Văn hóa và Đời sống
Thứ hai, 14/10/2024, 21:25 PM

70 năm văn hoá Hà Nội: Yêu từng con đường, góc phố, tiếng rao đêm...

(CL&CS) - “Mỗi con đường, góc phố, mỗi tiếng rao ban đêm hay bóng cây cổ thụ đều gợi nhắc về một Hà Nội giàu truyền thống, khi chuyển mình và phát triển hiện đại trên con đường hội nhập vẫn giữ vững cốt lõi của bản sắc của riêng mình trong dòng chảy không ngừng của thời gian”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội trò chuyện về Hà Nội - hành trình 70 năm văn hóa nhân ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

1

 

2

Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, là một người làm văn hóa, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình về Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn hiến, đặc biệt trong những ngày mùa thu tháng 10 – kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10?

Cũng như rất nhiều người dân Việt Nam, nhất là một người làm văn hóa, tôi có một tình yêu đặc biệt với Hà Nội. Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, không chỉ là trái tim của Việt Nam mà còn là biểu tượng sống động của lịch sử, văn hóa và nghệ thuật qua bao thế hệ. Từ thuở vua Lý Thái Tổ dựng kinh đô Thăng Long, Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc, cái nôi tạo dựng nền văn hóa rực rỡ với sức sống bền bỉ qua thời gian. Dù trải qua bao biến cố, Thăng Long - Hà Nội vẫn đứng vững, như một chứng nhân của lịch sử, luôn truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam từ quá khứ đến tương lai.

Khi bước trên những con phố cổ kính của Hà Nội, bạn không chỉ cảm nhận được hương vị của thời gian mà còn lắng nghe từng hơi thở của lịch sử thấm sâu vào từng viên đá, từng ngôi nhà, từng mái ngói rêu phong. Từ chùa Một Cột thanh tịnh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám uy nghiêm, Hà Nội lưu giữ dấu ấn của những triều đại Lý, Trần, Lê – nơi mà các vị vua, các nhà hiền triết đã để lại những công trình vĩ đại, minh chứng cho sự phồn vinh của một thời kỳ hoàng kim trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Mỗi con đường, góc phố, mỗi tiếng rao ban đêm hay bóng cây cổ thụ đều gợi nhắc về một Hà Nội giàu truyền thống, khi chuyển mình và phát triển hiện đại trên con đường hội nhập vẫn giữ vững cốt lõi của bản sắc của riêng mình trong dòng chảy không ngừng của thời gian.

3

Bản sắc cốt lõi ấy của Hà Nội là gì, thưa ông?

Trước năm 1954, Hà Nội đã tỏa sáng như một biểu tượng của văn hóa kinh kỳ, nơi những nghi lễ cung đình và truyền thống độc đáo được gìn giữ. Các đền, đình, chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là nơi hội tụ những giá trị tinh thần sâu sắc, nơi mà mỗi nhịp sống đều vang vọng âm hưởng của một quá khứ huy hoàng. Các lễ hội truyền thống như lễ hội Gióng, lễ hội rước nước, cùng với những trò chơi dân gian đã tạo nên không gian văn hóa sống động, vừa giữ gìn bản sắc, vừa làm phong phú đời sống tinh thần cho bao thế hệ người dân.

Những làng nghề cổ truyền như gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, hay lụa Vạn Phúc cũng đã khắc sâu vào tâm trí người Hà Nội sự tỉ mỉ và tinh hoa của bàn tay con người. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ đơn thuần là một vật phẩm, mà còn là hiện thân của cả một nền văn hóa đầy tự hào.

Tất cả những di sản ấy không chỉ là tài sản quý báu của Hà Nội, mà còn là di sản tinh thần vô giá của cả dân tộc Việt Nam. Chúng là minh chứng hùng hồn cho vị thế của Thăng Long - Hà Nội như một trung tâm văn hóa ngàn năm, nơi quá khứ giao hòa với hiện tại, truyền thống bắt nhịp với sự đổi mới. Trải qua mọi thăng trầm, Hà Nội vẫn đứng vững như một biểu tượng sáng ngời của văn hóa dân tộc, là động lực và điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.

4

Sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, văn hóa Hà Nội đã có bước chuyển mình thế nào, thưa ông?

Khi những đoàn quân tiến vào năm cửa ô vào ngày 10/10/1954, một thời đại văn hóa mới xã hội chủ nghĩa với lý tưởng cách mạng của Hà Nội đã mở ra. Văn hóa đã thể hiện rõ ràng sức mạnh nội sinh để Hà Nội trụ vững trước mưa bom bão đạn, khói lửa chiến tranh để trở thành trái tim, điểm tựa cho cả nước.

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng to lớn: Tái thiết không chỉ hạ tầng vật chất mà còn tái sinh tinh thần văn hóa, giữa bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc. Thành phố nghìn năm văn hiến bị hư hại nặng nề, phải thích nghi, tự lực tự cường, bắt đầu từ những gì còn sót lại, khôi phục và dựng xây lại nền tảng văn hóa đã bị chiến tranh tàn phá và đạt được nhiều điểm sáng trong mọi lĩnh vực. Chính trong thử thách ấy, Hà Nội đã chứng tỏ một sức mạnh phi thường, vừa kiên cường, vừa sáng tạo, mở ra một giai đoạn mới đầy hy vọng.

Hơn cả việc khôi phục các công trình văn hóa, Hà Nội còn tiến hành một cuộc cách mạng về tinh thần, xây dựng nên nền tảng văn hóa mới, phong phú và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những biểu tượng của văn hóa như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hay các trường nghệ thuật hàng đầu như Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Văn hóa Hà Nội không chỉ được khôi phục mà còn được nâng tầm. Những công trình này không đơn thuần chỉ là nơi gìn giữ nghệ thuật và lịch sử, mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, của niềm tin vững chắc vào tương lai và sức mạnh của văn hóa trong việc gắn kết con người.

Sau Ngày Giải phóng, Hà Nội đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của đời sống văn hóa. Thành phố không ngừng đầu tư mở rộng các cơ sở văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật. Những nhà hát như Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã trở thành những biểu tượng văn hóa không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn của cả nước. Các bảo tàng, thư viện, trung tâm nghiên cứu văn hóa không ngừng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa dân tộc.

Đời sống tinh thần người dân không ngừng được nâng lên. Những bài hát ngợi ca Hà Nội như Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Bài ca Hà Nội,… không chỉ là những nốt nhạc thăng hoa cho văn hóa cách mạng ở Hà Nội, mà còn truyền cảm hứng cho cả đất nước trong những năm tháng khó khăn đấu tranh chống đế quốc và dựng xây đất nước.

Hà Nội đã chứng minh rằng, dù trải qua những thử thách lớn lao, Thành phố vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa độc đáo và phát triển mạnh mẽ. Sự hồi sinh của văn hóa Hà Nội sau chiến tranh là minh chứng cho sức mạnh bất khuất của văn hóa, không chỉ trong việc duy trì giá trị dân tộc mà còn trong việc định hình và củng cố quốc gia. Qua đó, Hà Nội không chỉ là một thành phố hồi sinh mà còn là biểu tượng cho sự phát triển văn hóa kiên cường, truyền cảm hứng cho cả nước trên hành trình hướng tới tương lai.

5

Ông đánh giá thế nào về việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019?

Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 với tư cách là trung tâm văn hóa của Việt Nam, hiện đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thành phố sở hữu một hệ sinh thái phong phú bao gồm nhiều ngành nghề và hoạt động liên quan đến văn hóa, nghệ thuật và giải trí.

