Thứ ba, 14/12/2021, 11:01 AM

ADB điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của Châu Á đang phát triển giảm nhẹ xuống 7,0% vào năm 2021 và 5,3% năm 2022

(CL&CS) - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo của mình về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Châu Á đang phát triển, giảm nhẹ còn 7,0% trong năm nay và 5,3% trong năm tới, sau khi các đợt bùng phát mới của dịch bệnh do vi-rút corona (COVID-19) dẫn tới mức tăng trưởng chậm hơn trong Quý III.

Những ước tính mới nhất của ADB được trình bày trong ấn bản bổ sung thường kỳ của báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021, so với dự báo của ngân hàng trong tháng 9 với mức tăng trưởng 7,1% cho năm 2021 và 5,4% cho năm 2020. Triển vọng cho năm nay đã được điều chỉnh giảm nhẹ đối với tất cả các tiểu vùng, ngoại trừ Trung Á.

Quyền Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Joseph Zveglich, Jr., nhận định: “Tiến triển đều đặn của Châu Á đang phát triển trong việc ứng phó COVID-19, thông qua các đợt tiêm chủng được tiếp tục triển khai và việc ứng dụng các biện pháp ngăn chặn có tính chiến lược hơn, đã giúp thúc đẩy triển vọng tăng trưởng hồi đầu năm. Tuy nhiên, các đợt bùng phát mới trong Quý III đã khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bị chững lại, và sự xuất hiện của biến thể Omicron đang dẫn đến tình trạng bất định mới. Những nỗ lực phục hồi gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này”.

Rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng vẫn là sự gia tăng lại số ca mắc COVID-19. Số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trên toàn cầu đã tăng lên tới gần 573.000 ca vào ngày 30 /11, so với 404.000 ca vào ngày 15/10. Tỉ lệ tiêm chủng của Châu Á đang phát triển đã gia tăng đáng kể, lên tới 48,7% (được tiêm chủng đầy đủ) tính đến ngày 30 tháng 11, mặc dù vẫn thấp hơn Hoa Kỳ với mức 58,1% và Liên minh Châu Âu với mức 67,2%. Tỉ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ cũng rất khác nhau trong khu vực, từ mức rất cao là 91,9% tổng dân số như ở Xinh-ga-po cho tới mức rất thấp, chỉ 2,2%, như ở Pa-pua Niu Ghi-nê.

Trái ngược với xu hướng chung của Châu Á đang phát triển, nền kinh tế Trung Á dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay, phản ánh giá cả hàng hóa cao hơn và chi tiêu công gia tăng. Dự báo cho năm tới cũng được nâng từ mức 4,2% vào tháng 9 lên tới 4,4%.

Triển vọng tăng trưởng của Đông Á đã bị giảm 0,1 điểm phần trăm cho cả năm 2021 và 2022, lần lượt xuống còn 7,5% và 5,0%, trong bối cảnh có sự điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)—nền kinh tế lớn nhất khu vực. Kinh tế Trung Quốc hiện được dự kiến tăng trưởng 8,0% trong năm nay và 5,3% vào năm tới.

Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng 8,6% vào năm 2021, so với mức dự báo 8,8% hồi tháng 9. Triển vọng năm 2022 của tiểu vùng vẫn duy trì ở mức 7,0%. Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, hiện được dự kiến tăng trưởng 9,7% trong năm tài khóa 2021, kết thúc vào ngày 31/3/2022. Mức giảm 0,3 điểm phần trăm diễn ra trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp. Triển vọng của Ấn Độ cho năm tài khóa 2022 được duy trì ở mức 7,5%, do nhu cầu trong nước dự kiến ​​sẽ quay trở lại mức bình thường.

Triển vọng tăng trưởng năm 2021 của Đông Nam Á được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 3,0%, khi các nền kinh tế trong tiểu vùng áp đặt những hạn chế có trọng điểm để ứng phó với biến thể Delta của COVID-19. Dự báo tăng trưởng cho năm sau được tăng lên 5,1%, khi các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng hạn chế nói chung và phục hồi các hoạt động kinh tế. Dự báo tăng trưởng của Thái Bình Dương được duy trì ở mức -0,6% trong năm nay và điều chỉnh giảm nhẹ xuống còn 4,7% cho năm 2022.

Lạm phát trong khu vực được dự báo vẫn nằm trong tầm kiểm soát, ở mức 2,1% vào năm 2021 và 2,7% trong năm 2022, cho phép thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng hơn và hỗ trợ các nỗ lực phục hồi đại dịch.

Nhị Thanh

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59

(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.