Thứ bảy, 18/02/2017, 14:35 PM

Xung quanh vụ “lùm xùm” MV của ca sĩ Mỹ Tâm: Thói quen "xài chùa" của ca sĩ Việt có từ lâu

(NTD) - Vừa qua tác giả Vũ Xuân Hùng đã yêu cầu ca sĩ Mỹ Tâm không được phát hành MV ca khúc “Anh thì không” do chưa xin phép tác giả. Đây là bài hát do Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ từ bài nhạc Pháp Toi Jamais. Vì đâu một vấn đề “chuyện thường ngày ở huyện” lại trở thành tâm điểm xôn xao của giới âm nhạc?

34
Cảnh trong MV "Anh thì không" của Mỹ Tâm. MV này đã tạm khóa sau khi tác giả Vũ Xuân Hùng lên tiếng.

Vì sao có cụm từ “Nhạc ngoại lời Việt”?

Những năm 70-80 của thế kỷ trước, máy cát set là thứ xa xỉ nên không phải nhà nào cũng có điều kiện để nghe. Nên phần lớn khán giả nghe qua radio hay ti vi trong những giờ phát nhạc quốc tế. Chính vì vậy, nhu cầu thưởng thức nhạc quốc tế vào thời ấy cực kỳ cao. Biết được điều đó, nhiều nhạc sĩ đã viết lời Việt cho các bản nhạc được yêu thích để ca sĩ thể hiện. Tuy nhiên, do lúc bấy giờ đất nước bị cấm vận kinh tế từ Mỹ, nên Việt Nam không có băng cát set âm nhạc thế giới nhập khẩu chính hãng, mà chỉ có băng nhập lậu từ Trung Quốc. Nên hộp băng cát set chỉ in mặt bìa, còn mặt thông tin tác giả bên trong theo bản gốc thì không có (mà nếu có thì không phải ai cũng đọc được tên các nước như Schwarzenegger chẳng hạn). Chính vì thế các ca sĩ thường giới thiệu “nhạc ngoại lời Việt của...” cho gọn. Rồi dần dần trở thành một kiểu giới thiệu được chấp nhận trên tất cả sân khấu.

Đến những năm công nghệ băng đĩa phát triển, lại nảy sinh vấn đề tác quyền 500 ngàn đồng/bài. Mà muốn in tên tác giả trên bìa thì phải xin phép chủ nhân bản gốc. Trong khi đó, việc liên hệ những nhạc sĩ nổi tiếng như Dieter Bohlen ở Đức cho những bài hát của Modern Talking chuyển ngữ vào những năm 80, hay gặp Michael Jackson để xin viết lời Việt bài "We are the world" là điều bất khả thi. Chính vì vậy, cụm từ “nhạc ngoại lời Việt của...” lại trở thành cứu cánh cho các tác giả chuyển ngữ. Và phần tác quyền gồm cả nhạc và lời được tác giả chuyển ngữ ẳm trọn. Chính vì vậy, có một dạo chúng ta nghe nhạc Hoa lời Việt tràn ngập. Mãi đến khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) của Hội nhạc sĩ Việt Nam ra đời, đưa Việt Nam gia nhập công ước Bern vào cuối năm 2004, việc viết lời Việt không xin phép đã giảm xuống, và thậm chí hiện nay các nhạc sĩ chuyên nghiệp chẳng màng đến việc này nữa vì hiểu rằng, chúng ta đã gia nhập sân chơi quốc tế. Nếu phía bên kia khởi kiện việc “xài chùa” thì người chuyển ngữ phải chịu trách nhiệm, và tác quyền được tính bằng USD.

35
Nhạc sĩ Michel Mallory thời trẻ.
37
Nhạc sĩ Michel Mallory thời nay.

Ai xin phép ai?

Vì công ước Bern ra đời vào năm 1886 (tại thành phố Bern (Thụy Sĩ), với quyền tác giả là tự động: Không cần phải đăng ký tác quyền, không cần phải viết thông báo tác quyền. Nên mặc nhiên ca khúc Toi Jamais của nhạc sĩ Michel Mallory (Pháp) ra đời năm 1976 đã được công ước Bern bảo hộ. Đồng nghĩa với việc bạn cứ sử dụng bài hát và phải trả tiền thông qua VCPMC, sau đó phân phối về lại cho tác giả phía bên kia mà không cần liên hệ nhau. Như vậy, dù Mỹ Tâm đã khắc phục sự cố bằng cách nộp hồ sơ xin phép sử dụng và chi trả tác quyền bài hát này với phiên bản tiếng Việt, cũng sẽ chưa đủ nếu nhạc sĩ Michel Mallory chưa cho phép tác giả Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ. Còn nếu tác giả Vũ Xuân Hùng đã xin phép mấy chục năm trước khi sống ở hải ngoại, thì việc còn lại có thể “giải quyết trong nhà”.

