Theo Bộ Giao thông Vận tải, QCVN 09 áp dụng được 8 năm đã phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Bên cạnh đó, xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
So với Quy chuẩn hiện hành được ban hành năm 2015 (QCVN 09), Dự thảo Thông tư mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại xe ô tô không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm: xe thuần điện, xe Hybrid, xe Hybrid điện, xe chạy nhiên liệu Hydro, xe chạy nhiên liệu Hydro điện.
Đây là xu hướng chung của thế giới, Việt Nam hiện đang phát triển nhanh các loại xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh; phát triển các loại xe Hybrid, phương tiện giao thông thông minh. Do vậy, cần rà soát cập nhật, bổ sung quy định đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ phương tiện, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, do đó cần thiết phải xây dựng, hài hòa các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm tính an toàn và hài hòa với mặt bằng kỹ thuật phương tiện chung của thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô bởi tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là ô nhiễm bụi.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho ô tô điện nhằm bảo đảm an toàn trong vận hành, sửa chữa cũng như nạp điện cho bộ lưu trữ. Tuy nhiên, yêu cầu nối đất đối với thiết bị sạc có thể gây khó cho người dùng khi sạc điện tại hộ gia đình vì hiện nay, hầu hết nguồn điện ở hộ gia đình không có hệ thống nối đất riêng.
"Nên bổ sung yêu cầu đối với người sử dụng phương tiện cơ giới chạy bằng điện. Chẳng hạn, khi đấu nối thiết bị sạc vào mạng điện áp cao - nơi không có hệ thống nối đất riêng - thì cần tuân thủ quy trình cụ thể nào" - TS Nguyễn Trung Nhân góp ý.
Các chuyên gia cho rằng nếu chậm trễ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với khí thải ô tô sẽ không chỉ gây thiệt thòi cho người tiêu dùng mà còn làm đình trệ sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng dẫn chứng châu Âu, Mỹ... đã có sẵn tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải ô tô, Việt Nam có thể tham khảo để rút ngắn thời gian nghiên cứu. Áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn của thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam còn giúp ô tô sản xuất trong nước thích ứng được với thị trường thế giới, thuận lợi hơn khi xuất khẩu.
Mặt khác, theo các chuyên gia, nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với ô tô lưu hành trong nước sẽ không tạo ra được hàng rào kỹ thuật để bảo hộ ngành ô tô nội địa cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Hậu quả là những sản phẩm không đạt chất lượng có thể xâm nhập thị trường trong nước, được tiêu thụ với giá rẻ.
Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiệp hội đã góp ý rất chi tiết về tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với ô tô nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được tiêu chuẩn để làm cơ sở xây dựng quy chuẩn về chất lượng của phương tiện cơ giới chạy điện.
Hơn nữa, các bản dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với xe chạy điện, xe hybrid, xe chạy bằng nhiên liệu hydro hiện mới đề cập những nội dung đơn giản như tiêu chuẩn vật liệu, hệ thống điện... Trong khi đó, còn khá nhiều tiêu chuẩn khác phức tạp hơn cũng cần được xem xét thêm.
Các hãng ô tô mong muốn sớm có tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải và chất lượng đối với ô tô bởi đó là cơ sở để hình thành chính sách phát triển, từ đó hãng mới có thể xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài.