Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Bất động sản CRV tham gia đấu thầu dự án 940 tỷ đồng tại Hưng Yên trước thềm lên sàn chứng khoán

(CL&CS) - Bất động sản CRV tham gia đấu thầu dự án 940 tỷ đồng tại Hưng Yên trước thềm lên sàn chứng khoán; Giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao; TP HCM đền bù gần cao nhất hơn 800 triệu đồng/m2 đất khi thu hồi đất; Nhà đầu tư quay lại đầu tư chung cư; Xây dựng Hòa Bình muốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào hai dự án tại Úc và Canada;…là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Bất động sản CRV tham gia đấu thầu dự án 940 tỷ đồng tại Hưng Yên trước thềm lên sàn chứng khoán

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên vừa hoàn thành mở thầu dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở thương mại 319 tại xã Tân Lập và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ với hai doanh nghiệp tham gia đấu thầu là CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV và CTCP Đầu tư và Xây dựng Yên Mỹ.

Đây là dự án có diện tích đất khoảng 9,3 ha, dự kiến cung cấp ra thị trường 272 căn nhà ở liền kề và 56 căn biệt thự, quy mô dân số khoảng 1.296 người. Tổng vốn đầu tư tạm tính của dự án là hơn 942 tỷ đồng, nguồn vốn là từ vốn tự có của doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Đáng chú ý trong hai nhà đầu tư đăng ký tham gia thầu là trường hợp của CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV (BĐS CRV), đây là công ty con do CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán: TCH) nắm 60,331% tỷ lệ lợi ích và 81,668% tỷ lệ quyền biểu quyết (tính thời thời điểm ngày 30/6).

Bất động sản CRV (công ty con của Tài Chính Hoàng Huy – Mã CK: TCH) tham gia đấu thầu dự án 940 tỷ tại Hưng Yên.  

Đây cũng là doanh nghiệp được Tài chính Hoàng Huy định hướng tái cấu trúc để trở thành đơn vị chuyên đầu tư phát triển dự án bất động sản trong hệ sinh thái của doanh nghiệp thông qua kế hoạch chuyển nhượng hàng loạt dự án Hoàng Huy New City, dự án Hoàng Huy Green River, dự án Hoang Huy Commerce (thông qua chuyển nhượng CTCP PHát triển Nhà Đại Lộc) hay dự án Hoàng Huy - Sở Dầu (thông qua chuyển nhượng CTCP Xây dựng Đại Thịnh Vượng).

Hiện, vốn điều lệ của BĐS CRV là hơn 6.724 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng đang thực hiện kế hoạch niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Cụ thể, tháng 6 vừa qua, HOSE cho biết đã nhận được hồ sơ niêm yết 672,4 triệu cổ phiếu của đơn vị này. Trước đó, vào đầu năm nay, BĐS CRV cũng có thông báo chính thức trở thành công ty đại chúng và lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao

Savills cho biết, riêng trong quý II/2022 toàn thị trường Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý, 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý, 49% theo năm.

Bà Đỗ Thu Hằng -  Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội nhấn mạnh, trong quý I/2018, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự hạng A Hà Nội là 65 triệu đồng/m2 nhưng đến nay ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự Hà Nội đạt 134 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện mức giá cao kỷ lục là 569 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Trong đó, giá biệt thự tăng 37%, shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. Đáng chú ý, so với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.

Mặc dù giá phân khúc này tăng cao nhưng thanh khoản lại khá “ảm đạm”. Minh chứng là lượng giao dịch giảm 55% theo quý, 72% theo năm khi chỉ có 302 giao dịch được ghi nhận tính đến quý II/2022; tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14% theo quý, 25% theo năm; tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.

Đồng thời, theo thống kế của Batdongsan.com.vn trước đó cũng cho thấy, mức độ quan tâm, tìm kiếm của người mua đối với phân khúc biệt thự, liền kề giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021 và 14% đối với shophouse.

TP HCM đền bù gần cao nhất hơn 800 triệu đồng/m2 đất khi thu hồi đất

UBND TP HCM vừa ban hành quyết định số 28/QĐ-UBND về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn trong năm 2022.

Theo đó, đất ở TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè có hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất, gấp 15 lần bảng giá đất hiện hành của Nhà nước.

