TS Cấn Văn Lực: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế

(CL&CS)-Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế… Nhiều doanh nghiệp mãi không “chịu lớn”.

TS Cấn Văn Lực cho biết kinh tế tư nhân hiện đóng góp đến 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế. (Ảnh: ND)

TS Cấn Văn Lực cho biết kinh tế tư nhân hiện đóng góp đến 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế. (Ảnh: ND)

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế

Tại hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế và thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia, đã có những phân tích sâu về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông, kinh tế tư nhân tại Việt Nam bao gồm ba thành phần chính: Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cá thể và kinh tế tập thể (hợp tác xã). Tại Đại hội Đảng VI năm 1986, kinh tế tư nhân chính thức được công nhận là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Ước tính đến cuối năm 2024, Việt Nam sẽ có 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Trong đó, quy mô vốn kinh doanh bình quân của các hộ này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2007, còn quy mô tài sản tăng gấp 2,8 lần. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là có tới 3,1 triệu hộ kinh doanh hiện vẫn chưa đăng ký.

TS Cấn Văn Lực cho biết kinh tế tư nhân hiện đóng góp đến 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân thu hút khoảng 9,1 triệu lao động, trong khi các hộ kinh doanh tạo việc làm cho 9,1 triệu người, và hợp tác xã đóng góp 163 nghìn lao động. Những con số này cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc tạo ra việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

TS Cấn Văn Lực chỉ ra những tồn tại, bất cập chính của phát triển kinh tế tư nhân hiện nay: Đầu tiên, kinh tế tư nhân chưa đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết 10/NQ-TW (2017) và Nghị quyết 45/2023/NQ-CP; nhiều doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh chưa “chịu lớn”; đóng góp trong GDP vẫn chỉ xoay quanh 50%, từ 47,2% năm 2005, hay 50% từ 2011. Tiếp đó, quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế…

“Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, cải tiến công nghệ, chương trình/dự án trọng điểm quốc gia. Quản trị doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, điều hành chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, chưa qua đào tạo và ít người có bằng cấp chuyên môn. Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn chậm. Đóng góp của hộ kinh doanh vào ngân sách nhà nước còn hạn chế…”, TS Cấn Văn Lực nhận định.

8 kiến nghị, giải pháp “đột phá”

Đề giải quyết những bất cập trên, TS Cấn Văn Lực trình bày nhóm 8 giải pháp phải có sự phối hợp giữa ba bên là khu vực kinh tế tư nhân, Nhà nước và hộ kinh doanh.

Thứ nhất, thay đổi tư duy. Trong đó, cần đề cao vai trò của kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất" trong tăng trưởng kinh tế và là lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, cần hoàn thiện thể chế, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nên sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống 15% – 17% thay vì 20% như hiện tại. Cần quyết liệt cắt giảm 30% thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh và thời gian giải quyết công việc hành chính. Cùng với đó, xây dựng, chuẩn hóa thông tin, số liệu thống kê, báo cáo về các khu vực kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng để phục vụ quá trình ra quyết sách, quản trị và điều hành quốc gia.

Bản thân doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cần đổi mới tư duy quản trị, bài bản, minh bạch, có tầm nhìn, chiến lược nhiều hơn; đặc biệt luôn nhận thức, hành động gắn với đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và thượng tôn pháp luật.

Thứ ba, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ bằng các chính sách hỗ trợ. Trong đó, cần ban hành Nghị định nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, đồng thời áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3-5 năm đầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái đầu tư và phát triển.

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tài chính và công nghệ mới. Theo đó, cần có chính sách miễn, giảm thuế cho lĩnh vực ưu tiên, phát triển thị trường tài chính để doanh nghiệp tư nhân dễ tiếp cận vốn.

Thứ năm, đẩy nhanh việc giải phóng các nguồn lực bị treo, tồn đọng và lãng phí.

Thứ sáu, tăng cường truyền thông về vai trò của kinh tế tư nhân, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như thông tin thị trường, đối tác và dự báo kinh tế.

Thứ bảy, xây dựng và chuẩn hóa hệ thống thống kê, báo cáo về các khu vực kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng để phục vụ công tác quản lý và điều hành quốc gia.

Thứ tám, bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng cần tuân thủ pháp luật, nâng cao chuẩn mực và đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, điều này tạo dựng môi trường an sinh và tài chính ổn định.

Bình luận

Nổi bật

TS Cấn Văn Lực: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế

TS Cấn Văn Lực: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế

sự kiện🞄Thứ hai, 24/03/2025, 07:50

(CL&CS)-Theo TS Cấn Văn Lực, hiện nay quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế… Nhiều doanh nghiệp mãi không “chịu lớn”.

Doanh nghiệp tư nhân nỗ lực “thay máu” để lớn mạnh

Doanh nghiệp tư nhân nỗ lực “thay máu” để lớn mạnh

sự kiện🞄Chủ nhật, 23/03/2025, 08:38

(CL&CS)- Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần nỗ lực "thay máu" có thể nhập cuộc được, có tinh thần khởi nghiệp sáng tạo thay vì lập nghiệp theo kiểu truyền thống như trước.

Tập đoàn Hoa Sen đưa ra hai kịch bản kinh doanh

Tập đoàn Hoa Sen đưa ra hai kịch bản kinh doanh

sự kiện🞄Thứ tư, 19/03/2025, 11:06

(CL&CS)- Về kế hoạch 2025, Tập đoàn Hoa Sen đưa ra hai kịch bản kinh doanh, với lợi nhuận dao động trong khoảng 400-500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu lạc quan nhất vẫn thấp hơn kết quả 515 tỷ đồng đã đạt được trong năm tài chính trước đó.