện vùng ven đô.

“Nhiều người dân ở Hà Nội chia sẻ, sau một thời gian vất vả tìm kiếm mua nhà thì hiện phải tạm gác lại vì sự tăng giá đột biến của bất động sản, nhất là chung cư. Không chỉ các chung cao cấp, chung cư mới mà các chung cư cũ giá cũng tăng vọt. Nhiều căn hộ chung cư đã được đưa vào sử dụng vài thập kỷ nhưng cũng được giao dịch với giá gấp đôi, gấp ba so với thời điểm bàn giao trước đây”, bà Thủy nói.

Hệ quả của tình trạng này, theo bà Thủy là “hàng nghìn hộ dân sở hữu căn hộ chung cư thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi bán nhà”.

Bên cạnh đó, bà Thủy cho hay, đấu giá đất ở một số huyện ven đô Hà Nội cũng “nóng” hơn bao giờ hết với một số phiên đấu giá tổ chức xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn người chấp nhận "ăn trực, nằm chờ" để đấu được suất đất và giá trúng cũng cao kỷ lục.

Giá đất ở huyện ven đô cũng lên tới hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng. 

Bà Thủy nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án bất động sản, nhà ở còn ách tắc, người dân, doanh nghiệp còn khó khăn mà giá nhà ở lại tăng đột biến, nhất là ở các khu vực không có dự án mới là “điều bất bình thường”.

TIN LIÊN QUAN