Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 04/06/2017, 07:46 AM

WB cảnh báo: “Cần kiểm soát ATTP trước khi lên bàn ăn”

(NTD) - Theo kết quả nghiên cứu đề tài “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam”, do Ngân hàng thế giới (WB) công bố mới đây, ATTP đang là mối quan tâm lớn của công chúng với mức độ lo ngại ngày càng tăng.

Cũng theo báo cáo này, thì người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng quan tâm, lo lắng nhiều đối với thực phẩm nhiễm hóa chất và độc tố hơn là với các nguy cơ từ nhiễm vi sinh vật. Tuy nhiên, nghiên cứu của các chuyên gia WB cho thấy nguyên nhân chính gây ra các bệnh truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật, chứ chưa phải do tồn dư hóa chất.

Điểm đáng chú ý là, dù kết quả nghiên cứu cho thấy dường như vấn đề ATTP ở Việt Nam đáng báo động, nhưng thực tế có rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học để đánh giá đúng gánh nặng bệnh tật do mất ATTP gây ra.

Các chuyên gia của WB đã nghiên cứu chuỗi giá trị thịt heo, rau cung cấp cho Hà Nội và TP.HCM, thấy rằng 80% thịt lợn, 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ truyền thống, những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị này; 76% thịt heo được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ với điều kiện vệ sinh kém. Cùng với đó là thói quen của người tiêu dùng thích dùng các sản phẩm tươi sống và hầu hết không bảo quản thực phẩm trong một thời gian dài…

14
Ông Stephan Forman, chuyên gia cao cấp của WB.

Báo cáo đưa ra nhận xét: “Ở Việt Nam, các hộ gia đình thường rửa rau, quả, thịt rất cẩn thận trước khi chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên, các dữ liệu nghiên cứu gần đây và các thông tin có sẵn chỉ ra rằng mối nguy sinh học (do vệ sinh kém, nhiễm bẩn, ô nhiễm chéo, thói quen xấu) có khả năng gây tác động tới sức khỏe nhiều nhất”.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp cũng là một thách thức không nhỏ.

Đánh giá hệ thống pháp luật về vệ sinh ATTP, báo cáo cho rằng Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý hiện đại nhưng trên thực tế, hiệu lực, hiệu quả trong triển khai các cơ chế, chính sách quản lý ATTP ở Việt Nam chưa như mong muốn.

Trong các khuyến nghị được đưa ra, nhóm chuyên gia WB nhấn mạnh mối quan tâm, lo lắng của cộng đồng đối với ATTP là một vấn đề quan trọng và có thể sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu các cơ quan công quyền không có những hành động kịp thời. Ngoài ra, vai trò của truyền thông đúng về các nguy cơ, rủi ro ATTP là rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất cũng như cơ quan quản lý; hướng dẫn và giải đáp đầy đủ, công khai về các vấn đề, sự cố ATTP; định hướng người tiêu dùng quyết định mua thực phẩm theo cách tích cực…

Báo cáo lưu ý việc hầu hết thực phẩm tươi sống được bán ở các chợ và thường chỉ qua sơ chế, cho thấy chuỗi giá trị thực phẩm ở Việt Nam có thời gian ngắn, do vậy, có thể thực hiện những giải pháp khắc phục có hiệu quả ngay như: Áp dụng các thực hành tốt trong sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ; thay đổi thói quen chế biến, tiêu dùng thực phẩm; truy xuất nguồn gốc; phát triển các công nghệ và quy trình xét nghiệm nhanh đối với thực phẩm…

Về lâu dài, báo cáo đề nghị không ngừng củng cố hệ thống chăn nuôi sản xuất theo hướng quy mô lớn, thực hành tốt; kiểm soát chặt chất lượng “đầu vào”… Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống đánh giá, quản lý nguy cơ, rủi ro về ATTP qua việc tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát ATTP quốc gia, nâng cao công tác quản lý số liệu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp bằng chứng về các nguy cơ ATTP, là cơ sở để ban hành các quyết định liên quan đến vấn đề này.

Theo nhóm chuyên gia WB, không có một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được mọi vấn đề ATTP. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều phương án thử nghiệm được phối hợp với nhau đúng cách, sẽ góp phần từng bước cải thiện mức độ bảo đảm ATTP.

Ông Stephan Forman, chuyên gia cao cấp của WB khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khuyến nghị: Để giải quyết thực trạng này ở Việt Nam, cần có sự tham gia kết hợp của cả 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công thương. Các bộ này phải ngồi lại với nhau, làm 3 việc: Đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ. Nghĩa là cả 3 bên thu thập, phân tích dữ liệu, xem nguy cơ mất ATTP xảy ra trong lĩnh vực nào để lên kế hoạch ứng phó. Luật đã rất rõ ràng và Bộ Y tế phải là bộ đầu tiên hành động, kết nối các đơn vị chức năng về ATTP. Và “cần kiểm soát quy trình ngay từ đầu vào, từ trang trại, trước khi mối nguy lên đến bàn ăn.” - Ông Stephan nhấn mạnh.

15
Chuyên gia y tế kiểm tra thực phẩm tại chợ truyền thống. (ảnh minh họa)

 Anh Trinh

 

_Bao NTD_So 336 _9
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.