Năm 2022: Điều chỉnh trong xu hướng chung toàn cầu
Năm 2022, cùng trong xu hướng giảm của thị trường toàn cầu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận sự điều chỉnh mạnh trên hầu hết các chỉ tiêu quan trọng: chỉ số chứng khoán, giá trị vốn hoá, khối lượng và giá trị giao dịch, tuy nhiên điểm sáng của thị trường là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với thị trường và sự gia nhập của dòng vốn ngoại vào giai đoạn cuối năm.
Các chỉ số chứng khoán chính sụt giảm mạnh. Tính đến ngày 6/1/2023, Vn-Index giảm 30.65% so với đầu năm, trong khi HNX-Index giảm 55,06% và VNI 30 giảm 31,31%. Có thời điểm VN-Index còn quanh mức 910 điểm, giảm tới 40,2% so với đầu năm.
Với mức sụt giảm này, chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có mức sụt giảm mạnh nhất thế giới. Thời điểm này, chứng khoán Mỹ giảm 9,25%, Nhật Bản giảm 4,3%, Trung Quốc giảm 19,6%, châu Âu giảm 11,45%.
Vốn hoá thị trường đạt gần 5,4 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 11, ghi nhận mức giảm 30% so với thời điểm đầu năm. Xu hướng giảm xuất hiện trên cả 3 sàn giao dịch HSX, HNX và VNI 30, đặc biệt trong giai đoạn quý 2, 3, sàn HSX ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất, trong khi ở mức giảm thấp hơn ở HNX và VNI 30.
Về thanh khoản, trung bình cả năm 2022 đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2021. Dao động khoảng 15 nghìn tỷ đồng/phiên, càng về cuối năm thanh khoản càng giảm, mức giảm sâu nhất tháng 11/2022 chỉ đạt 12,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 0,5 tỷ USD), tức chỉ bằng khoảng 50% so với bình quân của năm 2021. Tuy nhiên, bình quân tháng 12 đã tăng hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường giảm vào giai đoạn cuối năm. Tính từ thời điểm tháng 11, số lượng nhà đầu tư mới gia nhập chỉ đạt hơn 88 nghìn, tức chỉ bằng 18,7% so với mức cao điểm vào tháng 5 với hơn 476 nghìn tài khoản.
Điểm sáng của TTCK trong năm 2022 là sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại sau khi đã bán ròng mạnh trong 2 năm 2020-2021. Luỹ kế tính đếngiữa tháng 12/2022, khối ngoại đã mua ròng khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó năm 2020 và năm 2021, khối này đã bán ròng lần lượt là 9,7 nghìn tỷ và 50,9 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại đã tăng mạnh từ 6,2% đầu năm 2022 lên 14,8% trên tổng giá trị giao dịch thị trường vào cuối tháng 11/2022.
Năm 2023: Thị trường diễn biến khó lường, phân hoá mạnh
Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023 được dự báo sẽ có những khó khăn hơn khi chịu sự tác động từ việc mở cửa nền kinh tế đã không còn mạnh mẽ, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do cầu thế giới giảm, thách thức lãi suất và tỷ giá kéo dài (ít nhất đến quý 2/2023), bên cạnh đó là những khó khăn trên thị trường bất động sản sẽ khiến thanh khoản và niềm tin vào thị trường sụt giảm.
Phân tích về biến động của thị trường chứng khoán trong năm 2023, ThS. Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, TTCK Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đối mặt với đà tăng chậm lại của kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
“Lạm phát tuy đã được kiểm soát phần nào nhưng vẫn đạt mức cao sẽ khiến lãi suất tiếp tục tăng mặcvới mức độ và cường độ thấp hơn so với năm 2022. Các nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu, các cuộc xung đột chính trị… vẫn sẽ là những yếu tố tiềm ẩn tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong năm tới”, ThS Phạm Tiến Đạt dư báo thêm.
Theo VNDirect, giai đoạn đầu năm 2023, TTCK được dự báo tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, tuy vậy đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn.
Tuy nhiên, đà tăng sẽ “vững chãi” hơn trong giai đoạn cuối năm khi ngân hàng trung ương các nước “bớt diều hâu”, qua đó sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Chỉ số VN-Index được dự báo sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023.