Thứ hai, 22/07/2019, 16:06 PM

Vĩnh biệt Phan Vũ - tác giả “Em ơi! Hà Nội phố”

(NTD) - Người “nghệ sĩ đa tài - không tuổi” Phan Vũ đã đi về cõi vĩnh hằng vào lúc 3h sáng 17/7, thượng thọ 93 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều thương tiếc trong giới văn nghệ sĩ và trong lòng giới mộ điệu...

Sáng sớm ngày 17/7, cái tin nhà thơ - đạo diễn kiêm họa sĩ Phan Vũ từ trần được bạn bè thông tin trên Facebook đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Riêng với người viết, những kỷ niệm với ông cứ lũ lượt hiện về trong tâm tưởng... Dạo đó (15 năm về trước), cánh văn nghệ sĩ ở TP.HCM thường tụ tập ở căn tin Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM (81 Trần Quốc Thảo, Q.3), Phan Vũ cũng thường đến đây gặp gỡ hàn huyên với bạn bè.

Ấn tượng đầu tiên ông gây cho người đối diện là hình như năng lượng trong con người ông không bao giờ cạn. Thuở ấy, ông đã qua cái ngưỡng “thất thập cổ lai hy” vậy mà phong cách còn hơn một chàng trai trẻ: Ngoại hình to lớn, dềnh dàng, hàm râu rậm bạc màu hao hao giống văn hào Mỹ Ernest Hemingway. Mái tóc khi để dài nhuộm tím, khi cắt ngắn ca rê 1 phân, khi thì bịt khăn theo kiểu “cướp biển Viking”. Phục trang của ông cũng rất “bụi”: Áo da sát nách để lộ cánh tay trần vạm vỡ, quần ka ki bệt đầy... sơn màu - không ai có thể ngờ con người có cái vẻ bên ngoài thật ấn tượng và tràn trề sức sống lúc đó đã... 78 tuổi! Quả là một-người-không-bao-giờ-đầu-hàng-tuổi-tác. Ở tuổi này ông vẫn phóng xe máy khắp đường phố Sài Gòn để viết báo, vẽ tranh, làm thơ và... đọc thơ. Do vậy, ở 81 Trần Quốc Thảo chẳng ai gọi nhà thơ bằng “ông” cả, mà gọi bằng... “anh”.

phanvu
Phan Vũ.

Nhớ lần tôi phỏng vấn ông vào năm 2004 (cũng tại 81 Trần Quốc Thảo), vết sẹo trên đầu ông vẫn còn ửng đỏ sau vụ tai nạn giao thông cách đây 2 tuần: Ông chạy xe máy bị ô tô đâm phải, máu đầu lênh láng. Các bác sĩ buộc ông phải nằm một chỗ tĩnh dưỡng nhưng ông tự biết: Nếu nằm là... gục luôn, không thể gượng dậy nổi! Thế là ngay ngày hôm sau người ta đã lại thấy ông phóng xe máy xăng xái lo việc triển lãm tranh sắp diễn ra. Tôi hỏi ông “đa hệ” như thế (biên kịch, đạo diễn, viết báo, làm thơ, vẽ tranh...), vậy đâu là “nghề chính”, đâu là “nghề tay trái”? Ông cười: “Quả thật tôi có hơi... ôm đồm nhưng những nghề của tôi - tất cả đều đạt đến mức chuyên nghiệp, kể cả hội họa là nghề mới nhất của tôi. Nghề đầu tiên là sân khấu (viết kịch bản và đạo diễn) từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Rồi nhảy qua điện ảnh (cũng viết kịch bản và đạo diễn), rồi lại nhảy tiếp qua truyền hình... Sở dĩ tôi “nhảy cóc” như vậy là bởi cứ hành nghề được một thời gian tôi lại cảm thấy có một sự vướng mắc gì đó cho nên... đổi nghề! Ở giai đoạn cuối của cuộc đời tôi chọn hội họa vì tôi cảm thấy ở hội họa, tôi được tự do nhiều nhất. Riêng với thơ, tôi không cho đó là một “nghề” bởi cảm xúc thơ luôn tiềm tàng trong con người tôi”.

Nghe nhắc đến thơ, tôi vội hỏi ông về xuất xứ bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố” rất nổi tiếng mà nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc. Ông bộc bạch: “Năm 1972, Mỹ ném bom ở miền Bắc rất ác liệt, nhất là ở Hà Nội. Từ đó dấy lên trong tôi niềm xúc động và khơi gợi một tình yêu mãnh liệt đối với Hà Nội. Cái tứ thơ được hình thành từ những cơn mưa bom này và ở cao trào “Hà Nội 12 ngày đêm” - cuối năm 1972 thì tôi hoàn thành bài thơ. Đó là một trường ca dài đến 24 khổ với 443 câu. Tuy nhiên, do bài thơ không thuộc dòng thơ “chính thống” lúc bấy giờ nên tôi không phổ biến, chỉ đọc cho bạn bè nghe. Mãi đến năm 1985, nhạc sĩ Phú Quang đã trích 21 câu trong bài thơ ấy để phổ thành ca khúc, nhưng lại được ghi là... phỏng thơ!”. Ông cho biết thêm câu “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” là tiếng nhạc vang lên từ căn nhà đổ nát do bom Mỹ mà người đàn chính là cô gái ông thầm yêu, tên Trịnh Thị Nhàn (trong bài thơ, cụm từ “Ta còn em” được nhắc đi nhắc lại ở đầu mỗi khổ thơ như là những hoài niệm yêu thương của ông về Hà Nội, cho nên sau này khi đã ở tuổi 92 (tháng 4/ 2018) ông cho ra mắt tập thơ “Ta còn em” là lấy từ những hoài niệm cũ).

phanvu2
Chân dung Phan Vũ - tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Quân.

Tôi vẫn nhớ giọng ngâm thơ sang sảng của ông cách đây 10 năm, khi ông cùng họa sĩ Bùi Quang Ngọc tổ chức một đêm “triển lãm - biểu diễn” tranh và thơ của 2 ông tại tầng hầm nhà hàng Lotus, chủ nhân là anh Phan Lân - một người rất nhiệt tình đãi ngộ các văn nhân - nghệ sĩ Bắc Hà. Đêm ấy, ông diễn đọc thơ theo một kiểu “đột phá” rất Phan Vũ. Rồi ông tâm sự với người viết: “Tôi muốn biến những buổi đọc thơ có sức cuốn hút, hấp dẫn như những cuộc trình diễn âm nhạc bằng nhiều sự phối hợp và tôi nghĩ rằng thơ ca hiện đại không chỉ để “thầm thì, nỉ non” mà phải tỏ rõ sức cuốn hút của mình đối với quần chúng”.

phanvu3
Chân dung BS Bích Tùng do Phan Vũ ký họa tại 81 Trần Quốc Thảo, năm 1995.

Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh. Năm 1954 ông làm việc tại Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ định cư ở TP.HCM. Ông là đạo diễn của “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”... Kịch bản sân khấu “Lửa cháy lên rồi” của ông từng đoạt giải nhì của Hội văn nghệ Việt Nam năm 1956. Ở tuổi ngoài 90, Phan Vũ vẫn miệt mài làm việc. Năm 2018, ngoài việc ra mắt tập thơ “Ta còn em” như đã nói ở trên, đến tháng 7 ông mở triển lãm tranh “Em ơi, Hà Nội phố” tại TP.HCM, trưng bày 25 tác phẩm sơn dầu. Hỏi ông, động lực nào để làm việc khi mà tuổi tác đã “chất ngất” như thế? Ông bảo: “Trong bản thân tôi luôn chống đối với sự bảo thủ của tuổi tác và tôi luôn thích giao tiếp với những người trẻ, để “rút” từ sức trẻ tạo thành nội lực cho riêng mình. Một lý do nữa là ngày một chứng kiến bạn bè đồng trang lứa cứ lần lượt ra đi mà không kịp cống hiến hết khả năng, không kịp nói một câu thật thà với cuộc đời... Nghiệm lại trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi, tôi vẫn có cảm giác chưa làm thật với chính mình. Hy vọng những năm cuối đời tôi có thể thật thà với chính mình bởi không còn lo sợ áp lực”.

Chị Diễm Chi - vợ nhà thơ và cũng là đồng nghiệp với người viết cho biết: “Ông ấy vẫn làm việc cho đến lúc kiệt sức, phải nằm liệt cách đây 2 tháng và rồi ông ra đi trong cơn hôn mê”. Chắc rằng trước lúc ra đi, ông đã kịp nói một câu thật thà với chính mình và với cuộc đời. Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tràn đầy năng lượng, lạc quan và “trẻ trung” cho đến tận cuối đời.

Hà Đình Nguyên

 

Bình luận

Nổi bật

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 16:31

Hệ thống CT 1975 lát cắt có tốc độ chụp 0,23 giây/độ phân giải thời gian 19,5 mili giây, phát hiện được các tổn thương nhỏ chỉ 0,23mm.

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Giữ cho gương chiếu hậu ô tô không bị đọng nước trong quá trình lái xe dưới trời mưa là một phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã phát triển đúng định hướng, bám sát những yêu cầu thực tiễn và từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới, KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là một trong những trụ cột, động lực kiến tạo, đưa Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.