Thứ năm, 06/06/2024, 13:50 PM

Vai trò của các bên trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

(CL&CS)- Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 1,7 nghìn cơ sở xử lý chất thải rắn, gồm 470 lò đốt và hơn 1,2 nghìn bãi chôn lấp, tăng 120 bãi so với năm 2019. Khoảng 64% tổng lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt. Thế nhưng, tỉ lệ thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đa số các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phục vụ cho hoạt động tiêu dùng, nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư cho công đoạn xả thải và xử lý chất thải. Vì vậy, áp lực môi trường gia tăng về số lượng và thành phần chất thải.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải, khi coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện triệt để nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều.

moitruong

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Để thúc đẩy quản lý chất thải rắn(CTR) sinh hoạt và phân loại CTR sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều các hoạt động để xây dựng mô hình phân loại chất thải, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý CTR sinh hoạt.

Theo Phó Cục trưởng Hồ Kiên Trung, hệ thống pháp luật về quản lý CTR sinh hoạt về cơ bản đã hoàn thiện. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để làm căn cứ xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTR sinh hoạt phù hợp với hoạt động phân loại CTR sinh hoạt của địa phương.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã thí điểm tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý theo khối lượng và thể tích thông qua bao bì chứa chất thải. Một số mô hình thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại các địa phương đã đem lại kết quả khả tích cực, bắt đầu có được giá trị kinh tế từ CTR sinh hoạt, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng và người dân được tăng lên đáng kể.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, công tác phân loại CTR sinh hoạt ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều thách thức do hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ. Nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại; thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải…

Ngoài ra, nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đưa các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, phân loại CTR sinh hoạt, các điểm tập kết/trạm trung chuyển/trạm phân loại CTR sinh hoạt, các khu tái chế, xử lý CTR sinh hoạt vào trong quy hoạch của tỉnh để có lộ trình thực hiện; chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại CTR sinh hoạt phù hợp với địa phương. Nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại CTR sinh hoạt còn hạn chế…

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cần xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nước ta để làm căn cứ cho việc đánh giá lựa chọn công nghệ. Các tiêu chí đánh giá này nên tập trung vào kỹ thuật sao cho phù hợp với kinh tế và môi trường bản địa. Đặc biệt, đưa ra tiêu chí khuyến khích các công nghệ hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.

DKC

GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu, trao đổi về Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt

Đồng thời GS.TS Đặng Thị Kim Chi đề xuất: công nghệ xử lý chất thải rắn cần được triển khai phù hợp với yêu cầu của từng địa phương. Phải chú ý kết hợp công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ tái chế chất thải rắn thành phân hữu cơ vi sinh hay công nghệ đốt để giảm tối thiểu việc chôn lấp, nhằm kéo dài tuổi thọ của bãi chôn. Cho nên, công nghệ xử lý trên phải phù hợp với vùng đô thị, vùng đô thị xen lẫn nông thôn, đồng bằng, trung du và miền núi.

Về phía doanh nghiệp, có nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả.

Đại diện Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương nêu lên sự quan tâm của doanh nghiệp đối với công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải, bảo vệ môi trường về một số khó khăn, bất cập khi áp dụng quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

Từ các thách thức nêu trên, có thể nhận thấy rằng, để các địa phương thực thi công tác phân loại CTR sinh hoạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế từ chất thải sau phân loại thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ và có phối hợp chặt chẽ của 3 bên đó là chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

ENTECH HANOI 2024 thúc đẩy phát triển năng lượng và môi trường

ENTECH HANOI 2024 thúc đẩy phát triển năng lượng và môi trường

sự kiện🞄Thứ tư, 19/06/2024, 15:40

(CL&CS)- Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Công thương tổ chức: “Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”.

Ấn tượng triển lãm 1001 rùa biển bằng gốm được nặn hoàn toàn bằng tay

Ấn tượng triển lãm 1001 rùa biển bằng gốm được nặn hoàn toàn bằng tay

sự kiện🞄Thứ hai, 17/06/2024, 08:10

(CL&CS)- Triển lãm "1001 rùa biển bằng gốm" của nghệ sĩ Cao Thanh Thà khai mạc sáng 15/6 tại Hà Nội gây ấn tượng đặc biệt với người xem bởi mỗi tác phẩm của chị đều là độc bản.

SeABank ra quân làm sạch bờ biển tại 11 tỉnh thành, hướng tới phát triển bền vững

SeABank ra quân làm sạch bờ biển tại 11 tỉnh thành, hướng tới phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ ba, 11/06/2024, 07:23

(CL&CS) - Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6) và ngày Đại dương thế giới 8/6, ngày 8/6/2024, gần 1.000 CBNV Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã cùng chung tay dọn vệ sinh bờ biển, tuyên truyền bảo vệ môi trường biển tại 11 tỉnh, thành phố có biển trên toàn quốc.