Bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thủy sản “ăn nên làm ra”

(CL&CS) - Trong cơn bão lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản đi qua cơn bão, đạt kết quả kinh doanh khả quan nhờ biết nắm bắt cơ hội từ những thị trường đang có nhu cầu lớn.

Nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩy tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2022, ngành thuỷ sản xuất khẩu ghi nhận nhiều mốc kỷ lục. Kỷ lục doanh số, kỷ lục về tăng trưởng so với nửa đầu các năm. Cả ngành thuỷ sản đã thu về 5,7 tỷ USD ngoại tệ, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó phải kể đến kỷ lục của kỷ lục là mặt hàng cá tra với doanh số 1,4 tỷ USD, tăng 82%. Mặt hàng tôm xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 40% với gần 2,3 tỷ USD. Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu vẫn giữ được tăng trưởng từ 12-55% so với cùng kỳ, mang về trên 2 tỷ USD.

Cũng theo VASEP, trong cơn bão lạm phát giá đầu vào và chi phí bán hàng tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản vẫn mạnh mẽ vươn lên. Doanh nghiệp thuỷ sản đi qua cơn bão, chớp lấy cơ hội từ những thị trường đang có nhu cầu lớn, như Mỹ, EU, Trung Quốc và những thị trường luôn ưa chuộng sản phẩm thuỷ sản chế biến tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, cùng nhiều thị trường tiềm năng khác.   

Nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩy tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay. Nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh tập trung nhiều hơn vào ngành hàng cá tra. Biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và chiến sự Nga - Ukraine lại là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam. Cá tra sẽ được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đứng đầu trong số gần 900 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 6 với tổng doanh thu 1.063 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tất cả các sản phẩm từ cá tra, sản phẩm phụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe đều chứng kiến sự tăng trưởng hai chữ số, lần lượt là 27%, 46% và 98%. Riêng các sản phẩm của công ty con là Sa Giang là bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng và bún gạo sụt giảm, nhưng không đóng góp lớn vào tỷ trọng doanh thu.

Ngoài Vĩnh Hoàn, các công ty xuất khẩu cá tra khác cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như Công ty Thuỷ sản Biển Đông tăng 41%, Công ty IDI tăng 86%, NAVICO tăng 41%, Công ty Vạn Đức Tiền Giang tăng gần 61%, Công ty Đại Thành Tiền Giang tăng 118%, Công ty CPTS NTFS tăng 87%…

Dẫn đầu trong các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và đứng thứ 2 trong các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản là Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng (STAPIMEX) với kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Tập đoàn Minh Phú đứng thứ 3, doanh số tăng nhẹ 6%, tuy nhiên xuất khẩu của Công ty Minh Phú - Hậu Giang lại tăng 30%.

Nhiều doanh nghiệp tôm khác vẫn giữ được tăng trưởng cao như: Công ty CP dịch vụ và Thuỷ sản Cà Mau (CASES) tăng 47%.

Hay như CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), theo báo cáo tài chính qusy 2 vừa công bố, doanh nghiệo này ghi nhận 1.411 tỷ đồng doanh thu thuần, 118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 21,5% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của Sao Ta. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Sao Ta đạt 2.739 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt gần 29% và 42% so với nửa đầu năm ngoái.

Doanh nghiệp này cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm trong bối cảnh tôm nuôi bị dịch bệnh, nguồn cung nguyên liệu không mạnh và duy trì giá cao suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, Công ty Thuận Phước tăng 13%, Công ty Tài Kinh Anh tăng 73%. Đáng lưu ý có Công ty TNHH MTV SX TM Anh Nhân bứt phá ngoạn mục với doanh số gấp gần 5 lần so với cùng kỳ.

Khó khăn hơn tôm và cá tra, doanh nghiệp hải sản càng nỗ lực vượt trội và đã đạt được kết quả cao hơn năm trước. Trong đó, những công ty cá ngừ như Hải Long Nha Trang tăng doanh số XK 58%, Công ty CP thuỷ sản Bình Định tăng 33%, Công ty Hải Vương (HAVUCO) tăng 144%, Công ty Tín Thịnh tăng gấp đôi doanh số so với cùng kỳ... Nhiều công ty hải sản khác cũng ghi nhận XK tăng mạnh như Nha Trang Seafood F17 tăng 34%, Công ty TNHH Hải Nam tăng 67%...

Nửa cuối năm 2022 nguyên liệu tôm, hải sản sẽ khó hơn đầu năm, nhu cầu các thị trường lớn cũng sẽ hạ nhiệt. Nhưng với sự linh hoạt và nỗ lực của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam, kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD cho năm nay chắc chắn ở trong tầm tay.

Số liệu và phân tích của Fiinpro Việt Nam cho thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của nhóm doanh nghiệp thủy sản có khả năng tăng 123% so với năm 2021. Kết quả quý 1/2022 thể hiện kỳ vọng này khi lợi nhuận tăng 264% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng và biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) được cải thiện.

Bởi lẽ, giá xuất khẩu tăng tốt, nhu cầu tiêu thụ (đặc biệt là cá tra) tại nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU hồi phục mạnh sau dịch Covid-19 nhưng nguồn cung thiếu hụt do tình trạng tắc nghẽn vận tải đường biển và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra.

TIN LIÊN QUAN