Bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức

(CL&CS) - Để được ứng tuyển công chức, thí sinh có thể phải vượt qua kỳ kiểm định chất lượng đầu vào do Bộ Nội vụ tổ chức, kết quả thi có giá trị trong 2 năm.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Văn bản nêu rõ nguyên tắc, phương thức, nội dung, hình thức và thẩm quyền kiểm định đối với người tham gia thi tuyển vào làm công chức trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh và huyện.

Hình minh họa

Theo dự thảo, trước ngày 31/1 hàng năm, Bộ Nội vụ sẽ ban hành kế hoạch kiểm định chất lượng đầu vào công chức, số lần tổ chức trong năm, thời gian, địa điểm, công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu thì xây dựng kế hoạch, thông báo và lập danh sách thí sinh đăng ký gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định.

Việc kiểm định được tổ chức bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Với thí sinh có trình độ đại học trở lên, số lượng câu hỏi không quá 100, thời gian 120 phút. Với thí sinh thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng, số lượng câu hỏi không quá 80, thời gian 100 phút.

Nội dung thi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ... và đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

Kết quả thi được xếp loại như sau: Loại xuất sắc trả lời đúng từ 90% số câu hỏi trở lên; Loại giỏi trả lời đúng từ 80% đến dưới 90%; Loại khá trả lời đúng từ 70% đến dưới 80% và đạt yêu cầu khi trả lời đúng từ 60% đến dưới 70% số câu.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả còn giá trị, người đạt kết quả được đăng ký thi tuyển vào làm công chức tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Cơ quan, tổ chức căn cứ xếp loại kết quả kiểm định để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Việc kiểm định chất lượng đầu vào không thực hiện với người được tuyển dụng vào công chức thông qua xét tuyển hoặc tiếp nhận.

Bộ Nội vụ cho biết xây dựng dự thảo nghị định dựa trên Nghị quyết số 26/2018 của trung ương, trong đó có nội dung tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ mà chưa có hoạt động sát hạch, sàng lọc thí sinh trước khi đánh giá năng lực chuyên môn.

Nội dung thi về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học được đánh giá đồng thời với nội dung thi về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, vì vậy có sự chênh lệch về năng lực thí sinh. Nhiều thí sinh không đủ điều kiện, nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết vẫn tham dự kỳ thi tuyển công chức dẫn đến lãng phí nguồn lực tổ chức kỳ thi, lãng phí thời gian, cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp hơn với thí sinh...

Việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức được đánh giá sẽ tiết kiệm chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước. Các chi phí giảm gồm phí tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển. Hoạt động này cũng sẽ khắc phục được tình trạng các cơ quan, đơn vị có số lượng tuyển dụng công chức ít, số thí sinh dự thi nhỏ, lệ phí dự thi không thể bù đắp được nếu tự tổ chức kiểm định.

Cơ quan tuyển dụng công chức sẽ thụ hưởng các lợi ích như: Nguồn tuyển lớn từ nguồn thí sinh đạt điều kiện kiểm định thay vì giới hạn từ số thí sinh nộp hồ sơ trong mỗi đợt tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng có điều kiện lựa chọn thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất trở thành công chức...

TIN LIÊN QUAN