Thông tư 03 về cơ cấu lại nợ: Dịch COVID-19 bùng phát, Thông tư vừa ban hành đã vướng!
(CL&CS) - Ra đời thay thế Thông tư 01/2020/TT-NHNN (TT01), nhưng ngay khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (TT03) có hiệu lực, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh khiến cho những hướng dẫn của TT 03 đã trở nên lạc hậu…
Trên 50% dư nợ bị ảnh hưởng
Chia sẻ về quá trình ban hành TT 03 sửa đổi, bổ sung một số điều TT 01 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tại Tọa đàm trực tuyến nhằm trao đổi về các vướng mắc trong quá trình thực hiện TT 03 và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn do VNBA tổ chức hôm 5/8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết, khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam vào đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời ban hành TT 01 (tháng 3/2020). Trong quá trình triển khai TT 01 đã có những vướng mắc trong cả làn sóng đại dịch thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Khi dịch COVID-19 gần kết thúc làn sóng thứ ba, NHNN mới ban hành TT 03 (ngày 2/4/2021).
TT 03 có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 với 2 nội dung đáng chú ý là mở rộng phạm vi các khoản dư nợ được phép giữ nguyên nhóm nợ và lên lộ trình trích lập dự phòng rủi ro 3 năm cho các khoản nợ tái cơ cấu.
“Tuy nhiên, chưa được 2 tháng thì làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã xảy ra, với diễn biến phức tạp và để lại nhiều hệ lụy hết sức nặng nề cho xã hội và cho nền kinh tế, với DN và với chính các TCTD. Nếu không sửa đổi Thông tư 03 kịp thời thì sẽ rất khó khăn, vướng mắc cho TCTD và khách hàng thực hiện…”- Tổng thư ký VNBA nhấn mạnh
Cũng theo Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, sơ bộ tổng hợp từ 14 tổ chức hội viên của VNBA cho thấy, từ ngày 10/6/2021 đến nay, có hơn 600 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng trên tổng dư nợ thực tế là hơn 1.190 nghìn tỷ đồng (50,4%)
“Như vậy, ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư là rất lớn. Hệ quả của đại dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các TCTD và cộng đồng DN. Các khoản nợ này đủ điều kiện cơ cấu nợ nhưng lại không thể thực hiện vì thời gian quy định là dư nợ trước ngày 10/6/2020 mới được cơ cấu...”- Ông Hung nêu vấn đề.
Cũng theo Tổng thư ký VNBA, các ngân hàng cũng được yêu cầu phải giảm lãi, giảm phí nhưng nếu không cơ cấu nợ kịp thời thì khoản nợ chuyển thành nợ xấu, việc giảm lãi, phí không có tác dụng, ngân hàng không thu được nợ gốc chứ chưa nói đến nợ lãi...
“Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, cấp bách cho các DN và TCTD. Qua tổng hợp ý kiến từ các tổ chức hội viên, VNBA ghi nhận nhiều nội dung còn vướng mắc trong việc thực hiện TT 03 như cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ sau ngày 10/06/2020...”- Ông Hùng cho hay.
Ngân hàng đụng đâu cũng vướng!
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế thuộc VNBA, có 12 nội dung vướng mắc trong việc thực hiện TT 03, như: Về tính số lần cơ cấu nợ của khoản nợ; Quy định cơ cấu khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2021; Quy định cơ cấu nợ đối với khoản nợ quá hạn đến 10 ngày; Thời gian được gia hạn của các khoản nợ cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Trích lập dự phòng rủi ro; Hỗ trợ đối với khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh lần thứ tư (khách hàng bị phong tỏa); Các khoản nợ thực hiện miễn, giảm lãi theo TT 03; Khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu; tiếp cận cơ cấu nợ theo khách hàng thay vì theo dự nợ/khoản vay; xếp hạng TCTD...
Chia sẻ cụ thể hơn, đại diện BIDV cho biết, TT 03 quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể dự kiến thời điểm kết thúc. Do vậy, đề nghị sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoản thời gian đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.
Cũng theo đại diện BIDV, việc "giới hạn thời gian cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ thời điểm cơ cấu nợ", gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng và không còn phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng trong thời gian dài như hiện nay. "Nếu chúng ta tiếp tục làm theo TT 03 đối với khoản thu dài hạn thì riêng trong năm 2022, khách hàng không thể hoàn trả được nợ. Như vậy, để đảm bảo tính thực tiễn, chúng ta nên thực hiện theo tinh thần của TT 01 đó là giãn số tiền này sang kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Cái này sẽ giải quyết được khó khăn vướng mắc mà chúng ta đã thấy và sẽ gặp trong năm 2022"- đại diện BIDV đề nghị .
Theo đại diện VietinBank, đến thời điểm hiện nay ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh lên đến 25-30% danh mục tín dụng. Do đó, nếu TT 03 không được sửa đổi thì thời gian tới chắc chắn ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của VietinBank cũng như các ngân hàng khác. "Mặc dù chúng ta có thể giải thích đã có dự phòng 30% của năm nay và dự phòng trong 3 năm nhưng dự phòng đó (kể cả ngân hàng có trích lập đầy đủ), chắc chắn không thể nào không để lại hệ lụy lớn, không chỉ dừng lại ở con số chúng ta đang tính toán"- vị đại diện VietinBank quả quyết.
