Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 25/03/2016, 19:24 PM

Từ vụ sập cầu Ghềnh: Cần lấp “lỗ hổng” lớn về quản lý cầu đường

(NTD) - Việc sà lan đâm sập cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai) - cây cầu đường sắt “độc đạo” nối ba miền Bắc Trung Nam là một sự cố chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành đường sắt Việt Nam. Song qua tai nạn hy hữu này cũng đã “lộ” ra nhiều vấn đề mà lâu nay xã hội dường như bị lãng quên.

hinh2
Hình ảnh cầu Ghềnh bị sập mất hai nhịp do sà lan đâm phải trên sông Đồng Nai.

Cầu trăm tuổi vẫn gồng mình gánh nặng những chuyến tàu?

Cầu Ghềnh là một chiếc cầu sắt bắt qua sông Đồng Nai phục vụ cho tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc khu Biên Hòa - Dĩ An tại lý trình 1699+860. Đây là cây cầu do người Pháp xây dựng và khánh thành từ tháng 1 năm 1904.

Như vậy cầu Ghềnh đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn còn được ngành đường sắt cứ thế duy tu và sử dụng. Chiếc cầu già nua, cũ kỹ này vẫn ngày qua ngày gồng mình làm “gánh” những chuyến tàu chở đầy người và trĩu nặng hàng hóa đi qua.

Cầu Ghềnh lâm nạn, vành đai bảo vệ đâu rồi?

Sự cố trên đã giúp mọi người phát hiện một điều tắc trách kỳ lạ nữa là không có vành đai bảo vệ cầu Ghềnh. Trong khi đó Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng: “Cầu Ghềnh được xây dựng từ năm 1902, do vậy việc xây dựng các trụ chống xô xung quanh rất là khó khăn. Toàn bộ cầu đã hoàn chỉnh rồi, nếu làm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống của cầu. Chính vì thế, thay vì làm trụ chống xô thì Bộ GTVT đã chỉ đạo làm hệ thống phao tiêu biển báo rất đầy đủ để hướng dẫn phương tiện đi qua cầu”.

Ông Trường cũng né tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho hai tài công điều khiển sà lan gây ra vụ sập cầu Ghềnh. Kiểu né tránh thường thấy của các quan chức Việt Nam mỗi khi có sự việc xấu ảnh hưởng đến ngành, công việc của bản thân.

“Lỗi chính là do hai người điều khiển tàu kéo sà lan thiếu ý thức đi sai luồng nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc trên. Nhưng trong sự cố trên nhiều khả năng do hai cậu cháu tài công uống rượu ngủ say nên để sà lan trôi tự do nên mới xảy vụ tông sập cầu Ghềnh”, ông Trường quy trách nhiệm cho hai người điều khiển tàu kéo. 

Ngành đường sắt “đánh đu” mạng sống người dân?

Sinh viên Cao Thanh Ngân lo sợ khi phải đi tàu qua sự việc sập cầu Ghềnh và chia sẻ: “Tôi là một người thích được đi trên tàu hỏa vì thấy an toàn và được ngắm cảnh vật xung quanh. Nhưng qua sự cố sập cầu trên, tôi cảm thấy rùng rợn bởi những chuyến tàu mình đã từng đi qua trên các cây cầu cũ kỹ như cầu Bình Lợi, cầu Ghềnh.

Ngành đường sắt đang đùa giỡn với mạng sống của những người dân đi tàu ư? Tại sao họ không đầu tư, xây mới, tính các phương án khác để phòng khi có sự cố xảy ra.

Nhìn từ vụ sập cầu Ghềnh, tôi chẳng dám đánh đu mạng sống của mình vì sự tất trắc, thiếu quản lý, an toàn của ngành đường sắt qua những chuyến tàu.

Mong sao các cơ quan chức năng sớm có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi chọn tàu là phương tiện di chuyển”.

hinh7
Các chuyến tàu và nỗi lo an toàn tính mạng của những hành khách.

Sập cầu Ghềnh bộc lộ sự bất cập của ngành đường sắt Việt Nam?

Ngày 20/3, sà lan mang số hiệu SG 3745 từ hạ nguồn sông Đồng Nai lưu thông lên phía thượng nguồn đã đâm vào trụ cầu Ghềnh. Vụ tai nạn xảy ra khiến trụ và hai nhịp cầu sập hoàn toàn. Sau sự cố trên, các chuyến tàu đường sắt Bắc - Nam phải dừng lại tại Ga Biên Hòa thay vì về Sài Gòn. Sập cầu Ghềnh đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hoạt động của hệ thống đường sắt Quốc gia Việt Nam.

Qua sự cố cầu Ghềnh đã cho chúng ta thấy những hệ lụy liên tiếp, tác động dây chuyền gây tê liệt lên toàn bộ các chuyến tàu đường sắt ra vào Ga Sài Gòn. Hơn nữa qua đó cũng cho thấy lãnh đạo ngành đường sắt lúng túng không biết xử lý ra sao.

Ngành đường sắt Việt Nam không có một phương án dự phòng nào cho trường hợp gặp sự cố bất ngờ. Chính vì thế hệ lụy đã ảnh hưởng lên đầu hành khách khi họ phải vất vả hơn trong việc di chuyển giữa các ga tàu hỏa.

Các công ty, doanh nghiệp vận chuyển cũng bị thiệt hại nặng nề vì sự cố của ngành đường sắt. Mặc dù hiện giờ một số biện pháp tạm thời đã được đưa ra sau sự cố sập cầu Ghềnh, nhưng được biết tình trạng ùn ứ này có thể kéo dài đến tháng 7/2016.

Nên dời Ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm?

Sau vụ việc cầu Ghềnh sập thì Ga Sài Gòn phải hứng chịu thảm cảnh người dân ùn ùn đi trả vé. Hàng loạt chuyến tàu không thể di chuyển được. Cảnh vắng tanh như chùa bà đanh xuất hiện tại nơi đây.

Có nhiều ý kiến cho rằng nên di dời Ga Sài Gòn ra khỏi khu vực trung tâm thành phố để tránh những sự việc ùn tắc tương tự có thể xảy ra như sự cố sập cầu Ghềnh vừa qua. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối việc di dời vì cho rằng Ga Sài Gòn đã tồn tại nhiều năm và mang ý nghĩa lịch sử, biểu tượng của thành phố.

Bên cạnh đó, di dời về Ga Biên Hòa hay Ga Sóng Thần, Dĩ An thì có thể làm ùn tắc các khu vực này. Đó là chưa kể những bất tiện cho hành khách khi phải đi hàng chục km từ TP.HCM ra Sóng Thần, Dĩ An hay Biên Hòa để lên tàu.

Chị Ngô Thanh Ngọc, một người dân sống gần tuyến đường sắt (ở Q.10) ủng hộ việc di dời Ga Sài Gòn cho biết: “Ga Sài Gòn đã nằm trong trung tâm thành phố, thế nhưng các thiết bị chạy tàu như đầu máy, toa xe thì đã rất cũ kỹ, lạc hậu. Mỗi khi chạy qua tạo ra nhiều khói thải và tiếng ồn, rác và các chất thải cứ xả thẳng xuống đường tàu.

Do khoảng cách giữa đường sắt và nhà ở của người dân quá gần nên hàng vạn gia đình sống hai bên tuyến đường sắt đi qua phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm khí thải, chất thải và tiếng ồn”.

12,5 tỷ trục vớt cầu Ghềnh nên chăng?

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã thống nhất phương án trục vớt bằng cách cắt rời các dầm cầu Ghềnh bị chìm, sau đó dùng sà lan 500 tấn cẩu đi nơi khác. Dự kiến kinh phí một công ty đưa ra cho việc trục vớt là 12,5 tỷ đồng.

Nghe nói số tiền 12,5 tỷ để trục vớt một đống sắt vụn nhiều người giật mình. Người dân cho rằng kinh phí trục vớt như vậy quá lớn.

Nếu nhà nước đem toàn bộ số tiền đó đi xây nhà cho dân nghèo thì sẽ là việc làm có ý nghĩa. Còn đem 12,5 tỷ đồng mà đi trục vớt vài chục tấn sắt vụn đó thì phi lý quá.

“Chỉ cần ra thông báo cho người dân ai lấy được sắt cứ lấy bán thì bảo đảm chỉ trong vài ngày là hai nhịp cầu Ghềnh đã sập sẽ lập tức biến mất. Như vậy cầu Ghềnh không cần tốn số tiền kinh khủng để trục vớt. Làm như vậy còn tạo được điều kiện cho người dân kiếm thêm thu nhập và đất nước bớt đi một khoản tiền. Chỉ có tiền dư mới đi lấy 12,5 tỷ trục vớt 2 nhịp cầu về bán sắt”, anh Võ Trọng Hiếu, một người dân tại TP.HCM chia sẻ.

Ai sẽ là người bồi thường?

Theo quy định pháp luật về việc bồi thường thiệt hại trong vụ sập cầu Ghềnh, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình) cho rằng chủ phương tiện sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo Điều 622 Bộ luật Dân sự, quy định về “Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra”.

Sau khi bồi thường thì chủ phương tiện có quyền yêu cầu người lái (hai tài công) phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định pháp luật.

“Trong trường hợp chủ phương tiện có mua bảo hiểm thì về phía bảo hiểm sẽ chi trả tùy theo các loại và các điều khoản thỏa thuận, mức mua bảo hiểm của người mua theo hợp đồng bảo hiểm. Khi tiền bảo hiểm vẫn không đủ bồi thường (thấp hơn giá trị thiệt hại) thì cá nhân chủ sà lan có trách nhiệm tiếp tục bồi thường cho khoản tiền thiệt hại còn lại”, LS Hùng cho biết.

hinh5
 
hinh6
 
hinh3
 
hinh8
 

 Thái Minh 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.