Áp dụng HTQLCL ISO 9001 - từng bước cải tiến, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính

(CL&CS) - Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” của nhiều cơ quan, đơn vị hiệu quả hơn, giúp thấy rõ các vấn đề thuộc hoạt động nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, từng bước cải tiến phương thức làm việc, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân, Vĩnh Phúc đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh.

Đây được coi là một trong những nhiệm vụ góp phần xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển.

Năm 2023, tỉnh ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả áp dụng, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Bộ tiêu chí là căn cứ để kiểm tra, đánh giá, chấm điểm, xếp loại các đơn vị bảo đảm chính xác, hiệu quả.

Qua thực hiện bộ tiêu chí này, các cơ quan đã chủ động xây dựng, kiểm soát và thực hiện mục tiêu chất lượng; nhận diện bối cảnh, xác định rủi ro và nhu cầu của các bên quan tâm. Nhiều cơ quan tăng cường đánh giá nội bộ, xem xét công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp xã về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của việc xây dựng, áp dụng chuyển biến tích cực. Nhiều hoạt động nội bộ được các đơn vị xem xét chuẩn hóa thành quy trình. Số lượng quy trình nội bộ được các đơn vị rà soát xây dựng và đưa vào áp dụng ngày càng tăng.

Hiện toàn tỉnh có 175 cơ quan hành chính đang áp dụng, duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; trong đó có 39 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thuộc diện bắt buộc áp dụng; 136 xã, phường, thị trấn thuộc diện khuyến khích áp dụng.

Ảnh minh họa.

Thông qua hệ thống quản lý chất lượng, các cơ quan, tổ chức phải công khai yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp khi giải quyết thủ tục hành chính; nêu rõ quy trình xử lý công việc, kết quả xử lý cuối cùng, thời gian hoàn thành, từ đó đưa ra biện pháp giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hệ thống quản lý chất lượng giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” của nhiều cơ quan, đơn vị hiệu quả hơn, giúp thấy rõ các vấn đề thuộc hoạt động nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc. Hệ thống này cũng chỉ ra những chỗ chồng chéo, bất hợp lý để liên tục cải tiến quy trình xử lý công việc cho phù hợp, đồng thời tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát quá trình giải quyết các thủ tục hành chính.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính, những năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn nằm trong top đầu địa phương về cải cách hành chính. Đặc biệt, năm 2022 lần đầu tiên tỉnh có 3 chỉ số đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 8; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 7; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố.

Các chỉ số này đều đạt và vượt mục tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đây là minh chứng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của Vĩnh Phúc trong chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

TIN LIÊN QUAN