Ngành công nghiệp du lịch văn hóa ở Hà Nội đã có những đóng góp tích cực đáng kể trong sự phát triển của Thành phố, giúp nâng cao hình ảnh của Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế. Lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Các di tích lịch sử quan trọng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long không chỉ giữ gìn những giá trị di sản văn hóa sâu sắc mà còn đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế. Một số sản phẩm du lịch đêm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống mang đến sự độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội điển hình như: Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, tour du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, du lịch “Giải mã Hoàng thành”; Hà Nội 36 phố phường; trải nghiệm tour “Ngọc Sơn huyền bí” và nhiều địa điểm trải nghiệm sáng tạo khác. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống như Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Lễ hội chùa Hương,... cũng góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Những sự kiện này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ liên quan, từ lưu trú đến ẩm thực.

Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu.

Nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô, như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội - HANIFF, Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”..

Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động lạc quan. Năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt, tăng 30,2% so với năm 2022, trong đó gồm: 4,72 triệu lượt khách quốc tế (có 3,33 triệu khách quốc tế có lưu trú). Hà Nội luôn ở trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới.

6

Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Theo ông, đâu là điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển văn hóa Hà Nội?

Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” đã thực sự đi vào trọng tâm của vấn đề.

Theo tôi, việc nhấn mạnh xây dựng Hà Nội như một trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, điều này rất quan trọng bởi Thủ đô không chỉ là nơi lưu giữ di sản mà còn là nơi phát triển, sáng tạo các giá trị mới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Hà Nội cần phải không ngừng nắm bắt cơ hội, đưa văn hóa của mình ra thế giới, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm bản sắc riêng.

Việc xây dựng "văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh" là một nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn của mỗi người dân. Người Hà Nội từ xưa đến nay luôn nổi bật với sự thanh lịch, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp. Những phẩm chất ấy cần được bảo tồn, truyền dạy và phát huy cho thế hệ trẻ, trong khi vẫn đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế, xã hội không làm phai nhạt đi những giá trị này.

Với sự thay đổi từ Luật Thủ đô, cùng hành lang pháp lý thông thoáng hơn, phân cấp, phân quyền nhiều hơn, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hợp tác công tư, quản lý sử dụng tài sản công cho lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng, Hà Nội sẽ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc phát triển văn hóa.

Và chỉ khi văn hóa được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của thành phố, Hà Nội mới thực sự phát huy được hết tiềm năng của mình, vừa giữ gìn những giá trị truyền thống vừa sẵn sàng đón nhận những làn gió mới của thời đại.

7

Trên con đường xây dựng một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại, Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức thế nào, thưa ông?

Một trong những mâu thuẫn nổi bật nhất là giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa. Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa và mở rộng nhanh chóng, đang dần mất đi những không gian văn hóa truyền thống – những khu phố cổ, làng nghề và di tích lịch sử đang bị thay thế bởi các tòa nhà cao tầng, khu chung cư và trung tâm thương mại.

Quá trình đô thị hóa không chỉ ảnh hưởng đến không gian văn hóa mà còn thay đổi sâu sắc lối sống và quan niệm của người dân. Từ một thành phố của những con ngõ nhỏ, nơi người dân sống gần gũi và gắn kết với nhau, Hà Nội đang dần trở thành một đô thị hiện đại với sự xuất hiện của nhiều tầng lớp dân cư mới. Phong cách sống truyền thống dần bị thay thế bởi lối sống nhanh, tiện nghi và hiện đại. Những giá trị văn hóa cộng đồng, sự gắn bó giữa các thế hệ, và những phong tục tập quán xưa cũ dường như đang dần trở nên xa vời. Lối sống này không chỉ thay đổi cách người Hà Nội sống, mà còn tác động sâu sắc đến cách họ nhìn nhận và trân trọng văn hóa truyền thống.

Toàn cầu hóa mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn về mặt văn hóa. Văn hóa ngoại lai, đặc biệt là từ phương Tây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng giải trí trực tuyến, đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách người dân, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận và đánh giá văn hóa. Khi người trẻ dành nhiều thời gian cho các xu hướng thời thượng và văn hóa quốc tế, những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị lãng quên. Tiếng hát ả đào, những trò chơi dân gian, hay cả những nét đẹp của tà áo dài, dần dần bị thay thế bởi những trào lưu hiện đại, nhanh chóng nhưng phù du.

Nhiều người trẻ ngày nay chưa hiểu và trân trọng đủ sâu sắc những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công xây dựng. Sự thiếu hiểu biết này không chỉ do tác động của lối sống hiện đại mà còn từ việc giáo dục văn hóa chưa thực sự hiệu quả.

Thêm vào đó, một trong những thách thức lớn nhất là việc thiếu các chính sách và cơ chế đủ mạnh để bảo vệ văn hóa. Các quy định hiện hành vẫn chưa thể đối phó với áp lực từ sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa. Nhiều di tích bị xâm phạm, không gian văn hóa bị thu hẹp mà không có những biện pháp kịp thời. Trong khi đó, những dự án bảo tồn di sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực và sự quan tâm đúng mức. Chúng ta cần một tầm nhìn dài hạn, những chính sách bền vững và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đảm bảo rằng Hà Nội sẽ không chỉ là thành phố hiện đại, mà còn giữ được nét văn hóa ngàn đời của một Thủ đô tự hào ngàn năm văn hiến.

8

Để Hà Nội có thể trở thành một thành phố vừa văn hiến, vừa văn minh và hiện đại, chúng ta cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Việc xây dựng một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Chúng ta cần chung tay bảo vệ di sản văn hóa, nuôi dưỡng tình yêu với những giá trị truyền thống và tạo dựng một tương lai mà trong đó, văn hóa và hiện đại hóa sẽ cùng song hành, đưa Hà Nội vươn lên một tầm cao mới, mà vẫn giữ vững hồn cốt văn hóa ngàn năm.

Để Hà Nội có thể trở thành một thành phố vừa văn hiến, vừa văn minh và hiện đại, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ và dài hạn, tạo ra sự cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển.

Phát triển kinh tế là tất yếu, nhưng không thể đánh đổi văn hóa, lịch sử để đạt được điều đó. Cần có một chiến lược phát triển bền vững, trong đó các dự án đô thị phải đi kèm với những biện pháp bảo tồn không gian văn hóa, cảnh quan truyền thống.

Trên hành trình phát triển, văn hóa phải luôn là nền tảng tinh thần, là nguồn sức mạnh để Hà Nội tiếp tục phát triển, giữ vững bản sắc và tinh thần ngàn năm văn hiến.

Trân trọng cảm ơn ông!

9

Theo Tri thức và Cuộc sống

Bình luận

Nổi bật

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:23

(CL&CS) - Những ngôi chùa trang nghiêm, đậm chất Phật giáo, những thác nước kỳ vĩ và những dòng sông thơ mộng là những điều khiến du khách ấn tượng khi đến với Lào. Nhưng đất nước này đâu chỉ có thế, bởi điều khiến cho Lào trở thành một trong những điểm đến nhất định phải ghé thăm một lần trong đời chính là sự bình yên không đâu có được, cùng nụ cười hiền hậu, mến khách của người dân nơi đây.

Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận là bảo vật quốc gia

Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận là bảo vật quốc gia

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:05

(CL&CS) - Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định) có niên đại cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12 làm bằng đá sa thạch, vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.

Liên hoan ẩm thực Quốc tế 2024: Kết nối các nền văn hóa qua những câu chuyện ẩm thực

Liên hoan ẩm thực Quốc tế 2024: Kết nối các nền văn hóa qua những câu chuyện ẩm thực

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

(CL&CS)- Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 là điểm hẹn vừa tôn vinh những hương vị tinh túy, vừa để khẳng định sức mạnh kết nối của ẩm thực.