Áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tại Yên Dũng – Bắc Giang

(CL&CS)- Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Yên Dũng đã dần phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Hiện toàn huyện đã xây dựng thành công 24 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao.

Huyện Yên Dũng nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên trên 19.100 ha, dân số trên 163.000 người, gồm 16 xã và 02 thị trấn. Huyện nằm ở vị trí thuận lợi, sát thành phố Bắc Giang, liền kề với khu tam giác kinh tế phía Bắc, giao thông thuận tiện kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Chính vì vậy trong khoảng 10 năm trở lại đây, Yên Dũng được xác định là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh Bắc Giang.

Trên địa bàn huyện có 74 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động nhiều ngành nghề, loại hình; 02 làng nghề truyền thống. Đây là tiềm năng lớn để huyện phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Những năm qua, huyện Yên Dũng đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ xã, thị trấn, chủ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Cùng đó, huyện hỗ trợ chi phí tư vấn hồ sơ, thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm và các chương trình marketing sản phẩm… Các chủ thể có sản phẩm cũng được huyện kết nối tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại các hội chợ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử.

Mô hình dưa lưới của Hợp tác xã Công nghệ cao Trí Yên

Nhờ triển khai thực hiện Chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm đã mamg lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng thành công 24 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao; dự kiến đến hết năm 2024, huyện sẽ có thêm 17 sản phẩm đạt OCOP. Các sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định được uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm trên thị trường, một số sản phẩm OCOP có doanh thu tăng như: Gạo Thơm Yên Dũng, Các sản phẩm râu sạch (của HTX Rau sạch Yên Dũng), tinh bột nghệ và tinh bột củ sen (của HTX nông nghiệp sạch Thùy Dương)... Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện góp phần tạo việc làm cho gần 300 lao động thường xuyên, với mức thu nhập ổn định từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Yên Dũng cho biết: Năm 2024, nhiều HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có sản phẩm mới đã chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP. Phòng Kinh tế huyện ngoài hỗ trợ các HTX, chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP, cách thức phát triển sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và phù hợp với nhu cầu khách hàng trong tình hình mới.

Dưa lưới của HTX rau sạch Yên Dũng đạt ocop 3 sao

Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP, huyện Yên Dũng đã áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, người dân và các chủ thể để phát triển các sản phẩm OCOP gắn với sản phẩm đặc trưng, thế mạnh địa phương, gắn với du lịch cộng đồng, trải nghiệm; khuyến khích các cơ sản xuất áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong quá trình sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; huyện hỗ trợ 100% chi phí cho chủ thể tham gia chương trình OCOP để kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm theo yêu cầu nhưng không quá 10 triệu đồng/sản phẩm. Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/chủ thể/lần tham gia. Hỗ trợ 100% kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của huyện.

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức đi thăm, mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp vào địa bàn thuê đất, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nhờ đó, các sản phẩm được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN