Bất động sản 3- 5 năm tới sẽ bùng nổ hay lại rơi vào chu kỳ điều chỉnh?

Thị trường bất động sản Việt Nam đang dần bước vào một chu kỳ mới, được đánh giá là có nhiều yếu tố nền tảng tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giai đoạn 3–5 năm tới sẽ có sự phân hóa rõ nét theo vùng miền, nhà đầu tư cần lựa chọn cẩn trọng và bám sát quy hoạch để đón đầu cơ hội.

Đầu tư công và chính sách vĩ mô tạo lực đẩy mới cho thị trường

Tại tọa đàm “Bắt mạch thị trường – Đâu là tọa độ vàng đón sóng đầu tư” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Anh Quê – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch G6 Group – nhận định, thị trường bất động sản đang đứng trước chu kỳ phục hồi và phát triển mới, với nhiều lực đẩy từ kinh tế vĩ mô.

Theo ông Quê, đầu tư công là một trong những động lực quan trọng, với tỷ lệ giải ngân cao, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc, sân bay, cầu cảng. Cùng với đó, lợi thế thuế quan với Mỹ mở ra tiềm năng cho xuất khẩu, công nghiệp và bất động sản khu công nghiệp.

Chính sách tiền tệ hiện tại cũng đang hỗ trợ thị trường, khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp, hạn mức tín dụng được nới lỏng, kết hợp các chính sách kích cầu tiêu dùng và sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, các rào cản pháp lý đang được tháo gỡ, nhất là trong công tác cấp phép và phê duyệt đầu tư.

“Những yếu tố này đang tạo nền tảng quan trọng cho thị trường bất động sản bước vào một chu kỳ sôi động hơn trong những năm tới,” ông Quê nhận định.

Ảnh minh họa.

Ba giai đoạn chính trong chu kỳ thị trường 2025–2030

Dựa trên phân tích xu hướng và biến động vĩ mô, ông Nguyễn Anh Quê dự báo thị trường bất động sản sẽ trải qua ba giai đoạn chính trong vòng 5 năm tới:

Quý III–IV/2025: Giai đoạn đi ngang. Nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng do nhiều yếu tố vĩ mô chưa rõ ràng, cả trong nước và quốc tế.

Giai đoạn 2026–2027: Thị trường bước vào giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ. Nguồn cung và giao dịch đều tăng, hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo cú hích lớn. Đây được xem là thời điểm thị trường hoạt động sôi động nhất trong chu kỳ này.

Từ năm 2028 trở đi: Thị trường có dấu hiệu bão hòa, thanh khoản giảm. Giá bất động sản có thể chững lại hoặc điều chỉnh nhẹ do đã tăng mạnh trước đó.

Sự phân hóa rõ nét theo vùng: Đâu là tọa độ vàng đầu tư?

Ông Nguyễn Anh Quê cho rằng thị trường sẽ phân hóa mạnh theo vùng, phụ thuộc vào hạ tầng, quy hoạch và tiềm năng phát triển kinh tế. Một số khu vực được đánh giá cao trong giai đoạn tới bao gồm:

Hà Nội: Mặt bằng giá đã cao trong khi thanh khoản thấp. Dự báo có thể điều chỉnh giá khi nguồn cung tăng trong thời gian tới.

Miền Bắc: Các tỉnh vệ tinh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên đã ghi nhận đợt tăng giá mạnh 2021–2023. Tuy nhiên, từ cuối 2024 đến đầu 2025, dư địa tăng giá không còn nhiều, thanh khoản giảm.

Miền Trung: Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh 2014–2022, khu vực này đang điều chỉnh. Khó có đột phá về giá trong ngắn hạn.

Miền Nam và ven biển: Sau khi điều chỉnh giảm từ 2022, khu vực này còn nhiều dư địa tăng giá nhờ hạ tầng đang được đầu tư mạnh.

Những khu vực nào có tiềm năng tăng trưởng cao?

Ông Quê cũng chỉ ra một số địa phương có thể trở thành “tọa độ vàng” trong chu kỳ bất động sản sắp tới:

Hải Phòng: Với hạ tầng đồng bộ, dân cư đông, hệ thống cảng biển phát triển và quy hoạch Khu thương mại tự do, địa phương này được đánh giá có tiềm năng bứt phá. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng với khu vực xa trung tâm hoặc chưa rõ quy hoạch.

Bắc Ninh – Bắc Giang: Được xem là "siêu thủ phủ công nghiệp", hưởng lợi lớn từ dòng vốn FDI và cơ hội thuế quan.

Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu: Khu vực sáp nhập về TP.HCM, kỳ vọng tạo cú hích mạnh cho hạ tầng và đô thị hóa, từ đó nâng cao giá trị bất động sản.

Khánh Hòa: Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 và loạt dự án giao thông lớn, khu vực này còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Đà Nẵng: Định hướng hình thành khu kinh tế thương mại tự do và phát triển du lịch – dịch vụ là nền tảng thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị.

Phú Quốc: Được đánh giá là “thỏi nam châm” đầu tư với tổng vốn hạ tầng lên đến 330.000 tỷ đồng phục vụ APEC 2027. Thành phố đảo này dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2026, hạ tầng và các ngành y tế, giáo dục, du lịch đang phục hồi mạnh.

Ông Nguyễn Anh Quê nhấn mạnh bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình tích cực, với nhiều điều kiện vĩ mô thuận lợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, lựa chọn khu vực có quy hoạch rõ ràng, dư địa tăng trưởng thực sự và bám sát diễn biến hạ tầng để đi trước một bước.