Dữ liệu cũ
Thứ năm, 19/02/2015, 07:45 AM

Xin chữ đầu năm – Nét đẹp trong văn hóa Việt

(NTD) – Xin chữ và cho chữ là một nét đẹp ngày đầu xuân, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và hướng tới cái chân, thiện, mỹ của các giá trị văn hóa truyền thống Việt.

Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua. Những vần thơ của Vũ Đình Liên như vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh ông đồ già với bút, mực ngồi trên phố cho chữ vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Theo tục lệ của người Việt Nam, cứ từ mùng 2 Tết trở đi, mọi người lại nô nức đi xin chữ. Những nét chữ uyển chuyển như rồng bay, phượng múa thể hiện khiếu thẩm mỹ của người xin chữ và khả năng thư pháp, thần thái của người cho chữ. Đây được xem như một nét văn hóa truyền thống của người Việt đang dần được hâm nóng bằng đam mê của những tâm  hồn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp.

_MG_9934 (Copy)

Thư pháp gia Văn Thùy tại triển lãm thư pháp xuân tại Hồ Văn.

Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, ở một góc phố Văn Miếu, bên Hồ Văn lại đông vui, náo nhiệt khi các ông đồ bày giấy đỏ, bút lông, mực tàu viết chữ thư pháp để gửi gắm ước mơ, hy vọng vào ngày đầu xuân, thư pháp là nơi để các thầy đồ thể hiện tài năng, tình yêu và sự đam mê đối với cái đẹp trong nghệ thuật. Người đến xin chữ ở “Phố Ông đồ” ngày cuối năm khá đông, đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp. Người trung niên xin chữ Tâm, chữ Đức; thanh niên nam nữ xin chữ: Trí, Danh, Duyên, hay mang về tặng cha mẹ, ông bà chữ: Thọ, Tâm, An Khang…

Thư pháp gia Kiều Quốc Khánh, chủ nhiệm CLB Việt tâm bút vốn là một người am hiểu về thư pháp, đồng thời cũng là thư pháp gia nổi tiếng. Theo nghệ sỹ Kiều Quốc Khánh, nghệ thuật thư pháp mới chỉ tiếp tục khởi sắc trong khoảng chục năm trở lại đây khi các ông đồ trong nhóm Cảo thơm thứ hiền ngồi viết chữ ở phố Văn Miếu để giữ lửa thư pháp. Dần dần, khi nghệ thuật thư pháp phát triển rộng và có bài bản, tục xin chữ đầu năm trở thành tục lệ quen thuộc trong văn hóa tâm linh của người Việt, việc xin chữ đã được nâng tầm nghệ thuật từ giá trị tâm linh lên giá trị nghệ thuật. Cho chữ, xin chữ đầu năm không chỉ là ban phước lành, may mắn mà còn là nghệ thuật thưởng thức cái đẹp trong văn hóa truyền thống Việt.

Cũng theo thư pháp gia Kiều Quốc Khánh, tục xin chữ xuất phát từ sự hiếu học trong nhân dân từ ngàn đời nay. Bởi lẽ, xưa kia người cho chữ thường là các ông giáo, thầy đồ, những người có học. Tết đến, xuân về, người dân đi xin chữ nhà Nho, thầy đồ là để cho con cháu noi theo, lấy đó làm gương mà học tập.

Thêm nữa, xét về tâm linh việc xin đôi câu đối ngày Tết để treo trong nhà hoặc khi gia đình có việc đại sự như hiếu, hỷ, con cháu thường tìm đến thầy đồ xin chữ để ca tụng sự ghi ơn đối với đấng sinh thành.

_MG_9937 (Copy)

Thư pháp gia Kiều Quốc Khánh miệt mài bên bức thư pháp.

Để gửi gắm hết mong ước của người xin chữ, hay nói cách khác là để nét chữ của bức thư pháp có thần thái, các “thầy đồ” cẩn trọng dồn hết tâm tư của mình vào từng nét cọ. Theo quan niệm xưa, mỗi bức thư pháp còn thể hiện tâm, ý, khí, lực của người viết. Những nét vẽ “rồng múa phượng bay” đó thường được viết trên nền giấy đỏ, giấy hồng, giấy vàng, những màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Nói đến khí lực trong thư pháp, thư pháp gia Kiều Quốc Khánh tâm đắc chia sẻ: “Người cho chữ phải là người có khí lực bởi trong thư pháp rất trọng chữ khí. Chữ khí trong thư pháp thể hiện sự hào khí mà chỉ những người tu luyện lâu năm mới cảm thấy được”.

Thư pháp gia nhấn mạnh thêm: “Để người xin chữ phải xúc động với câu, từ của thầy đồ, thầy đồ phải trải qua một quá trình tu tập. Xin chữ đã vượt lên giới hạn của tâm linh mà nâng tầm thành nghệ thuật, đó là nghệ thuật thưởng thức cái đẹp”. Những ai đã từng đọc truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân thì sẽ hiểu phần nào về việc xin, cho chữ của các cụ xưa. Nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm là người viết thư pháp đẹp nổi tiếng, ông không khuất phục trước cường quyền mà ép mình hạ bút, ông chỉ hạ bút dành tặng cho những người tri kỉ và trân trọng cái đẹp. Chính vậy Huấn Cao chỉ cho chữ viên quản ngục khi nhận thấy hắn xứng đáng được cho vì hắn biết trân trọng cái đẹp. Thế mới thấy việc cho chữ và được nhận chữ không phải chuyện đơn giản, dễ dàng.

_MG_9945 (Copy)

Bức thư pháp của thư pháp gia Kiều Quốc Khánh

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên phố ông đồ, không ít ông đồ khăn xếp, áo the ngồi cho chữ. Nhịp sống hiện đại, hối hả vẫn đan tiếp diễn, thế nhưng “ôn cố tri tân” để cảm khái tinh thần chuộng lễ nghĩa của người xưa, ngẫm ra cũng là việc làm ý nghĩa ngày cuối năm.

Mọi thông tin liên quan đến Văn hóa - đời sống, bạn đọc có thể theo dõi thêm tại đây

Huyền Cao

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.