Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM đáng báo động!

(NTD) - Sáng 26/9, ứng dụng quan trắc không khí tự động Airvisual ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, còn TP.HCM xếp thứ 3 trong bảng danh sách này. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người dân nên theo dõi thường xuyên chỉ số đo chất lượng không khí (AQI) nơi mình sinh sống, để chủ động trong việc đối phó, có biện pháp phòng tránh phù hợp.

Tiệm cận ngưỡng nguy hiểm

Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM từ lâu đã là vấn đề quá quen thuộc. Nhưng, thực trạng này hiện đang được người dân rất quan tâm khi nó đã tiệm cận mức cảnh báo nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người.

Sáng 26/9, Airvisual - hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI đạt mức 204, vượt qua cả Jakarta nơi đang có chất lượng không khí “tồi tệ” do thảm họa cháy rừng.

Còn theo số liệu của hệ thống quan trắc PAMAir, tình trạng ô nhiễm không khí tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và thành phố Hà Nội trong sáng 26/9 đều đạt ngưỡng 150-200. Cá biệt, khu vực Đông Anh, thành phố Hà Nội có chỉ số AQI lên mức 228.

Airsual cũng ghi nhận TP.HCM là thành phố ô nhiễm thứ ba thế giới hôm 26/9, với chỉ số AQI trung bình là 173. Còn theo PAMAir, rất nhiều điểm tại thành phố trong sáng nay đạt mức 150.

Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, các thông số bụi mịn, siêu mịn ở thành phố những ngày qua đã vượt chuẩn nhiều lần, gây cản tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, do thực hiện quan trắc thủ công nên cảnh báo được đưa ra là rất chậm.

Với điểm AQI ở mức 179, Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10 quốc gia có bầu không khí ô nhiễm nhất thế giới.

Ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội đang là vấn nạn. (Ảnh: Vtc.vn).

Người dân nên chủ động!

Đứng trước thực trạng này, các chuyên gia khuyên mỗi người dân nên chủ động trong việc tìm hiểu chỉ số chất lượng không khí AQI khu vực mình sinh sống để từ đó có những giải pháp phòng tránh phù hợp.

Một trong những kênh tham khảo đáng tin cậy đó chính là trang chủ của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM hay Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Với các máy đo AQI theo thời gian thực được lắp đặt tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng và Hạ Long nên từ nhiều năm nay, thông tin về chỉ số AQI trên trang aqicn.org của cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ được nhiều người tại Việt Nam sử dụng, nhất là tại sáu thành phố lớn của Việt Nam.

Cổng thông tin Quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường ở địa chỉ cem.gov.vn với giao diện bắt mắt, dễ sử dụng nên đây cũng là kênh tham khảo tốt cho người dân trong nước.

Với thời đại công nghệ, không thể không nhắc đến các ứng dụng (app), như: PAMAir, Global Air Quality hay AirVisual.

Các ứng dụng này có khả năng cung cấp thông tin về chất lượng không khí của hơn 10.000 thành phố ở 80 quốc gia khác nhau theo chỉ số AQI của Hoa Kỳ, đưa ra cảnh báo và lời khuyên theo từng mốc, dự báo trước chất lượng không khí trong một tuần, bản đồ chất lượng không khí trên toàn thế giới, tra cứu nồng độ một số tác nhân nguy hiểm như PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide...

Air Quality hay AirVisual hiện là ứng dụng đang được rất nhiều người quan tâm.

Và cuối cùng, ngoài việc theo dõi trên các hệ thống chung thì mỗi gia đình cũng có thể tự đo chất lượng không khí bằng máy đo nồng độ bụi mịn PM2.5 hay PM10 hiện đang được bày bán khá nhiều trên thị trường.

Chỉ số AQI của Hoa Kỳ

+ Từ 0-50: Tốt, không khí trong lành, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

+ Từ 51-100: Trung bình, khá nhạy cảm nên hạn chế thời gian ra ngoài.

+ Từ 101-150: Kém, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, người có cơ địa nhạy cảm cần hạn chế thời gian ra ngoài.

+ Từ 151-200: Xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài.

+ Từ 201-300: Rất xấu, cảnh báo sức khỏe khẩn cấp, ảnh hưởng đến tất cả cư dân.

+ Từ 301-500: Nguy hại, mức báo động có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.

Lý Trường

Nên đọc