Mức thuế 2% là khá cao
Để khắc phục tình trạng đầu cơ, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng các mức thuế suất khác nhau dựa trên thời gian sở hữu Bất động sản. Cụ thể, các giao dịch Bất động sản nắm giữ trong thời gian ngắn sẽ chịu mức thuế suất cao hơn, tạo ra chi phí lớn đối với các hành vi đầu cơ. Ngược lại, các giao dịch được nắm giữ trong thời gian dài sẽ chịu mức thuế suất thấp hơn để khuyến khích đầu tư dài hạn và ổn định thị trường.
Đề xuất này nhằm mục tiêu hạn chế các giao dịch ngắn hạn, góp phần ổn định thị trường và ngăn chặn tình trạng bong bóng Bất động sản.
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách thuế này nhằm hạn chế hoạt động mua đi bán lại trong thời gian ngắn. Chẳng hạn, tại Singapore, đất mua đi bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua bán; sau 2 năm, mức thuế suất giảm còn 50%; sau 3 năm là 25%.
Tại Đài Loan, giao dịch Bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất 45%; trong 2-5 năm, thuế suất là 35%; trong 5-10 năm, thuế suất 20%; và sau 10 năm, mức thuế suất là 15%.
Bàn về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng việc áp dụng mức thuế suất 2% hiện nay là khá cao, đặc biệt trong bối cảnh giá Bất động sản tăng mạnh. Ông lấy ví dụ, khi mua một căn nhà trị giá 5 tỷ đồng, người mua phải trả thêm 100 triệu đồng tiền thuế, gây áp lực tài chính lớn. Do đó, ông đề xuất cần xem xét lại mức thuế này để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn.
Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng chính sách thuế TNCN theo thời gian nắm giữ tài sản đòi hỏi sự đồng bộ trong các chính sách liên quan, như quản lý đất đai, nhà ở và hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống đăng ký đất đai và Bất động sản cần được hiện đại hóa, đảm bảo khả năng ghi nhận đầy đủ và chính xác thời gian nắm giữ tài sản. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để đảm bảo việc thực thi chính sách hiệu quả và minh bạch.
Đề xuất áp dụng thuế chuyển nhượng Bất động sản theo thời gian sở hữu mặc dù là một giải pháp tiềm năng nhằm hạn chế đầu cơ và ổn định thị trường. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng quản lý, đồng thời đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình thực thi. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành công của chính sách này.
Nên đánh thuế theo thời gian sở hữu
Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nội dung: “Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả”.
Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã nêu: “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất...”.
Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV yêu cầu: “Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người dân và sự phát triển của thị trường bất động sản”.
Theo đó, nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng nêu trên, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính đề xuất “có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với TNCN từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước. Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản”.
Bộ Tài chính lưu ý, việc áp dụng chính sách thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như sự đồng bộ, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý để có được các thông tin liên quan đến thời gian nắm giữ bất động sản.
Tại Điều 247 Luật Đất đai năm 2024 cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 Luật thuế TNCN quy định cụ thể: “Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần; trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất”.
Bộ Tài chính cho rằng cần cập nhật quy định này vào dự thảo Luật thuế TNCN (thay thế) để đảm bảo đồng bộ của hệ thống pháp luật.