Tranh cãi xung quanh Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná

(NTD) - Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng việc đầu tư sản xuất thép là siêu lợi nhuận, vì thế “ngu gì không làm” mà không đầu tư vào ngành này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn liệu tập đoàn Hoa Sen sử dụng công nghệ của Mỹ hay Trung Quốc cho dự án này và nó có trở thành một thảm họa Formosa thứ 2 hay không?

Cam kết không xả thải xuống biển

Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ngày 6/9 tại TP.HCM đã thông qua Dự án Khu liên hợp luyện thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vốn đang gây bão dư luận thời gian qua, với 97% phiếu thuận. Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có công suất 6 triệu tấn/năm. Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm.

Dự án thép 10,6 tỷ USD của Hoa Sen ra đời giữa tâm bão về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhà máy thép Formosa gây ra. Nhiều cổ đông tỏ ra lo ngại về việc sử dụng công nghệ, thiết bị nước nào cho dự án. Trả lời vấn đề này ông Vũ lớn tiếng: “Đừng thấy Formosa mà sợ. Hoa Sen sử dụng công nghệ luyện cốc nhưng không thu hồi hóa chất mà thu hồi nhiệt để làm phát điện thì chắc chắn không xảy ra như Formosa”. Riêng việc cổ đông thắc mắc về lựa chọn thiết bị châu Âu hay Trung Quốc, ông Vũ nói: “Trả lời sau”.

Đồng thời ông Lê Phước Vũ "khuyên" nhà đầu tư “nên nhìn xa trông rộng về những ưu điểm, thuận lợi mà dự án có thể mang lại trong tương lai”. Thậm chí, ông Vũ cũng cho rằng, nếu nhìn thấy Tập đoàn Hòa Phát quý vừa rồi lãi đến 2.000 tỷ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”?

Mặc dù không trả lời sẽ dùng công nghệ nước nào nhưng khi nói chi tiết về dự án, ông Vũ cho biết đa số các nhà cung cấp thiết bị cho nhà máy thép hiện nay trên toàn thế giới như Ấn Độ, Úc, Đức… đều đặt xưởng sản suất tại Trung Quốc vì dung lượng thị trường lớn, chi phí nhân công rẻ. Cho nên giờ chúng ta có ký của châu Âu hay Mỹ thì cũng từ Trung Quốc mà ra, đến 90% là như thế! Còn nếu bắt tôi ký mua công nghệ 100% châu Âu thì giá thành cao ngất ngưởng không làm nổi. Tôi sẽ đủ khôn ngoan để chọn lựa làm cái gì để đạt hiệu quả cao nhất, đạt cạnh tranh tốt nhất.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho dự án, ông Vũ lại tiếp tục "khuyên" cổ đông “đừng lo, vì tôi lo hết rồi. Bảo đảm không vay đồng nào”. Ông Vũ cũng nói thêm, trong vòng 10 năm nữa, vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng, thậm chí 20.000 tỷ đồng “dễ như chơi vì uy tín của Hoa Sen có đầy. Chưa bao giờ Hoa Sen phải đi xin hạn mức vay cả”.

Trước đó, khi chia sẻ về dự án, ông Vũ từng cam kết: “Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển, nếu nhà máy của Hoa sen khi đi vào vận hành mà gây ô nhiễm cho môi trường thì chúng tôi sẽ đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước”.

49
Tôn Hoa Sen cũng từng cử đoàn cán bộ đến CISDI để đàm phán. Ảnh: BH

Sử dụng công nghệ của Trung Quốc?

Những cam kết chắc chắn của ông Vũ không thể xoa dịu được dư luận mà chỉ tăng thêm lo ngại khi "kẻ đi trước" Formosa đã tàn phá môi trường biển miền Trung khiến người dân nơi đây lao đao. Và sự lo lắng, nghi ngại này của dư luận không phải không có cơ sở.

Vào ngày 25/6/2015, Hoa Sen có gửi công văn tới UBND tỉnh Ninh Thuận về việc cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen - Cà Ná. Đoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, thời điểm đó là Phó Tổng Giám đốc của Hoa Sen, phụ trách. Đoàn có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổng thầu các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép… có trụ sở ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Tại Việt Nam, CISDI đã tư vấn thiết kế và là nhà thầu xây dựng lò cao số 1, lò cao số 2 - những hạng mục quan trọng trong dự án luyện thép - của Formosa Hà Tĩnh.

Trang web của CISDI cho biết công ty này là công ty con của Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) - nhà thầu chính xây dựng tổ hợp Formosa Hà Tĩnh cũng như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco) hiện bị đình trệ.

Mặc dù trong ĐHCĐ bất thường vừa được tổ chức, ông Vũ chưa khẳng định sẽ sử dụng công nghệ của nước nào, nhưng với việc cử đoàn cán bộ này khảo sát thời gian qua thì không hiểu ý đồ của Hoa Sen ở đây là gì?

48
Công văn mà Tôn Hoa Sen gửi đến UBND tỉnh Ninh Thuận về việc cử đoàn cán bộ khảo sát dự án thép có đến 6 người mang quốc tịch Trung Quốc.

Nhiều nỗi lo, không chỉ nguy cơ thiếu nước

Một vấn đề nữa khiến các cổ đông lo lắng là khi dự án của Hoa Sen đi vào hoạt động sẽ lấy nước ở đâu để làm dự án? Trả lời vấn đề này, ông Vũ nói: “Lấy nước biển làm chứ đâu, dù chi phí để đầu tư sẽ cao hơn. Nhưng khi nào thiếu nước thì mới dùng nước biển”. Còn hiện tại, theo ông Vũ: “Dự án hiện đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi rồi”.

Được biết, để chuẩn bị nước cho dự án thép của Hoa Sen, mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Hoa Sen, đấu nối từ nguồn nước của Nhà máy nước Phước Nam.

Thực tế là, Nhà máy nước Phước Nam có công suất chỉ 30.000 m3/ngày, không đủ cho nhu cầu ngay trong ngày đầu tiên của Hoa Sen là 33.000 m3/ngày. Đó là chưa kể nhà máy này đang cung cấp nước cho một khu công nghiệp và các khu dân cư khác.

Năm nay, hạn hán ở Ninh Thuận đã đến mức khốc liệt nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Nhiều hồ chứa nước ngọt cạn trơ đáy. Lượng nước tích trữ chỉ còn 15,6% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại 700 tỷ đồng vì hạn hán trong năm 2015.

Bốn tháng đầu năm nay, có tới 6.000 người dân Ninh Thuận thiếu nước sinh hoạt... Đến giờ, họ vẫn đang đi tìm nước. Nếu nhà máy thép đi vào hoạt động, nước đâu để cung cấp cho siêu dự án của Hoa Sen? Và nếu có thể cung cấp cho Hoa Sen, liệu Ninh Thuận còn đủ nước cho những cánh đồng khô khát?

Bên cạnh đó, nỗi lo về môi trường, du lịch biển đầy tiềm năng của Ninh Thuận có chắc chắn được an toàn khi nhà máy thép tầm cỡ Formosa được xây dựng tại đây? Năng lực xử lý chất thải được tính toán thế nào để xử lý lượng nước thải khổng lồ và những chất thải độc hại phát sinh trong quá trình luyện thép? Tất cả do chưa có thông tin nên dư luận vẫn đặt ra những dấu hỏi.

Do đó, theo các chuyên gia trước khi có quyết định cần phải thẩm định, xem xét kỹ lưỡng về năng lực thật sự của nhà đầu tư, cần có Hội đồng Quốc gia, thậm chí thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để làm rõ vấn đề về môi trường và các thiết bị công nghệ. Nếu không thì dễ dẫn đến khả năng ở Ninh Thuận sẽ có "Formosa" thứ hai vì sản xuất thép không chỉ ô nhiễm nước mà còn ô nhiễm chất thải rắn và khí nữa…

 Nguyễn Thoa

 

NTD So 65 (260)_Page_16
 

Bình luận

Nổi bật

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 09:34

(CL&CS) - “Tôi tin rằng với chiến lược kinh doanh phù hợp, kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, Gỗ Đức Thành sẽ lại “vượt bão” thành công”, đó là thông điệp của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành trong năm 2024.

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

Tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại TP.HCM ngày càn trầm trọng hơn. Dự báo trong tương lai gần, giá nhà ở tại TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao, người dân TP.HCM sẽ ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

(CL&CS)- Vừa qua, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt kết hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đã trao tặng 1.000 lon sữa FAMNA với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em khó khăn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.