Văn hóa và Đời sống
Chủ nhật, 23/06/2024, 01:03 AM

Vị quân sư giúp chúa Nguyễn phát triển quân đội, xây dựng thành lũy khó lung lay suốt cả trăm năm trong lịch sử Việt Nam

Không phải là một vị tướng trực tiếp cầm quân nhưng ông thực sự là một nhà quân sự “tài giỏi, mưu lược và hiểu thời thế”.

Tài giỏi, mưu lược hơn người

Đào Duy Từ tự là Lộc Khê, sinh năm 1572 tại Hoa Trai, Ngọc Sơn (nay là xã Văn Trai, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Ông sinh ra trong một gia đình “kép hát” có cha làm Quản giáp ca vũ trong cung dưới thời Vua Lê Anh Tông. Lúc bấy giờ đất nước bị phân tranh, thường xuyên xảy ra họa binh đao nên vua Lê phải vào Thanh Hóa xây dựng cung điện Vạn Lại.

Vốn là người có tư chất thông minh, học giỏi và nhiều ước mơ, hoài bão nên khi triều đình tổ chức các khóa thi Hương, thi Hội tại đây, Đào Duy Từ đã tìm mọi cách để được dự thi, nhưng đều không thành vì triều Lê lúc bấy giờ quy định “con nhà kép hát không được dự thi khoa bảng”. Không nản chí, Đào Duy Từ kiên trì chờ đợi cơ hội. Thế rồi ông quyết định đổi sang họ của mẹ để được dự thi và tại kỳ thi năm Quý Tỵ 1593, Đào Duy Từ đã đỗ Á nguyên.

Chân dung Đào Duy Từ - vị quân sư giúp chúa Nguyễn xây dựng quân đội. Ảnh minh họa

Chân dung Đào Duy Từ - vị quân sư giúp chúa Nguyễn xây dựng quân đội. Ảnh minh họa

Năm 1625, Đào Duy Từ quyết định khăn gói vào Nam. Lưu lại ở Thừa Thiên một thời gian, nhưng ở đó không mấy ai biết đến nên ông quyết định đi vào Quy Nhơn. Tại vùng đất “lạ nước lạ cái” này, Đào Duy Từ đã được ông Trần Đức Hòa - một người có uy tín, thế lực trong vùng và có mối quan hệ thân thiết với chúa Nguyễn cưu mang. Qua nhiều lần đàm đạo, thử thách, Trần Đức Hòa nhận thấy Đào Duy Từ là một con người học rộng, biết nhiều, có tấm lòng quân tử, ông đã cảm mến, tin tưởng, yêu quý rồi gả con gái cho.

Thông qua Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ có dịp tiếp xúc, bái kiến với chúa Nguyễn. Trong một lần bái kiến như thế, Đào Duy Từ đã dâng lên chúa 5 điều cần kíp mà ông cho rằng phủ chúa cần phải thực hiện ngay: Một là, chúa thượng hùng cứ phương này thật là thiên hiểm, nhưng nên noi ý thiên vương thống nhất sơn hà; muốn dân theo cần tuyên ngôn phù Lê, diệt phản nghịch. Hai là, mở rộng bờ cõi tới tận phía Nam, tạo thành vùng đất lớn hơn ngoài Bắc. Ba là, ngầm cho người ra Thanh-Nghệ mộ dân vào khai hoang để vừa có nhiều lương thực, vừa có nhiều người nhằm tăng số quân. Bốn là, chỉnh đốn nội trị, trọng dụng người tài, trừng phạt kẻ tham nhũng, giảm bớt sưu thuế, khuyến khích học hành. Năm là, mộ tuyển thêm quân, xây đắp thành lũy, tăng cường huấn luyện quân sĩ biết tiến thoái, trọng kỷ luật.

Hài lòng với một tài năng thực sự có tâm huyết, chúa Nguyễn tâm đắc và mở lòng đón Đào Duy Từ vào phụng sự ở phủ chúa; đồng thời phong cho ông làm Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê, chuyên lo việc quân cơ, nội chính. Trong suốt 8 năm phụng sự chúa Nguyễn, Đào Duy Từ đã đem hết tâm huyết giúp chúa Nguyễn từng bước ổn định được tình hình, mở mang bờ cõi; đặc biệt là ứng phó thành công với Đàng Ngoài.

Không phải là một vị tướng trực tiếp cầm quân nhưng Đào Duy Từ thực sự là một nhà quân sự “tài giỏi, mưu lược và hiểu thời thế”.

Vận dụng binh pháp vào thực tiễn, Đào Duy Từ đặc biệt lưu ý đến phương thức chọn quân. Buổi đầu, thế lực của quân đội chúa Nguyễn còn non yếu, Đào Duy Từ trình chúa chỉ nên chọn tướng, mộ quân trong dòng tôn thất và chủ yếu là người gốc Thanh-Nghệ-Tĩnh. Khi thế và lực đã mạnh lên rồi thì mới mở rộng ra khắp nơi và đặt chế độ mộ tuyển một cách thích hợp. Trên cơ sở kế sách của Đào Duy Từ, từ năm 1632, chúa Nguyễn bắt đầu định chế duyệt dân, tuyển quân. Theo đó, phép tuyển quân của chúa Nguyễn quy định cứ 3 năm tuyển một lần nhỏ, 6 năm tuyển lớn. Nhờ thực thi một cách nghiêm túc định chế này mà chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau đó dần dần xây dựng được một quân đội mạnh.

Trong xây dựng quân đội, Đào Duy Từ là người có công phát hiện và đào tạo được nhiều tướng cầm quân giỏi, tiêu biểu trong số đó có Nguyễn Hữu Tiến. Ông còn giúp chúa Nguyễn lập Ty Nội pháo để tự đúc súng thần công. Ông cũng là người nghiên cứu và trình chúa Nguyễn các phương pháp chế tạo, sử dụng một số hỏa khí khá tinh vi nhưng lại phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và kỹ thuật lúc bấy giờ của Đàng Trong. 

Lãnh đạo xây dựng thành Lũy Thầy

Năm 1630, theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng một công trình lũy quân sự ở bờ nam sông Nhật Lệ (nay là Đồng Hới, Quảng Bình), có tên là Lũy Thầy, hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ. Công trình này nhằm bảo vệ Đàng Trong trước các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đàng Ngoài.

Thời điểm đó, Lũy Thầy vô cùng đồ sộ, đến mức nhân dân còn lưu truyền câu thơ: “Khôn ngoan vượt được Thanh Hà/Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”. Quả thật vậy, sau hơn 100 năm sau, Lũy Thầy vẫn sừng sững, đứng vững trước nhiều cuộc chiến mà không hề bị xuyên thủng.

Lũy Thầy là một trong những công trình đặc biệt ghi dấu ấn của Đào Duy Từ. Ảnh: Internet

Lũy Thầy là một trong những công trình đặc biệt ghi dấu ấn của Đào Duy Từ. Ảnh: Internet

Lũy Thầy còn được gọi là Lũy Đào Duy Từ vì đây là vị quan chỉ huy thiết kế, xây dựng công trình. Ông quê ở phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Với tài đức của mình, Đào Duy Từ được chúa Nguyễn vô cùng kính nể, còn gọi ông là thầy. Người dân gọi thành lũy ông xây là Lũy Thầy cũng phần nào để bày tỏ lòng tôn kính đến vị đại quan này.

Lại nói về Lũy Thầy, nơi đây có 3 chiến lũy chính là lũy Trường Sa, lũy Trấn Ninh, lũy Trường Dục. Lũy được xây từ Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ, dài đến 12km. Qua thời gian, chiến tranh, nay Lũy Thầy chỉ còn di tích của 3 cửa là cửa Tấn Nhật Lệ, cửa Lý chính Đại quan môn (sau đổi là Võ Thắng Quan, còn gọi là cổng Thượng), cửa vào Dinh Quảng Bình (còn gọi là Quảng Bình Quan).

Lũy Thầy được đắp bằng đất và đá, phía ngoài đóng cọc bằng gỗ lim, phía trong đóng cọc tre. Chiều cao trung bình của lũy là từ 3 – 6m, rộng 6m, cao 5 tầng. Lũy kiên cố đến mức voi hay ngựa cũng có thể đi lại được. Lũy Thầy xây dọc sông Nhật Lệ nên độ khó đánh phá lại càng cao.

Mãi đến hơn 100 năm sau, vào năm 1774, trong lúc Đàng Trong rối ren, quân của Chúa Trịnh đã vượt sông Gianh, bắt được Trương Phúc Loan mang về kinh trị tội. Lũy Thầy cũng lần đầu tiên bị công phá. Hơn mười năm sau, quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ đập tan cả hai tập đoàn này để thống nhất đất nước, xóa nhòa giới tuyến.

Đầu năm 1802, tại Lũy Thầy diễn ra trận kịch chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Có rất nhiều quân Tây Sơn đã nằm lại nơi đây, trong đó có nữ tướng Bùi Thị Xuân. Những biến động lịch sử sau đó khiến Lũy Thầy không thể nguyên vẹn như thuở ban đầu mà dần biến mất. Chiến tranh chống Pháp, Mỹ diễn ra, Đồng Hới bị giày xéo bởi bom mìn nên địa danh lịch sử này chỉ còn sót lại những đoạn tường gạch nung. Năm 1994, Lũy Thầy được trùng tu và có hình dạng như hiện tại.

Thùy Dung

Bình luận

Nổi bật

Bí quyết để bảo vệ gan khi thức khuya xem bóng đá

Bí quyết để bảo vệ gan khi thức khuya xem bóng đá

sự kiện🞄Thứ tư, 26/06/2024, 13:53

Thức khuya xem bóng đá tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là gan - "nhà máy thải độc" của cơ thể.

Hòn đảo chỉ rộng 2km2 đón hàng triệu du khách mỗi năm, từng là khu định cư quốc tế riêng biệt duy nhất của xứ tỷ dân

Hòn đảo chỉ rộng 2km2 đón hàng triệu du khách mỗi năm, từng là khu định cư quốc tế riêng biệt duy nhất của xứ tỷ dân

sự kiện🞄Thứ tư, 26/06/2024, 13:52

Nơi đây còn nổi tiếng với chính sách cấm tất cả các loại phương tiện giao thông.

Từ vụ camera quay lén trong phòng tắm nữ sinh ở Hà Nội: 3 mẹo đơn giản phát hiện camera ‘giấu kín’ khi thuê phòng

Từ vụ camera quay lén trong phòng tắm nữ sinh ở Hà Nội: 3 mẹo đơn giản phát hiện camera ‘giấu kín’ khi thuê phòng

sự kiện🞄Thứ tư, 26/06/2024, 13:52

Camera quay lén không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng nó gây ra tổn thất lớn về tinh thần cho các bị hại.