Cảnh báo rủi ro khi "ôm" nhiều nhà chung cư đợi lên giá

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư đang "ôm" nhiều nhà chung cư, đợi giá lên rồi bán sẽ rất rủi ro. Bản thân các ngân hàng cứ cho vay, nhà đầu tư cứ mua nhà, người mua sau chênh giá người mua khác với kỳ vọng giá lên. Nhưng khi giá xuống hoặc không thể bán được nữa, người mua cuối cùng sẽ gánh chịu hậu quả.

Tại Toạ đàm "Bất động sản năm 2025 - Tìm kiếm cơ hội trong thách thức", ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng tín hiệu FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh trong năm 2024 cho thấy cơ hội 2025 rất rõ, không chỉ liên quan đến hành lang pháp lý mà còn về sự kiện toàn trong cơ cấu tổ chức, kéo theo chi phí doanh nghiệp giảm đi đáng kể.

Một trong những điều kiện thuận lợi nữa đó là Chính phủ hiện đang nới lỏng cho doanh nghiệp bất động sản có thời gian trả trái phiếu cũng như trả lãi vay ngân hàng. Cùng với đó, nguồn vốn hơn 145.000 tỷ đồng đang đợi nhà đầu tư nhà ở xã hội cũng sẽ gợi mở hướng đi tốt cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Theo số liệu thống kê gần 2 triệu tỷ đồng nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 16%, trong đó đầu tư 2024 vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng trên 20%, tăng cao hơn tín dụng vào nền kinh tế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đặt câu hỏi, trong số này, liệu bao nhiêu người dân mua nhà thực tế để ở hay họ chỉ mua nhà để tăng sở hữu thêm đến 3 - 7 căn nhà.

Ông Hùng cho rằng, có một nghịch lý, vì sao giá cao như vậy nhưng nhiều người vẫn mua được, vẫn tiếp tục cho thuê? Bởi họ kỳ vọng trong tương lai, có thể tiếp tục hưởng chênh lệch về giá. Xét cho cùng, đây sẽ là rủi ro rất lớn cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thiếu nguồn cung là có thật nhưng người thực sự cần mua để ở có mua được hay không. Ông Hùng băn khoăn là chất lượng nhà ở hiện nay vẫn thế nhưng giá tăng gấp đôi. Tức, giá nhà tăng từ 50 triệu đồng/m2 lên 70 - 120 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không hơn gì so với nhà giá 70 triệu đồng/m2 trước đây. Trong khi đó, bao nhiêu nhà biệt thự còn bỏ hoang, rất lãng phí.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản yếu kém, không đủ tiềm lực sẽ rất khó sống trong thời kỳ hiện tại. Bởi khi 3 bộ Luật bất động sản ra đời, các doanh nghiệp này sẽ không còn chuyện "tay không bắt giặc". Vì vậy, nhà đầu tư bất động sản cần phải lựa chọn những chủ đầu tư uy tín, có đủ năng lực để tránh rủi ro về loại hình bất động sản nhà ở hình thành trong tương lai.

Vị này cũng cho rằng, đánh thuế bất động sản thứ 2 là rất cần thiết. Tuy nhiên phải nhìn tổng thể mặt bằng chung, bởi nếu thực hiện bây giờ thì chưa đánh giá được đúng thực trạng với số lượng bất động sản bán cho người dân.

"Người có nhiều biệt thự, chúng ta chưa xác định được là bao nhiêu. Người có hàng chục căn hộ, chúng ta cũng chưa xác định được. Chỉ khi đánh giá được đúng thực trạng đó rồi, chúng ta sẽ đưa ra bài toán phù hợp hơn. Còn nếu đánh thuế ngay, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Tôi tin chắc giá bất động sản sẽ giảm, tuy nhiên các chủ đầu tư sẽ chịu tác động rất lớn, kể cả hoạt động kinh doanh", ông Hùng e ngại. 

Đánh thuế bất động vẫn là một bài toán khó nhưng rất cần đưa vào triển khai dần, thông qua các phương tiện thông tin, qua đánh giá thị trường. Qua đó, nhà đầu tư cần phải nhận ra rằng, không phải cứ đầu tư vào bất động sản là có lãi, cứ thay đổi cơ chế là bất động sản sẽ có mức giá mới và không bao giờ giảm.

TIN LIÊN QUAN