Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 07/02/2014, 17:30 PM

Trung Quốc ẩn mình chờ thời hay trỗi dậy

Tổng thống Philippines ví Trung Quốc với Đức quốc xã, còn thủ tướng Nhật so sánh quan hệ song phương với Anh-Đức trước Thế chiến I, làm nóng dư luận quốc tế về vai trò của Bắc Kinh trong nền hòa bình thế giới. 

Trong bài phỏng vấn với tờ New York Times đăng hôm 4/2, Tổng thống Aquino ví hành vi tranh đoạt chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây với những việc làm của Đức quốc xã hồi trước Thế chiến thứ hai.

Năm 1938, trước thềm chiến tranh, các nước phương Tây đã không có sự ủng hộ cần thiết để bảo vệ Czech, khi Hitler muốn chiếm đoạt phần lãnh thổ Sudetenland (dân số đa phần là người dân tộc Đức) của nước này.

Theo ông Aquino, tình cảnh hiện nay của Philippines trước Trung Quốc không khác gì Czech phải đối phó với Đức quốc xã năm nào. Manila đang bị “ép buộc” phải nhượng một phần lãnh thổ của mình cho nước láng giềng hùng mạnh. Vì vậy đất nước của ông cần sự ủng hộ mạnh mẽ của nước ngoài, để đảm bảo luật pháp quốc tế, ngăn trở bước tiến của Bắc Kinh.

Mặt khác, tổng thống Philippines còn so sánh phản ứng của cộng đồng quốc tế hiện nay với “chính sách nhân nhượng” của các nước phương Tây trước đây. Năm 1938, trước sức ép của Đức, hai nước Anh và Pháp vì muốn tránh nảy sinh xung đột mà gây sức ép lên chính phủ Czech, buộc nước này giải quyết vấn đề Sudetenland theo nguyên tắc dân tộc tự quyết.

Tháng 9/1938, thủ tướng Anh Neville Chamberlain tham dự hội nghị 4 bên Đức, Ý, Anh và Pháp, quyết định chuyển giao Sudetenland cho Đức. Czech là quốc gia liên quan trực tiếp, nhưng lại không được tham dự hội nghị này. Đây chính là Hiệp ước Munich nổi tiếng trong lịch sử.

Chamberlain và lãnh đạo các nước phương Tây tin lời Hitler, cho rằng Sudetenland là đòi hỏi lãnh thổ duy nhất của Đức quốc xã. Vì vậy, khi thủ tướng Anh bước ra khỏi phi cơ sau chuyến bay về từ Munich, ông đã giơ cao bản hiệp ước và tuyên bố đem lại “nền hòa bình cho một thế hệ”. Nhưng sự thực lịch sử cho thấy “chính sách nhân nhượng” không vì thế mà cản bước Hitler phát động Thế chiến thứ hai.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Abe đã gây tranh cãi tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, khi ví quan hệ Trung-Nhật hiện thời giống với quan hệ Anh-Đức trước khi Thế chiến thứ nhất nổ ra. Theo đó, quan hệ kinh tế Anh-Đức cũng mật thiết như hai nền kinh tế lớn nhất châu Á ngày nay, nhưng sự khăng khít ấy không cản được bước tiến chiến tranh giữa hai cường quốc Tây Âu.

Theo chuyên gia chiến lược Christopher Coker thuộc Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE), việc đánh giá quá cao lý tính của con người là nguyên nhân chính dẫn đến các phán đoán sai lầm trong lịch sử.

“Năm 1914, trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, mọi người đều cho rằng chiến tranh là không thể, nhưng cuộc đại chiến đã diễn ra”, ông Coker nói. “Quan hệ Trung-Mỹ hiện nay cũng phù hợp với logic xung đột giữa các cường quốc này. Mặc dù khả năng bùng phát chiến tranh Trung-Mỹ là rất thấp, nhưng không phải là không thể xảy ra”.

Trung Quốc có còn ẩn mình chờ thời?

“Ẩn mình chờ thời” là chính sách đối ngoại do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra trong thập niên 90 của thế kỷ trước, theo đó Trung Quốc cần bình tĩnh quan sát cục diện thế giới, tạo dựng môi trường ổn định, để tập trung phát triển nội lực.

Năm 2010, bà Phó Doanh, nguyên thứ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc, từng nói: “Trên cùng một vấn đề, các nước phương Tây không chấp nhận chúng tôi một cách bình đẳng”. Tháng 6/2013, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường đến Mỹ hội đàm với Tổng thống Barack Obama, Bắc Kinh tuyên bố muốn cùng Mỹ xây dựng hình thái quan hệ mới giữa các cường quốc. “Trung Quốc muốn Mỹ công nhận sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình”, phóng viên Meng Ke của BBC bình luận.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Steffen Richter, cùng với sức ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng của Trung Quốc, quan hệ Bắc Kinh-Washington cũng đang biến đổi. Chủ tịch Tập là nhà lãnh đạo có thực quyền nhất Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây, dường như đang muốn thay đổi đường lối đối ngoại “ẩn mình chờ thời”.

“Hình thành bá quyền trong khu vực là mục tiêu của các nước lớn, ví dụ như chủ nghĩa Monroe của Mỹ nhấn mạnh địa vị bá chủ của quốc gia này tại khu vực tây bán cầu. Lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự nghi ngờ và phản kháng của các quốc gia láng giềng. Chủ nghĩa dân túy bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc sẽ khiến tranh chấp trường kỳ trên biển càng trở nên nguy hiểm”, ông Philip Stephens, phó tổng biên tập tờ Financial Times, bình luận. 

Trung Quốc luôn khẳng định đường lối “trỗi dậy hòa bình”, nhưng lại đang dẫn đầu cuộc đua vũ trang tại châu Á, theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Mức chi tiêu quân sự của Bắc Kinh gấp ba lần Ấn Độ, nhiều hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan và Việt Nam cộng lại.

Nhiều chuyên gia nhận định Mỹ và các nước phương Tây hiện rất khó chấp nhận quan điểm rằng trung tâm chính trị quốc tế đã thay đổi. Trong hơn 300 năm qua, tất cả các xung đột chủ yếu đều xuất phát từ tranh chấp về quy tắc và trật tự của hệ thống quốc tế.

“Năm 2010, Trung Quốc đưa ra yêu cầu nắm quyền chủ đạo tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, nhưng Mỹ lại đối chọi lại bằng chính sách dịch chuyển về châu Á, với ý định chuyển 60% năng lực hải quân đến khu vực này”, ông Richter cho biết.

“Hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc có những giá trị nhận thức rất khác biệt, vì vậy sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thách thức trật tự quốc tế hiện nay”, chuyên gia Coker nói. “Chỉ khi nào Washington và Bắc Kinh cùng bước qua ‘cái bẫy Thucydides’, hai bên mới có thể hóa giải mâu thuẫn, tránh khỏi xung đột”. 

“Cái bẫy Thucydides” là để chỉ sự đối đầu giữa cường quốc thủ cựu và cường quốc mới nổi. Tuy nhiên, Coker cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa có được một chiến lược phù hợp để tránh khỏi bài toán lịch sử trên. 

Đức Dương

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.