Dữ liệu cũ
Thứ năm, 16/08/2018, 09:16 AM

Ủy ban ATGT yêu cầu tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt

(NTD) - Vừa qua, Ủy ban ATGT Quốc gia gửi công văn đến các địa phương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

 Trong thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra cướp đi nhiều sinh mạng người dân và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Một trong những nguyên nhân của các vụ tai nạn xuất phát từ việc buông lỏng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Do vậy, ngày 14/8, Ủy ban ATGT Quốc gia đã ra công văn về nâng cao các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm tử vong 67 người, bị thương 104 người.

lat tau
Nhiều vụ TNGT đường sắt nghiệm trọng xảy ra trong thời gian qua.

 Cũng trong thời gian trên, nhiều vụ việc vi phạm các quy định về an toàn giao thông đã xảy ra. Trong đó 316 vụ ô tô đâm, va giàn chắn, cần chắn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động (gồm gần 30 lần xảy ra vị đường ngang bị đâm, va; 17 vụ người điều khiển ô tô cố tình vượt qua đường sắt khi tàu gần đến; 119 vị trí lối đi tự mở đã được thu hẹp nhưng vẫn bị đối tượng xấu phá vỡ nhiều lần...).

Qua phân tích tai nạn giao thông đường sắt nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát; các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ quá nhiều, đặc biệt còn tồn tại nhiều lối đi tự mở. 

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua cần chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ việc ô tô đâm, va giàn chắn, cần chắn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động. Xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm quy định pháp luật, phá hoại tài sản gây hư hỏng tài sản của ngành đường sắt, uy hiếp an toàn giao thông và tính mạng nhân viên ngành đường sắt; xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá dỡ các hàng rào, trụ bê tông để thu hẹp các lối đi tự mở, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban ATGT cũng yêu cầu phải xác định trách nhiệm cá nhân cụ thể đối với người đứng đầu UBND các quận, huyện, phường, thị xã, thị trấn có đường sắt đi qua trong việc:quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt, thu hẹp bề rộng, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Đồng thời phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng lộ trình xóa bỏ, giảm dần các lối đi tự mở theo quy định của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Ngoài ra, các địa phương có đường sắt đi qua, UBND cấp huyện, xã thực hiện công tác cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông tại những vị trí lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn theo đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (có số liệu thống kê gửi kèm theo); phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức huấn luyện và cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho các điểm cảnh giới, chốt gác.

Đối với Ban ATGT cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu mời đại diện của Tổng công ty Đường sắt tham gia và báo cáo về hoạt động đảm bảo TTATGT đường sắt của đơn vị tại các cuộc họp, hội nghị định kỳ về an toàn giao thông trên địa bàn.

Văn bản cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục kiện toàn nhân sự Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Quyết định số 22/2017/QĐ-TTg ngày 22/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định bổ sung tư cách thành viên hoặc mời tham dự các cuộc họp của Ban ATGT cấp tỉnh hoặc cấp huyện đối với đại diện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (hoặc đơn vị trực thuộc Tổng công ty trên địa bàn).

Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, văn bản yêu cầu đơn vị này chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động liên hệ với Ban ATGT tỉnh, thành phố, UBND cấp huyện, xã nơi có đường sắt đi qua để rà soát, cập nhật, thống nhất phương án bảo đảm an toàn giao thông trên đường ngang, lối đi tự mở trái phép; cử cán bộ chuyên môn huấn luyện nghiệp vụ cảnh giới về an toàn giao thông qua đường ngang, lối đi tự mở theo yêu cầu của địa phương. Đồng thời, cần phân công người đại diện có thẩm quyền của tổng công ty hoặc đơn vị trực thuộc tham dự và báo cáo tại các cuộc họp, hội nghị về an toàn giao thông theo yêu cầu của địa phương.

                                                                                                                                                  Dương Nhung

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.