Theo lộ trình thì ông Hoàng Văn Bình (PGĐ Văn phòng VCPMC phía Nam) cho biết phải xin phép phía bạn đồng ý cho chuyển ngữ trước, rồi mới gửi phần lời tiếng Việt kèm theo lời dịch tiếng Anh cho phía bạn kiểm tra. Nếu họ đồng ý thì mới tiến tới việc tiền nong. Mức giá sẽ tùy vào việc Mỹ Tâm dùng ca khúc cho việc gì, cho định dạng nào, ví dụ như DVD thì giá sẽ cao hơn CD…”. Ông Bình cũng đưa ra một ví dụ ca khúc Nobody (năm 2008-2009), khi ca sĩ Thanh Thảo xin phép chuyển ngữ và sử dụng bản tiếng Việt bài hát này dưới định dạng DVD, mức giá khi ấy đã là hơn 20 triệu đồng.

36
Tác giả Vũ Xuân Hùng.
38
Với mội cái bìa băng cát set in lậu ít ỏi thông tin này, khó có thể tìm được tên tác giả các bài hát vào thời bấy giờ.

Vậy tại sao Mỹ Tâm không làm việc này từ trước?

Với số tiền làm MV và liveshow tiền tỷ, thì việc trả tác quyền vài chục triệu đồng đối với một ngôi sao như Mỹ Tâm không có gì phải suy nghĩ. Tuy nhiên thật khó có thể trách Mỹ Tâm khi Nghị định 15/2016 (sửa đổi Nghị định 79/2012), đã khiến nhiều nhà tổ chức “làm biếng” đi đóng tác quyền. Điều 24 trong nghị định này về “Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”, yêu cầu nhà tổ chức xin giấy phép (ngoài các giấy tờ khác) phải có: “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Như vậy, đơn vị xin cấp phép chỉ cần tự viết “cam kết sẽ trả tiền” là xong, còn bao giờ trả thì phục thuộc việc có rảnh hay không. Và đơn vị đại diện hợp pháp cho các nhạc sĩ (trong và ngoài nước) là VCPMC bỗng dưng bị ra rìa. Không đóng tiền chẳng ai phạt. Trong khi trước đó, các đơn vị xin cấp phép phải đến VCPMC hoàn thành nghĩa vụ với các tác giả, rồi mới được cấp. Và thực tế, ngay sau 2016, tác quyền biểu diễn tại VCPMC đã sụt hẳn. Nhiều lần VCPMC cùng các nhạc sĩ đã lên tiếng trên báo chí nhưng dường như nhà chức trách vẫn còn đang “cân nhắc”.

Việc tác giả Vũ Xuân Hùng lên tiếng không chỉ là chuyện “cá nhân”, mà còn cho thấy sự kém cỏi trong quản lý ngành văn hóa hiện nay. Những "sáng kiến" thay đổi trở thành rào cản chưa được tháo bỏ, dẫn đến văn hóa “lờn” hình thành bên cạnh những lời đạo đức của một bộ phận không nhỏ giới showbiz. Việc “tự giác” thực thi trách nhiệm của nhà tổ chức và nhà sản xuất sẽ bao giờ thay đổi, khi "xài chùa" kèm “cam kết nước bọt” vẫn có lợi hơn?

NS Xuân Nghĩa Ảnh: Nhiều Nguồn

NTD So 84 (305-306)_Page_29
 

 

Bình luận

Nổi bật

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 16:31

Hệ thống CT 1975 lát cắt có tốc độ chụp 0,23 giây/độ phân giải thời gian 19,5 mili giây, phát hiện được các tổn thương nhỏ chỉ 0,23mm.

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Giữ cho gương chiếu hậu ô tô không bị đọng nước trong quá trình lái xe dưới trời mưa là một phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã phát triển đúng định hướng, bám sát những yêu cầu thực tiễn và từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới, KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là một trong những trụ cột, động lực kiến tạo, đưa Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.