Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát (quy mô 1.000 m2) mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân vùng biển xã Nhơn Hải. Thời gian thực hiện 10 tháng, trong năm 2024.
Hình minh họa
Hải sâm cát (tên khoa học: Holothuria scabra) là một trong những loài có giá trị kinh tế cao trong các loài hải sâm thương mại, thường sống trong đáy cát bùn ở những nơi cửa sông hoặc các đầm, phá, vũng, vịnh. Từ năm 2008 - 2017, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III được Bộ NN&PTNT giao hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát. Đến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã làm chủ công nghệ này.
Nhơn Hải là địa phương có điều kiện tự nhiên, môi trường rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi thương thẩm hải sâm cát. Ông Lê Minh Tuấn, thành viên HTX Dịch vụ - Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải, chủ nhiệm đề tài cho biết, hải sâm là loài động vật không xương sống ở vùng biển, được ví như “nhân sâm” của biển bởi có nhiều công năng quý như bổ thận, tráng dương, ích tinh, giảm ho, tiêu độc, dưỡng huyết… Với nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, ít dịch bệnh, giá trị cao, hải sâm là đối tượng nuôi trồng có nhiều tiềm năng phát triển tại vùng biển Nam Trung bộ. Thức ăn nuôi hải sâm không tốn kém bởi chúng ăn thức ăn dư thừa hoặc các chất thải của các đối tượng nuôi khác. Việc nuôi hải sâm góp phần làm sạch môi trường biển, tạo môi trường tốt để hệ sinh thái san hô phát triển.
Hiện HTX đã đưa 70 con giống hải sâm cát từ Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung về thả nuôi lồng đợt đầu để đánh giá thích nghi tại xã Nhơn Hải. Song song đó, UBND xã Nhơn Hải đã có tờ trình gửi UBND TP Quy Nhơn và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh về việc xin tạm giao mặt nước để thực hiện nhiệm vụ ứng dụng KHKT tại xã Nhơn Hải.