TPP trước ngưỡng quyết định

(NTD) - Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đứng trước thời khắc quan trọng và dự báo sẽ được chốt trong năm nay. Đối với Việt Nam, thuận lợi từ TPP là khá lớn nhưng nó cũng không chỉ toàn màu hồng.

Sau 4 ngày đàm phán tại Hawaii (Mỹ), vòng đàm phán cấp Bộ trưởng Thương mại về TPP vừa kết thúc mà chưa thể đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, hầu hết các trang tin kinh tế lớn đều trích dẫn ý kiến lạc quan của Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản - ông Akima Amari cho rằng: “Các bên đã tiến rất gần tới một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa là có thể hoàn tất công việc”. Theo đó, nhiều khả năng vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 này.

TTP1
 

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Trong một bài phát biểu gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Cách đây gần 2 tháng, Bộ Công Thương đã làm việc với lưỡng viện Hoa Kỳ về TPP. Chúng ta đang trên một con thuyền, hãy cùng tay chèo để hướng đến những đại dương lớn”.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Charles H.Rivkin, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách kinh tế và thương mại khẳng định, TPP sẽ mở ra vô vàn kênh hợp tác thương mại để khai thác hết mọi tiềm năng của 12 nước tham gia TPP bao gồm cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Mặc dù Việt Nam là một trong những nền kinh tế nhỏ nhất trong 12 quốc gia đang đàm phán TPP nhưng một khi gia nhập, tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ cực kỳ ấn tượng. “Nếu tham gia TPP, trong 10 năm tới mức tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên đến 30%, đây là một điều ngoài sức tưởng tượng”, ông Charles nói.

Mặc dù đến thời điểm này, TPP chưa chính thức được thông qua nhưng ông Charles cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cố gắng cùng các bên tham gia Hiệp định hoàn tất các điều khoản để TPP được ký kết trong thời gian sớm nhất, có thể là ngay trong năm nay. Đặc biệt, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cách đây 20 năm chỉ đạt 450 triệu USD nhưng hiện đã xấp xỉ 40 tỷ USD, tăng hơn 100 lần trong 2 thập niên qua. Do đó, thương mại 2 nước chắc chắn sẽ tăng trưởng vượt bậc nếu TPP được hoàn tất.

Trong nhóm 12 quốc gia đàm phán TPP, Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới với hơn 28.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số lượng này chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Thế nhưng trong số 19.000 tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, chỉ 1% nhóm doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu. Vì vậy, ưu điểm lớn nhất mà TPP mang lại sau khi được ký kết là việc dỡ bỏ hàng rào phi thế quan, điều này sẽ tác động rất lớn đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam.

“Tôi biết xương sống của nền kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, TPP có thể tạo điều kiện để khối doanh nghiệp này vươn lên, giúp họ có cơ hội lần đầu tiên xuất khẩu hàng hóa sang những nước khác, điều mà trước đây họ chưa thể làm được”, ông Charles nhận định.

Không ít thách thức

Tại Hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ kinh tế” vừa được tổ chức tại TP.HCM, với nhận định thận trọng hơn, ông Phạm Phú Ngọc Trai, CEO đầu tiên của Pepsico Việt Nam, hiện là Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng, cơ hội đến từ TPP rất lớn, nhưng cũng lắm thách thức. “Thách thức lớn nhất nằm ngay trong nguyên tắc hàng đầu của TPP, đó là cạnh tranh bình đẳng. Nhưng đó sẽ là cuộc chơi không bình đẳng giữa các nền kinh tế có quy mô khác nhau”, ông Trai giải thích.

Một thách thức khác đối với Việt Nam là các nhà đầu tư Hoa Kỳ khi quyết định đầu tư ở bất cứ nơi nào đều mong muốn tính minh bạch, khả năng dự báo và tính thượng tôn pháp luật cao. Khi Việt Nam ký kết TPP chắc chắn sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thế giới đặc biệt là Hoa Kỳ.

Mới đây, lần đầu tiên, một nghiên cứu định lượng về tác động của TPP đến kinh tế vĩ mô Việt Nam đã được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố.

Theo đó, GDP Việt Nam sẽ tăng tới 2% nếu gia nhập TPP, trong khi mức thay đổi của các quốc gia còn lại đều dưới 1%; đầu tư toàn xã hội cũng sẽ tăng tới 30%. Đáng chú ý, nghiên cứu này cũng chỉ ra 6 tác động lớn nhất của TPP đến nền kinh tế Việt Nam, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR.

Trước tiên, nhập khẩu của Việt Nam sẽ gia tăng, trong khi xuất khẩu sẽ có xu hướng giảm. Khi TPP được triển khai, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về mức 0%, khiến cho doanh thu về thuế sẽ sụt giảm. Tiếp đến, việc tham gia TPP không chỉ đòi hỏi các nước tham gia cắt giảm các hàng rào thuế quan mà còn đòi hỏi cắt giảm những hàng rào phi thuế quan như các chi phí vận chuyển, thủ tục nhập khẩu… Thách thức kế tiếp là TPP khẳng định sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, song song với việc tự do hóa thị trường đối với các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai.

Một thực tế khác dự kiến sẽ diễn ra là 11 nước thành viên TPP còn lại cũng sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình.

Như vậy, trước mắt, các thách thức đối với Việt Nam sau khi gia nhập TPP là không hề nhỏ, nên chắc chắn hành trình thực thi TPP trong thời gian tới sẽ có “hoa hồng” và cả “gai nhọn”. Ngưỡng lịch sử để ký kết TPP càng tới gần bao nhiêu thì Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước càng cần phải chuẩn bị nội lực thật kỹ lưỡng bấy nhiêu.

TTP
 

“20 năm trước chúng ta không ngờ có đến những kết quả của ngày hôm nay. Sắp tới chúng ta sẽ củng cố những khía cạnh mà chúng ta đã và đang hợp tác, đồng thời mở rộng sự hợp tác để chủ động giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới. Tương lai của chúng ta là vô tận”, bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM.

TTP3
 

“Trước thềm TPP có thể được ký kết vào năm nay, chúng ta hy vọng sẽ có đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như đường biển nối liền 2 nước mà không cần phải qua một nước thứ ba nào khác. Các hoạt động giao thương kinh tế và thương mại của 2 quốc gia đang bước vào một giai đoạn sống động và thực chất hơn bao giờ hết”, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

TTP2
 

“Dân số của Trung Quốc gấp 15 lần của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ chỉ kém Trung Quốc có 4 lần, đạt 9,8 tỷ USD vào năm 2014. Nếu thuế suất về 0% khi TPP có hiệu lực sẽ là lợi thế rất lớn cho DN, ít nhất ngành dệt may có thể phát triển thị phần gấp đôi tại Hoa Kỳ trong 10 năm tới”, ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

 Vĩnh Bảo - Tạ Phúc

Bình luận

Nổi bật

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 09:34

(CL&CS) - “Tôi tin rằng với chiến lược kinh doanh phù hợp, kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, Gỗ Đức Thành sẽ lại “vượt bão” thành công”, đó là thông điệp của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành trong năm 2024.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 13:37

(CL&CS)- Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc.

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:09

(CL&CS) - Trong 34 năm, Saigon Co.op không ngừng phát triển và đổi mới liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu, mang đến chất lượng và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng…