Dữ liệu cũ
Thứ năm, 19/11/2015, 11:00 AM

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 3 điểm trong quan hệ với Trung Quốc

(NTD) - Đây là một trong số nhiều nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giải trình và trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng ngày 18/11.

3 điểm nhấn trong quan hệ Việt - Trung

Trả lời câu hỏi của các Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trương Trọng Nghĩa,  về một số vấn đề về tranh chấp chủ quyền,  diễn biến phức tạp trên biển Đông và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo Quốc hội về các vấn đề này. Quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp, đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta phải tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tôi xin không nhắc lại mà chỉ nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

- Chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.

- Đồng thời, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta. Cũng như Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các cam kết khu vực, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và Tuyên bố giữa ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC). 

- Đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, phải tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Cộng đồng quốc tế đối với chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4b6c4e95-4b1d-4530-ad79-429d32428da2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình và trả lời chất vấn đại biểu QH tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Đức Nguyễn.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện, Thủ tướng giải thích:

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sáchphân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ môi trường.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường. Đồng thời, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lựcmạnh mẽ và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện nội dung nêu trên, Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thi hành Hiến pháp và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển chophù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trườnghàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại; chú trọng các loại thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản… Chủ động mở cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tếgắn với nâng cao năng suất lao động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.

- Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt lạm phát; cơ cấu lại phù hợp thu chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi, quản lý hiệu quả nợ công, nợ xấu, bảo đảm an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. Tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả.

- Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế. Riêng đối với những hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu (bao gồm cả dịch vụ y tế, giáo dục), kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá; đồng thời hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện cơ chế thị trường đối với cung cấp các dịch vụ công. Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách được thụ hưởng. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công. Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết phù hợp với kinh tế thị trường.Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển. Kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong cơ chế thị trường; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.

Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học công nghệ. Thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững, quản lý tài nguyên, cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh cải cách hành chính. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động,trách nhiệm, phục vụ nhân dân. Nỗ lực xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể nhân dân, của mọi người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp… trong tham gia xây dựng, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dântrong kinh tế thị trường.

3. Về triển khai thực hiện Chương trình nghị sự2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển bền vững

Năm 2000, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc đã ra Tuyên bố, xác lập 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, trong 15 năm qua Việt Nam đã nỗ lực thực hiện và hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2015, Việt Nam được đánh giá là một trong 6 quốc gia hoàn thành trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện Mục tiêu giảm nghèo, trong khi mục tiêu này vẫn còn là một thách thức lớn của toàn cầu(theo Chương trình phát triển của Liên hợp quốc(UNDP), hiện nay trên thế giới vẫn có 1,4 tỷ người đang phải sống trong nghèo cùng cực, trong đó hơn 900 triệu người phải chịu đói triền miên). Chúng ta cũng đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em; kiểm soát sốt rét và bệnh lao; đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS; và đạt được nhiều tiến bộ về phổ cập tiếp cận các dịch vụ y tế, tăng cường sức khỏe bà mẹ và bảo đảm bền vững môi trường, thiết lập mối quan hệ toàn cầu vì sự phát triển.

Đạt được thành tựu nêu trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ nhiều quốc gia và các cá nhân, tổ chức quốc tế. Đặc biệt là chúng ta đã kiên trì, nhất quán thực hiện quan điểm tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong từng bước, từng chính sách phát triển và luôn coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu của sự phát triển.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc tháng 9/2015, Lãnh đạo 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững. Với kết quả đã đạt được và kinh nghiệm thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) trong những năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực ngay từ đầu vào quá trình xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc sau năm 2015. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Chương trình nghị sự 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, vì lợi ích của mọi người trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau; bao gồm 17 mục tiêu, đó là: (1) Xóa nghèo dưới mọi hình thức và ở mọi nơi;  (2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; (3) Bảo đảm sức khỏe và sống khỏe mạnh cho mọi người; (4) Bảo đảm chất lượng giáo dục, công bằng, toàn diện và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; (5) Bảo đảm bình đẳng giới; (6) Bảo đảm nước sạch và vệ sinh cho mọi người; (7) Bảo đảm mọi người được sử dụng năng lượng sạch và phù hợp với khả năng chi trả; (8) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và việc làm phù hợp cho mọi người; (9) Xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững và khuyến khích đổi mới sáng tạo; (10) Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; (11) Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư đồng bộ, an toàn, bền vững và thân thiện; (12) Sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm và bền vững; (13) Ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; (14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển; (15) Quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái tài nguyên đất, bảo tồn đa dạng sinh học; (16) Thúc đẩy hòa bình, công lý, tăng cường thể chế quốc gia và toàn cầu; (17) Đổi mới và nâng cao hiệu quả quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững. 17 mục tiêunêu trên được xác định cụ thể bằng 169 chỉ tiêu.

Những mục tiêu nêu trên phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo, phát triển xanh, môi trường sống trong sạchvà bền vững. Đó cũng là khát vọng của nhân dân ta, phù hợp với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phát triển nhanh - bền vững, dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Liên hợp quốc đang tiếp tục thảo luận về phương thức thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và triển khai xây dựng các hướng dẫn, hệ thống chỉ số theo dõi, giám sát; dự kiến đầu năm 2016 sẽ hoàn thành và cung cấp cho các nước thành viên.

Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quảChương trình nghị sự 2030. Đây vừa là mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, vừa là đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của toàn cầu. Với tinh thần đó, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình tổng thể cho giai đoạn 15 năm, kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm, trong đó xác định những mục tiêu ưu tiên, những trọng tâm, trọng điểm theo một lộ trình phù hợp. Lồng ghép hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Tham khảo, vận dụng hệ thống chỉ số và các hướng dẫn của Liên hợp quốc để xác định chỉ tiêu phù hợp và tổ chức quản lý, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Cùng với việc phát huy nội lực, phải đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Đồng thời tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của toàn xã hội. Chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để thực hiện ngày càng tốt hơn Chương trình nghị sự này của Liên hợp quốc, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển bền vững là vấn đề mới, có phạm vi rộng lớn, đề cập đến rất nhiều lĩnh vực và mang tính toàn cầu, được Quốc hội và đồng chí đồng bào cử tri cả nước rất quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận được chất vấn của các vị Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Hà Sỹ Đồng, Trịnh Ngọc Phương về vấn đề này.

Tin tức mới nhất mời bạn đọc xem thêm tại đây.

Đức Nguyễn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.