Đại diện Agribank cho biết, dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được xác định theo TT 01, TT 03 tại Agribank là trên 200 nghìn tỷ đồng. Còn một lượng lớn dư nợ mà khách hàng gặp khó khăn nhưng do hành lang pháp lý vướng mắc không thể áp dụng TT 03 nên Agribank đã phải sử dụng các giải pháp khác để tháo gỡ. Từ ngày 10/6/2020 đến ngày 31/7/2021, Agribank giải ngân 1,6 triệu tỷ đồng, nếu không được cơ cấu lại nợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Từ thực tế này, đại diện Agribank đề nghị: “Cho phép cơ cấu các khoản nợ sau ngày 10/6/2020, không quy định thời gian cơ cấu nợ là 12 tháng, khoản miễn giảm lãi đề nghị không phải trích lập”.
Đại diện Agribank đề nghị cần xem xét lại thủ tục hỗ trợ khách hàng trong vùng giãn cách xã hội và đang cách ly. Hiện ngân hàng không thu lãi quá hạn đối với khách hàng đang phải cách ly, nhưng về thủ tục, để cơ cấu lại nợ vẫn phải có văn bản đề nghị của khách hàng. Khách hàng có thể nhắn tin gửi yêu cầu tới Agribank để được cơ cấu lại nợ và trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn cách ly, giãn cách xã hội thì phải hoàn thiện hồ sơ. “Đây cũng chính là rủi ro cho ngân hàng nếu sau này có thanh tra, kiểm tra. Do vậy, đề nghị sớm sửa đổi quy định này”.
“Vướng mắc khi thực hiện TT 03 là rất cấp bách và cần phải xử lý ngay!” Đại diện Agtibank nhấn mạnh.
Sửa hay ban hành mới?
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng TT 03 là Thông tư sửa TT 01, do vậy không nên ban hành Thông tư sửa TT 03 mà cần ban hành Thông tư mới.
Để giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các TCTD một cách kịp thời Trổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng đề nghị cần sửa đổi ngay TT 03. “Trong thời gian tiếp theo, cần ban hành một thông tư mới thay thế toàn bộ TT 01, TT 03. Nếu không sửa đổi nhanh, hệ lụy cho ngành Ngân hàng là rất lớn khi dịch đi qua. Việc ban hành các văn bản pháp luật cần có tầm nhìn dài hạn, chứ không nên để tình trạng Thông tư vừa mới ban hành vài tháng đã phải thay thế….”- ông Hùng đề nghị
Cũng theo Tổng thư ký VNBA, trước mắt, VNBA sẽ tổng hợp nội dung và kiến nghị NHNN sửa đổi trong thời gian ngắn nhất nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phải thực thi được. VNBA cũng sẽ theo sát để thông tư được ban hành kịp thời. “Hiệp hội sẽ lấy ý kiến các TCTD, báo cáo NHNN, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ, nhằm chia sẻ khó khăn với hệ thống ngân hàng trong dịch bệnh và đảm bảo an toàn hoạt động”- ông Hùng nhấn mạnh…
Ngân hàng nhà nước nói gì? Tại Tọa đầm, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN ghi nhận toàn bộ các nhóm vấn đề được nêu ra và cũng nhìn nhận việc sửa đổi TT 03 mang tính chất cấp bách, cần làm nhanh để hỗ trợ người dân và khách hàng chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch thứ tư. Vị đại diện này cũng cho biết, Cơ quan Thanh tra giám sát cũng đang tiến hành sửa đổi TT 03 theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN. Dự kiến, việc sửa đổi sẽ chia thành 2 giai đoạn, trong đó: các nhóm vấn đề trong thẩm quyền của NHNN sẽ được triển khai sửa trước (giai đoạn 1); còn các nhóm vấn đề còn lại sẽ được tiến hành sửa đổi theo đúng quy trình, quy định (giai đoạn 2). Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tín dụng cũng đều nhìn nhận các vấn đề nêu ra rất cụ thể, sát với thực tiễn và các cơ quan này sẽ phối hợp với Cơ quan Thanh tra giám sát để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động cho TCTD. |
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Thanh Thanh
Bình luận
Nổi bật
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:08
(CL&CS) - Ngày 20/11/2024, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thông báo tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank từ 75 triệu USD lên 115 triệu USD. Sự kiện này không những tiếp tục khẳng định uy tín của Eximbank trên thị trường tài chính quốc tế mà còn mở ra cơ hội để ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 21:57
(CL&CS) - Trong nhịp sống hiện đại, câu chuyện về việc sở hữu xe ô tô không còn đơn thuần là điều xa xỉ, mà đã trở thành một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh cuộc sống của nhiều gia đình Việt. Hãy cùng tìm hiểu về hành trình này và khám phá giải pháp tài chính thông minh để hiện thực hóa ước mơ sở hữu xe.
Thực hành ESG: Bộ ba tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả và bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng
sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 15:31
(CL&CS) - Hiện nay, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 là một hành trình đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp. Trong đó, các vấn đề về tài chính khí hậu đang là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên toàn cầu.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.