Việt Nam cần tích cực cải thiện năng suất lao động để phát triển giàu mạnh, thịnh vượng
(CL&CS) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc cải thiện năng suất, khi chỉ số này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
Thực trạng hiện nay
Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, với quy mô GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hệ thống thể chế kinh tế từng bước được hoàn thiện, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho thị trường và hội nhập quốc tế.

Năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực
Theo GS.TS Tô Trung Thành, bản chất của tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa trên vốn và lao động chứ không phải năng suất. Cụ thể, đóng góp của vốn chiếm 53,1%, lao động chiếm 18,8%, trong khi năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) – chỉ chiếm 28,1%, giảm đáng kể so với mức trên 33% trong giai đoạn 2016–2020. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại vì tăng trưởng chiều rộng khó tạo ra sự bền vững trong dài hạn. Ngoài ra, năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực: chỉ bằng 59,6% của Thái Lan, 52,8% của Malaysia và chưa đến 20% so với Singapore.

GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân
Mức chênh lệch này phản ánh rõ nét khoảng cách về công nghệ, kỹ thuật và năng lực quản lý giữa Việt Nam với các quốc gia lân cận. Trong khi các nước láng giềng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào lao động thủ công và phương thức quản lý truyền thống. Các ngành công nghiệp trọng điểm như dệt may, chế biến gỗ, và nông nghiệp vẫn sử dụng nhiều sức lao động thay vì tối ưu hóa máy móc và tự động hóa.
Ngoài ra, yếu tố về chất lượng lao động cũng là một rào cản lớn. Phần lớn lao động phổ thông thiếu kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, kiến thức về công nghệ mới. Theo ông Nguyễn Huy Minh, Phó trưởng ban Ban Thống kê dân số và lao động, Cục Thống kê, cho biết thị trường lao động vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi. Tuy nhiên chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, thiếu cả về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề này đặt ra yêu cầu về chính sách đào tạo, phân luồng giáo dục để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngành chế biến – chế tạo, vốn được kỳ vọng là động lực chính, vẫn chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt rõ rệt. Tỷ trọng đóng góp của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,35%, phản ánh sự tụt hậu đáng báo động về đổi mới sáng tạo.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024 có thể coi là một chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế trong nước. Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá ước đạt tới 786,29 tỉ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Tuy nhiên, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhưng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nội địa còn khó khăn.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn sắp tới, theo GS.TS Phạm Hồng Chương, để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ then chốt để duy trì động lực tăng trưởng và kiến tạo động lực tăng trưởng mới. Tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách. Để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.
Để nâng cao năng suất, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc học hỏi các mô hình phát triển năng suất từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc... là cần thiết nhằm định hướng phát triển bền vững.
Những rào cản
Dù tiềm năng phát triển là rất lớn, nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự gia tăng năng suất lao động. Các rào cản này xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu: Phần lớn lực lượng lao động tại Việt Nam tập trung vào các ngành nghề giá trị gia tăng thấp, thiếu kỹ năng chuyên môn và kỹ thuật cao.Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) năm 2024, Việt Nam hiện có hơn 53 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 53% dân số. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2024, chỉ có khoảng 71.6% trong số này – tức là khoảng 38 triệu người – chưa qua đào tạo kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc hiện đại. Con số này giảm nhẹ so với mức 77% cách đây 5 năm, nhưng vẫn là một thách thức lớn khi chúng ta so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan (60%) hay Malaysia (55%). Điều này làm giảm khả năng ứng dụng công nghệ cao và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, sự mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu thị trường khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao, đặc biệt là ở các ngành công nghệ thông tin, chế tạo máy và kỹ thuật số.
Hạn chế trong đầu tư công nghệ và tối ưu hóa quy trình: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào lao động giá rẻ thay vì tập trung vào công nghệ hiện đại. Điều này dẫn đến năng suất thấp, sản phẩm chưa đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi các nước phát triển đã áp dụng mô hình "Smart Factory" với IoT (Internet of Things) và tự động hóa, phần lớn nhà máy tại Việt Nam vẫn sử dụng phương pháp thủ công hoặc bán tự động. Ví dụ, trong lĩnh vực dệt may – một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, năng suất lao động chỉ bằng 60% so với Trung Quốc và 40% so với Hàn Quốc. Nguyên nhân chính là thiếu máy móc hiện đại, kỹ thuật quản lý lạc hậu và công nghệ chưa được tối ưu.
Môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính phức tạp: Các thủ tục hành chính rườm rà và phức tạp làm tăng chi phí và thời gian vận hành của doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, thời gian để khởi sự kinh doanh tại Việt Nam trung bình mất 24 ngày, cao hơn nhiều so với mức 5–7 ngày tại Singapore và Malaysia. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, làm chậm quá trình sản xuất và tiêu hao nguồn lực không cần thiết.
Giải pháp đột phá và những ví dụ điển hình
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HanoiSME – TS. Mạc Quốc Anh, để hiện thực hóa khát vọng phát triển, Việt Nam cần hình thành một liên minh hành động rộng rãi, trong đó Chính phủ là “nhạc trưởng” kiến tạo chính sách, DN là chủ thể hành động, đổi mới. Ngân hàng, tài chính là nguồn lực phát triển; Viện nghiên cứu, trường Đại học là nơi cung cấp trí tuệ và giải pháp, người dân và cộng đồng là người tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời là lực lượng giám sát xã hội.

TS. Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HanoiSME
“Kỷ nguyên mới không chờ đợi chúng ta kịp thích ứng, nó chỉ gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt. Hãy cùng nắm tay nhau, kiên định mục tiêu tăng trưởng bao trùm để “không một ai bị bỏ lại phía sau”, để mỗi đứa trẻ sinh ra tại Trường Sa, Mường Nhé hay Thủ đô Hà Nội đều được hưởng điều kiện phát triển tốt nhất”, TS. Mạc Quốc Anh mong muốn.
Để đạt được mục tiêu nâng cao năng suất lao động, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện và dài hạn.
Đổi mới công nghệ và tối ưu hóa quy trình sản xuất: Áp dụng công nghệ hiện đại giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu lãng phí. Samsung Việt Nam là một ví dụ điển hình. Với mô hình quản lý Lean kết hợp công nghệ tiên tiến, Samsung đã cải thiện đáng kể hiệu suất, tăng 20% năng suất lao động và giảm đáng kể chi phí vận hành. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng giúp giảm thời gian sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việt Nam cần có chiến lược toàn diện
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững. VinFast đã chứng minh điều này thông qua chiến lược tuyển dụng và đào tạo bài bản. Công ty không chỉ đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại mà còn tập trung đào tạo nhân sự chất lượng cao. Trong vòng 21 tháng, VinFast đã xây dựng nhà máy sản xuất ô tô và xuất xưởng những sản phẩm đầu tiên, một cột mốc đáng nể trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy nguồn nhân lực giỏi sẽ giúp rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả sản xuất.
Học hỏi mô hình quốc tế và cải tiến liên tục: Việt Nam cần tham khảo các mô hình quốc tế thành công như "Kaizen" của Nhật Bản - tập trung vào cải tiến liên tục, hay "Six Sigma" của Mỹ - tối ưu hóa chất lượng và giảm thiểu sai sót. Điển hình, Toyota đã áp dụng Kaizen để cải thiện từng khâu sản xuất, giúp hãng trở thành thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới.
Chính phủ Việt Nam cần đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, phát triển hạ tầng số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa hiện đại.
Việt Nam cần tích cực nhiều hơn nữa cải thiện năng suất lao động để phát triển giàu mạnh và thịnh vượng. Chỉ khi có sự chung tay giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, mục tiêu này mới có thể trở thành hiện thực, đưa đất nước vươn lên vị thế mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế thế giới.
Ngô Vân
Bình luận
Nổi bật
Việt Nam cần tích cực cải thiện năng suất lao động để phát triển giàu mạnh, thịnh vượng
sự kiện🞄Thứ năm, 15/05/2025, 14:19
(CL&CS) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc cải thiện năng suất, khi chỉ số này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ công bố đường bay thẳng Hà Nội - Moskva tại Liên bang Nga
sự kiện🞄Chủ nhật, 11/05/2025, 15:45
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chiều tối 9/5 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ công bố đường bay thẳng Hà Nội - Moskva của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và chứng kiến trao các Biên bản bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác tại Liên bang Nga.
Đào tạo sau Đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới
sự kiện🞄Thứ sáu, 09/05/2025, 16:53
(CL&CS) - Tối ngày 8/5/2025, Khoa Kinh tế Quốc tế – Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới”.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.