Thứ sáu, 23/08/2024, 17:42 PM

Thị trường carbon - cơ hội hướng đến Net Zero: Phát triển công nghệ phát thải thấp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

(CL&CS) - Ngày 23/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero” được diễn ra với sự với sự tham gia đông đảo của đại diện nhà lập pháp, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp.

 Thị trường carbon là một trong những công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu Net Zero

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam lần đầu tiên cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Mục tiêu này cũng đã được đưa vào Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

net

Quang cảnh Tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero”

Nhà báo Lê Thanh Kim cho biết, thế giới đang chuyển động rất nhanh trong tiến trình phát triển xanh; thúc đẩy chuyển đổi xanh trở thành một nguồn động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Tăng trưởng xanh không còn là lựa chọn, mà là nhu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia hiện nay.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới tăng trưởng xanh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn phát triển này, nhiều chính sách, công cụ thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được ban hành, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển thị trường carbon.

Trong bối cảnh xu thế định giá carbon ngày càng phổ biển và trở thành công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu khí hậu theo cam kết tại Hiệp định Pari về chống biến đồi khí hậu năm 2015, việc vận hành thị trường carbon vừa có ý nghĩa điều chỉnh giảm phát thải, vừa tạo doanh thu để đầu tư cho các mục tiêu khí hậu.

Cũng theo ông Lê Thanh Kim, thống kê cho thấy, đến nay đã có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ký thỏa thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.

Song song với việc thực hiện hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường hấp thụ khí nhà kính trong các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, thì thị trường carbon là một trong những công cụ hữu hiệu để đạt mục tiêu Net Zero.

Theo GS. TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Lâm nghiệp, việc xây dựng và vận hành thị trường carbon có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta nói chung, và với việc thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 nói riêng.

Thị trường tín chỉ Carbon thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững. Từ việc tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải như trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể mua bán tín chỉ carbon với nhau, giúp các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn lực để thực hiện các cam kết khí hậu của mình.

Với việc giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon từ các nguồn khác nếu họ vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp. Điều này khuyến khích họ đầu tư vào các công nghệ sạch và hiệu quả hơn để giảm lượng khí thải, cũng như giúp chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Khi giá carbon tăng, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các phương thức sản xuất ít phát thải hơn.

Ngoài ra, thị trường carbon sẽ thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, tiêu chuẩn tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch và an toàn, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và trồng rừng. Góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu – một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu. 

 Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Quảng Trị là địa phương đầu tiên ở nước ta được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (2010). Đây cũng là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cuối năm ngoái, tỉnh thu về trên 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon và số tiền này đã được chi trả trực tiếp cho bà con ở các tổ bảo vệ rừng tại các thôn bản và các chủ rừng.

Thông tin với báo chí tại buổi tọa đàm, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, cho biết, bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm mua bán tín chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định năm 2022 của Chính phủ. Trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,4 tỉ đồng. Tính riêng Quảng Trị, trong năm 2023, tỉnh này thu về hơn 51 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon.

 Quảng Trị là một trong 5 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình sinh thái Trung Trường Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum), một trong 230 vùng sinh thái toàn cầu và nằm trong 63 vùng chim quan trọng có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu cần được bảo vệ.  Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Dự án: “Bảo tồn, phục hồi và cải thiện dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý”, do Công ty Etifor S.r.l.Benefit Corporation thuộc Đại học Padua (Italia) tài trợ với tổng số vốn 6,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến tháng 2/2028...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7/2024, đã có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ký thoả thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.

Tại Việt Nam, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Theo lộ trình của Chính phủ, năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon trong nước và vận hành chính thức từ năm 2028. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon, nhằm phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới Net Zero vào năm 2050.

Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng thảo luận làm rõ về tầm quan trọng của thị trường carbon; tiềm năng, cơ hội của Việt Nam khi tham gia thị trường này cùng những khó khăn, thách thức; đề xuất các giải pháp để bảo đảm việc vận hành thị trường theo kế hoạch, đạt hiệu quả. Đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến vận hành thị trường carbon.

Việc vận hành thị trường carbon với việc thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ, mà còn nhằm ứng phó hiệu quả với hàng rào thuế carbon do các nước ban hành, trong đó khối EU sẽ chính thức áp dụng từ 2026. 

Song, để thí điểm vận hành sàn giao dịch carbon hiệu quả, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các bên liên quan, trong đó việc nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách là rất quan trọng. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta có thể hy vọng và tin tưởng sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon theo kế hoạch đã đề ra.

Ngày 22/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Theo dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam mới nhất, thị trường carbon sẽ tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Dự thảo cũng nêu rõ, giai đoạn 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Ngoài ra, toàn bộ hạn ngạch được phân bổ miễn phí, chưa thực hiện đấu giá. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ đối với một số lĩnh vực phát thải lớn.Các loại tín chỉ carbon được phép trao đổi, mua bán trên thị trường gồm: các tín chỉ thu được từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước theo quy định của pháp luật; các tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon quốc tế.

Chủ thể tham gia mua, bán trên thị trường là các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn thuộc một số lĩnh vực phát thải do Thủ tướng ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và các tổ chức, cá nhân tham gia mua, bán tín chỉ carbon trên sàn giao dịch. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc. Các vấn đề liên quan đến pháp luật và cơ sở hạ tầng tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện để phục vụ cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới.

Về hạn ngạch phát thải khí nhà kính, theo dự thảo Đề án, phần lớn sẽ được phân bổ miễn phí, còn lại được phân bổ qua đấu giá; xem xét bổ sung thêm các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường.

Các tổ chức hỗ trợ giao dịch là những đơn vị thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc dự kiến quy mô thị trường có thể bao gồm các tổ chức làm các nhiệm vụ hỗ trợ giao dịch khác.Việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo phương thức tập trung trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm vận hành, quản lý, theo dõi và giám sát thị trường tín chỉ carbon. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Tại cuộc họp, các vấn đề như vận hành, giám sát, phương thức kết nối, tham gia với thị trường carbon trong nước và thế giới hay việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ... cũng được đưa ra thảo luận và phân tích.

Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo và thị trường carbon, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam sẽ có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Vì vậy, cần có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đột phá trong triển khai Đề án để sớm tiếp cận và theo kịp xu thế trên thế giới.

Ngô Vân

Bình luận

Nổi bật

Tháo gỡ nút thắt trong chuyển đổi xanh: Biến phát triển bền vững thành động lực tạo giá trị

Tháo gỡ nút thắt trong chuyển đổi xanh: Biến phát triển bền vững thành động lực tạo giá trị

sự kiện🞄Thứ tư, 11/09/2024, 09:00

(CL&CS) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) đã tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi” tại Hà Nội.

Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ

Bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ

sự kiện🞄Chủ nhật, 08/09/2024, 09:23

(CL&CS) - Các ban ngành tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân...

Thị trường carbon - cơ hội hướng đến Net Zero: Phát triển công nghệ phát thải thấp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Thị trường carbon - cơ hội hướng đến Net Zero: Phát triển công nghệ phát thải thấp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 23/08/2024, 17:42

(CL&CS) - Ngày 23/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero” được diễn ra với sự với sự tham gia đông đảo của đại diện nhà lập pháp, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp.