Dữ liệu cũ
Thứ tư, 14/09/2016, 13:40 PM

Vén màn thua lỗ tại PVC - Bài 2: Chi tiêu vô tội vạ

Bên cạnh việc đầu tư rót vốn tràn lan vào các công ty liên doanh, liên kết; việc thiếu năng lực quản trị, chi tiêu vô tội vạ đã khiến PVC từ một đơn vị mạnh của ngành dầu khí trở thành “gánh nặng” với những dự án đầy tai tiếng.

40
Ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng vượt khối lượng hơn 79 triệu đồng cho nhà thầu. Ảnh: CTV

Bản báo cáo tài chính và báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của PVC tại thời điểm gần cuối năm 2013 thừa nhận, nhiều khoản lỗ tại đơn vị xuất phát từ việc phát triển quá nóng dẫn đến trình độ cán bộ quản lý không theo kịp quy mô và tốc độ phát triển của doanh nghiệp. Một lãnh đạo của đơn vị này cũng thừa nhận, công tác quản lý tài chính của PVC còn yếu. Tại một số dự án, công ty thành viên có biểu hiện thực hiện sai nguyên tắc tài chính dẫn đến công nợ tạm ứng cá nhân lớn, dẫn đến thanh toán tạm ứng vượt khối lượng tại nhiều đơn vị thành viên và vượt quá quy định hợp đồng nên đã gây ra những khoản nợ khó đòi...

Trả giá vì phát triển nóng

“Năm 2013, PVC không thể thu xếp được nguồn để trả tập đoàn theo kế hoạch nên đề nghị được giãn nợ. Công ty sẽ tăng cường và siết chặt quản lý điều hành sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và quy định của tập đoàn, đặc biệt trong công tác quản lý tài chính. PVC sẽ tích cực triển khai công tác thu hồi nợ, đặc biệt là các khoản công nợ tậm ứng vượt của nhà thầu và các khoản công nợ cá nhân”.

 Lãnh đạo PVC viết trong văn bản gửi PVN

Được biết, riêng tiền tạm ứng cá nhân sai nguyên tắc tại công ty mẹ và các công ty con tính đến thời điểm 30/6/2013, chốt trên sổ sách của PVC, lên tới hơn 138,8 tỷ đồng. Các nhà thầu cũng được ứng thừa hơn 5.144 tỷ đồng khi thực hiện các dự án của PVC. Riêng phần công nợ phải thu của tổng công ty mẹ và các đơn vị thành viên thời điểm này cũng lên tới hơn 2.813 tỷ đồng. Việc chi tiêu quá tay khiến PVC không thể cân đối được nguồn vốn để trả lãi vay ngân hàng (năm 2012, chi phí lãi vay lên tới 123,1 tỷ đồng).

“Do không có nguồn để trả lãi ngân hàng, dư ứng cho khách hàng lớn khiến nguồn vốn sản xuất kinh doanh của công ty mất cân đối trầm trọng. Việc trích trước lợi nhuận của một số dự án trong các năm trước dẫn đến PVC phải hạch toán lỗ vào năm 2012. Công tác bảo lãnh cho các đơn vị thành viên thiếu kiểm tra giám sát khiến PVC phải thực hiện trả nợ thay các đơn vị và trích lập dự phòng bảo lãnh hơn 126 tỷ đồng” - lãnh đạo mới của PVC thừa nhận trong văn bản gửi PVN sau khi ông Trịnh Xuân Thanh ra đi.

Theo văn bản này, các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh hầu hết không hiệu quả. Thậm chí, khi nhận chuyển nhượng các dự án bất động sản, các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các công ty xi măng, khu công nghiệp... lãnh đạo PVC không thực hiện đánh giá hiệu quả đầu tư, không thuê tư vấn độc lập thẩm định giá trị trước khi nhận lại dự án. Chính vì vậy, năm 2012 tổng công ty đã phải trích lập dự phòng hơn 480 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư tài chính. “Một số cán bộ điều hành, quản lý biến chất, thiếu đạo đức, có hiện tượng tham nhũng, trục lợi tại PVC-ME, PVC-SG hiện đang được cơ quan công an xác định và làm rõ”- lãnh đạo PVC cho biết.

Tạm ứng vô tội vạ

Theo tìm hiểu của PV, dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, việc quản lý tài chính tại các đơn vị được thực hiện rất lỏng lẻo. Ngay tại công ty mẹ PVC, số dư nợ tạm ứng cá nhân sau khi ông Thanh rời khỏi đây lên tới hơn 3.821 tỷ đồng. Trong đó, công nợ quá hạn và đến hạn là 3.352 tỷ đồng. Trong số tiền trên, các khoản trả trước mà công ty mẹ xếp vào diện khó đòi là hơn 2.363 tỷ đồng. Tại một số công trình tai tiếng của PVC, như công trình Nhà máy Ethanol Phú Thọ có khoản dư ứng hơn 54,5 tỷ đồng. Việc ứng thừa tiền hàng chục tỷ đồng cũng được ghi nhận tại các đơn vị như PVC-Vinaconex  (hơn 43,7 tỷ đồng), PVC-ME  (hơn 57,5 tỷ đồng)…

Việc cho tạm ứng tiền cá nhân vô tội vạ cũng được ghi nhận tại nhiều đơn vị khác. Như tại Ban quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, số dư tạm ứng cá nhân đến thời điểm 30/6/2013 là hơn 645 triệu đồng. Trong một báo cáo của PVN sau này cũng cho thấy, số tiền ứng thừa tại Ban quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có hơn 79 triệu đồng đã được tạm ứng vượt khối lượng cho nhà thầu. Số tiền này sau cũng bị xếp vào diện khó đòi. Ban điều hành Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol cũng có tình trạng tạm ứng cá nhân vượt số lượng thực hiện hơn 668 triệu đồng. Ban điều hành Vũng Áng- Quảng Trạch cũng có các khoản trả thừa cho khách hàng hơn 737 triệu đồng và cho vay tạm ứng cá nhân 5 người với hơn 3,2 tỷ đồng.

Các khoản tạm ứng cá nhân, quyết toán thừa so với hợp đồng nhiều tỷ đồng ở nhiều công ty con cũng được ghi nhận trong báo cáo của PVC tại thời điểm ngày 30/6/2013. Như tại Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Trung, nhiều khoản tiền ứng trước cho cá nhân, doanh nghiệp được xếp vào diện nợ khó đòi với hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này còn có 17 cá nhân (đã nghỉ việc) nợ tạm ứng hơn 923 tỷ đồng. Công ty CP Xây lắp Dầu khí Hà Nội có số nợ tạm ứng cá nhân quá hạn hơn 4,6 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Thi công cơ giới và lắp máy Dầu khí cũng có số nợ tạm ứng cá nhân hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, có 10 cá nhân nợ hơn 5,8 tỷ đồng từ năm 2010 nhưng chưa thanh toán.

 Theo Tiền Phong

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.