Tất cả các quận huyện trên địa bàn đều có hệ số điều chỉnh giá tăng 2-15 lần, trong khi đất nông nghiệp có mức tăng từ 5-35 lần, theo bảng giá mới được TP HCM công bố. Các vị trí, đơn giá đất các vị trí đất nông nghiệp được áp dụng theo quy định về Bảng giá đất trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2024. Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10 và 11 có hệ số giá đất nông nghiệp cao nhất.

Về đất phi nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá đất sản xuất, kinh doanh không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp được bằng 60% giá đất ở liền kề.

Đối với đất ở không phải là đất ở thương mại, dịch vụ được tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Còn đất nghĩa trang, nghĩa địa, giáo dục, y tế, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian tính bằng 60% giá đất ở liền kề.

Các loại hình đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ được bồi thường theo vị trí. Cụ thể, vị trí 1 là đất mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất 1 mặt giáp với đường được quy định trong bảng giá đất. Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất 1 mặt tiếp giáp với hẻm rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0,5 của vị trí 1.

Vị trí 3 áp dụng các thửa đất như vị trí 2 nhưng hẻm có độ rộng từ 3 đến dưới 5m tính bằng 0,8 vị trí 2. Các thửa đất còn lại là vị trí 4, tính bằng 0,8 của vị trí 3.

Theo hệ số điều chỉnh mới, giá đất thương lượng bồi thường ở một số con đường tiêu biểu tại TP HCM sẽ tăng.

Đơn cử như đất ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi sẽ có giá thương lượng bồi thường khoảng 648-810 triệu đồng/m2, thay vì giá Nhà nước 162 triệu đồng/m2 như trước đây. Đây cũng là mức giá cao nhất đối với đất ở tại TP HCM.

Nhà đầu tư quay lại đầu tư chung cư

Giá căn hộ Hà Nội tăng mạnh đã kéo theo làn sóng đầu tư căn hộ chung cư vốn đã thoái trào trong khoảng 3 năm qua. Anh Phạm Văn Xuân, môi giới bất động sản chuyên bán căn hộ chung cư Hà Đông cho biết bên cạnh khách tìm mua căn hộ để ở, thì từ khoảng 2 năm nay, lượng khách mua căn hộ đầu tư đang tăng lên. Nhóm khách đầu tư mua với mục đích cho thuê trong ngắn hạn hoặc để đó và chỉ tầm khoảng một năm là đã rao bán để kiếm lời. Với tốc độ tăng giá của căn hộ Hà Nội trong những năm gần đây, một nhà đầu tư có thể lời chênh 100-500 triệu đồng/căn hộ trong 1 đến 2 năm.

Giá căn hộ tăng mạnh, nhà đầu tư quay lại đầu tư chung cư tại Hà Nội.  

Chị Lê Thị Thơ, môi giới bán căn hộ chung cư Cầu Giấy cũng thừa nhận thực tế này khi chỉ 2 năm qua, trong số các khách hàng chị làm việc, số lượng người mua với mục đích đầu tư đang tăng lên. “Có những nhà đầu tư có thông tin nên có tầm nhìn rất rõ ràng, ở thời điểm mua, họ nắm được thực trạng vài năm tới, nguồn cung chung cư mới của thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục khan hiếm nên sẵn sàng mua gom một số căn hộ giá tốt ở một số dự án có vị trí đẹp rồi cho thuê tầm 1 năm, hoặc chỉ cần có khách trả giá cao, họ sẵn sàng phá hợp đồng thuê để bán nhà”, chị Thơ chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Phương Linh (Gốc Đề, Minh Khai, Hai Bà Trưng), một người chuyên đầu tư đất nền cũng đã bắt đầu chuyển sang đầu tư căn hộ trong hơn 2 năm nay. Cách thức đầu tư của bà Linh là “lướt ngắn” trong vài tháng, lâu nhất là 1-1,5 năm. Các căn hộ khi mua lại, bà sẽ tân trang, làm nội thất để bán được giá cao. Bà chấp nhận lãi ít mỗi căn chỉ tầm khoảng 70-100 triệu sau khi trừ tất cả chi phí. “Việc bán nhanh, lãi ít giúp tôi tiếp tục có vốn, xoay vòng đầu tư chỗ khác. Nhờ cách làm này mà 2 năm qua, lợi nhuận tôi thu về không thua kém việc đầu tư đất nền”, bà Linh cho biết.

Nha Trang bác bỏ đề xuất giữ lại khu nghỉ mát chắn biển Ana Mandara

Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara.  

Theo thông tin từ báo Khánh Hòa, chiều 25/8, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản phản hồi thông tin 'Nha Trang đề xuất giữ lại khu resort chắn biển Ana Madara'. Theo đó, UBND TP. Nha Trang khẳng định không đề xuất giữ lại khu nghỉ mát Ana Mandara (phía Đông đường Trần Phú, Nha Trang) như một số báo đã đăng.

Trong văn bản phản hồi gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang cho rằng, nội dung các bài báo này được cắt ghép từ văn bản số 5800/UBND-QLĐT ngày 17-8-2022 về việc giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa về phương án sau khi dừng đón khách lưu trú tại Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara Nha Trang.

Tuy nhiên, tựa đề và tinh thần bài viết dễ gây hiểu nhầm và tạo dư luận xấu đối với công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Thực tế, nội dung văn bản số 5800/UBND-QLĐT là ý kiến góp ý của UBND TP. Nha Trang về quy hoạch và phương án đề xuất của Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa về việc xem xét trong quá trình tháo dỡ di dời Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara được giữ lại một số hạng mục công trình phù hợp cho việc tổ chức các điểm dịch vụ công cộng đan xen trong không gian công viên để cung cấp dịch vụ và tiện ích cho người sử dụng bãi tắm, sử dụng công viên, tăng sự sống động và tần suất sử dụng công viên, nhưng vẫn không chia cắt không gian, đảm bảo khả năng liên kết liên tục dọc theo công viên. Trong văn bản này, không có nội dung nào liên quan đến việc đề xuất giữ lại Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara.

Xây dựng Hòa Bình muốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào hai dự án tại Úc và Canada?

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua chủ trương đầu tư vào các dự án nước ngoài.

Cụ thể, công ty sẽ đầu tư vào dự án 88 James tại Canada do Elite Developments Group làm chủ đầu tư, tổng số vốn đầu tư 4 triệu CAD (tỷ giá tính tại thời điểm thực tế đầu tư) (tương đương khoảng 72 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). 

Dự án thứ hai là Regent Street tại Úc do Công ty Brightlands Property Fund & Freedom Development Group làm chủ đầu tư, tổng số vốn đầu tư là 2 triệu CAD (tỷ giá tính tại thời điểm thực tế đầu tư) (tương đương khoảng 36 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).  

Tổng cộng số tiền Hòa Bình dự kiến bỏ ra để đầu tư hai dự án là 6 triệu CAD (tương đương 108 tỷ đồng). Nếu thực hiện được chiến lược nói trên, Hòa Bình dự kiến doanh thu và lãi sau thuế năm 2032 sẽ đạt 18,6 tỷ USD và gần 1 tỷ USD.

Theo Hòa Bình, trong 10 năm tới, công ty sẽ tăng vay vốn ngân hàng trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu và cổ phiếu chủ yếu để tài trợ cho chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài.

Hiện, Hòa Bình có 10 dự án nhiều khả năng sẽ đầu tư và trúng thầu, trong đó có 4 dự án sẽ triển khai trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023; 2024.

TP HCM tạm dừng đầu tư dự án nhà hát ngàn tỷ ở Thủ Thiêm

Sở Kế hoạch-Đầu Tư TP.HCM (KH-ĐT) vừa có báo cáo gửi Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP.

Theo Sở KH-ĐT, qua rà soát từ năm 2015 đến nay, có 678 dự án chậm triển khai, trong đó có 2 dự án sẽ tạm ngừng thực hiện, gồm: dự án nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là nhà hát Thủ Thiêm) và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư nhà hát Thủ Thiêm), xét về nhu cầu thì cần có nhà hát. Tuy nhiên, trong bối cảnh TP vừa chịu tác động của dịch Covid-19 thì chưa xem xét đầu tư dự án này, mà cần ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.

Ban đầu, nhà hát Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách thành phố là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2024.

Nhà hát Thủ Thiêm có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.

Bảo Châu (t/h)

Bình luận

Nổi bật

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:59

Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bất động sản công nghiệp (BĐS KCN) đang trở thành một "miền đất hứa" thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.