Thứ tư, 23/08/2023, 06:45 AM

Thủ đoạn buôn lậu qua đường hàng không ngày càng tinh vi

(CL&CS) - Ban Chỉ đạo 389 TPHCM, tình hình buôn lậu qua cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là ma túy, tiền chất có xu hướng gia tăng mạnh cả về tính chất và mức độ vào những tháng cuối năm 2023.

Ma túy cất giấu tinh vi trong nắp hộp bằng carton do Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện. Ảnh: H.T

Ma túy cất giấu tinh vi trong nắp hộp bằng carton do Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện. Ảnh: H.T

Thuê người làm giám đốc doanh nghiệp

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 TPHCM, tình hình buôn lậu qua cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao.

Theo đánh giá của lực lượng chống buôn lậu TPHCM, do đặc điểm của địa bàn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có nhiều cửa, cổng ra vào, nhiều kho hàng nằm riêng biệt, lượng người đến và đi rất lớn… Các đối tượng tìm đủ các phương thức thủ đoạn từ cất giấu, ngụy trang cho đến công khai để đưa hàng lậu vào Việt Nam. Bên cạnh đó các đối tượng lợi dụng các công ty chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu về Việt Nam. Do các công ty này nằm tại địa điểm riêng biệt, lượng hàng về trong ngày rất lớn, có sự tiếp tay của nhân viên làm việc tại đây nên gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát, phát hiện của lực lượng chức năng.

Phương thức thủ đoạn chính của các đối tượng là lợi dụng khả năng xử lý, phân luồng 24/24 của hệ thống tự động để thực hiện thông quan hàng hóa vào thời gian nhạy cảm (ngày lễ, tết) nhằm trốn tránh sự giám sát, kiểm soát hải quan.

Hàng xuất khẩu khi được phân luồng miễn kiểm tra thực tế, đối tượng có thể trà trộn, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa khai báo, sử dụng địa chỉ giả gửi hàng thông qua các dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan.

Đáng chú ý, các đối tượng thành lập nhiều công ty thuê người đứng tên làm giám đốc để thực hiện hành vi buôn lậu. Khi hàng hóa về đến sân bay Tân Sơn Nhất, thuê các công ty dịch vụ giao nhận đứng ra làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì bỏ trốn, trong khi các đối tượng đứng tên giám đốc thuê, các đối tượng giao nhận hoàn toàn không biết mặt hoặc không có thông tin về đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma tuý khai thác hình thức gửi qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh, ma tuý được giấu trong hàng hoá là quà biếu, hàng phi mậu dịch… có khoang rỗng như máy móc, loa kéo, đèn led, trong các tấm mút xốp dùng để bao gói thiết bị điện tử, quạt hộp; ngụy trang ma túy trong các chai, hộp mỹ phẩm, dầu gội, bọt cạo râu, xà bông, bánh kẹo, hộp sữa, bột thức ăn, Milo, găng tay cao su y tế.

Gần 100 vụ vi phạm được ngăn chặn

Để che giấu thân phận nếu bị phát hiện, đối với hàng hóa nhập khẩu được ghi địa chỉ người nhận không rõ ràng, thay đổi địa chỉ hoặc từ chối nhận hàng khi cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ... gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý vi phạm.

Đối với hàng xuất khẩu, đối tượng thường sử dụng các mạng xã hội để liên lạc với các đơn vị vận chuyển, sử dụng các dịch vụ giao hàng công nghệ, do đó rất khó truy xét nên chúng không hề sợ hãi mà vẫn tiếp tục thực hiện vận chuyển bằng những thủ đoạn cũ. Đối với hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, các đối tượng cất giấu ma túy như ép ma túy vào thành bìa carton, bìa sách truyện tranh, khung hình, thành vali, vali hai đáy, trong các sản phẩm như kem đánh răng, nuốt trong người... Chúng thường thuê đối tượng để vận chuyển là nhóm người có quốc tịch thuộc các quốc gia khu vực Đông Nam Á nhằm miễn thị thực nhập cảnh khi vào Việt Nam (người Lào, Thái Lan).

Xác định được tuyến trọng điểm, Ban Chỉ đạo 389 TPHCM đã xây dựng kế hoạch và triển khai, phân công thực hiện cho các thành viên tập trung lực lượng, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm mọi hoạt động buôn lậu của các đối tượng.

Các thủ đoạn buôn lậu tinh vi của các đối tượng đã bị lực lượng Hải quan và các lực lượng phối hợp phát hiện kịp thời. Trong hơn nửa đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TPHCM đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 100 vụ vi phạm về vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong đó, Cục Hải quan TPHCM bắt giữ, xử lý 90 vụ vi phạm (73 vụ vi phạm về hàng nhập lậu, gian lận thương mại và 17 vụ ma túy), phạt hành chính: trên 820 đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 23 tỷ đồng, tạm giữ 38 kg ma túy các loại và 4,450 gam cần sa.

Công an TPHCM đã phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan phát hiện 6 vụ, 9 đối tượng buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó xử lý hình sự 4 vụ, 7 bị can.

Cục quản lý thị trường TPHCM bắt giữ, xử lý: 1 vụ vi phạm về hàng nhập lậu, phạt hành chính 90 triệu đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 392 triệu đồng, tịch thu 1.835 kg và 22.097 đơn vị sản phẩm gồm vải, simili, ống nhựa, phụ liệu may mặc, thanh kim loại, miếng lót đế giày, vải may phần thân giày...

Dự báo trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid - 19 đã được kiểm soát cùng với việc tái đầu tư mở cửa khai thác các tuyến đường bay của các Cảng hàng không ở Việt Nam và yêu cầu đòi hỏi đơn giản hóa các thủ tục hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa... làm cho tình hình mua bán, buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa có giá trị cao đặc biệt là ma túy, tiền chất qua đường hàng không, chuyển phát nhanh có xu hướng gia tăng mạnh cả về tính chất và mức độ vào những tháng cuối năm 2023. Chính vì thế, các lực lượng chống buôn lậu đang tiếp tục triển khai các kế hoạch, chuyên án đã được xây dựng, đồng thời tăng cường giải pháp trong thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam bị thu hồi tại Singapore

Một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam bị thu hồi tại Singapore

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Theo quy định về thực phẩm của Singapore, các sản phẩm thực phẩm có chứa bất kỳ thành phần nào có thể gây mẫn cảm cho người tiêu dùng đều phải được ghi rõ trên bao bì thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua, bán hàng có giá trị lớn trên không gian mạng

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua, bán hàng có giá trị lớn trên không gian mạng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:18

(CL&CS) - Thời gian qua, trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua, bán hàng hóa có giá trị lớn trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, gây tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân.

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 10:21

(CL&CS) - Ngày 17/4/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo.