Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 01/02/2019, 13:20 PM

Thế giới 2019 chuyển động theo 10 sự kiện năm 2018

(NTD) - Thế giới năm 2018 khép lại với 10 sự kiện nổi bật nhất, hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động trong năm mới 2019. Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Kim tại Singapore kết thúc với thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ tiếp tục nóng dù hai bên đã tạm đình chiến. Và tương lai của ngành kinh tế công nghệ số ở châu Á sẽ có nhiều thay đổi...

1
 

1.Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Kim

Từ sáng kiến của Tổng thống Trump rồi sau đó là những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của cả hai bên, cuộc gặp lịch sử Trump - Kim diễn ra tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore vào ngày 12/6/2018. Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên ký thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, kết quả của thỏa thuận Singapore khá mơ hồ trong hơn sáu tháng qua. Hội nghị cấp cao lần thứ hai dự kiến sẽ tổ chức sớm nhất là giữa tháng 2/2019.

4
 

2.“Chủ thuyết Trump”

Ông Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng từ ngày 20/1/2017. Trong hai năm cầm quyền, Tổng thống Trump muốn lập lại “trật tự thế giới theo chủ thuyết của Trump” như ban hành các sắc luật mới hay bãi bỏ một số thỏa thuận quốc tế mà ông cho rằng mang lại lợi ích kinh tế và chính trị cho Trung Quốc và Nga. Ông cũng xem xét lại một số hiệp định thương mại song phương với một số quốc gia, kể cả các đồng minh thân cận nhất với Hoa Kỳ.

Với khẩu hiệu “Hoa Kỳ trước hết”, ông Trump làm cả thế giới sốc: Rút quân khỏi Syria, có thể rút ra khỏi NATO, cương quyết xây bức tường biên giới Hoa Kỳ - Mexico với chi phí 5,7 tỷ USD trong khi Quốc hội Hoa Kỳ chỉ đồng ý chi 1,8 tỷ USD. Do bất đồng này, chính phủ Hoa Kỳ đã đóng cửa một phần trong một tháng qua.

3.Sự “trở lại” của các nhà lãnh đạo kỳ cựu tại châu Á

Tháng 10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái đắc cử nhiệm kỳ lần thứ ba, trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất trong lịch sử chính trường Nhật Bản. Ông Abe là người chủ trương xây dựng nền kinh tế năng động theo chủ thuyết Abenomics, mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, thúc đẩy gỡ bỏ điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (không thành lập quân đội)… Tại hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, ông là chất xúc tác, gắn kết các thành viên của Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Tại Malaysia, ông Mahathir Mohammed chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 5/2018 và trở thành vị thủ tướng cao tuổi nhất trên thế giới. Nhà lãnh đạo 92 tuổi này đã thực hiện nhiều thay đổi ngoại giao và kinh tế nổi bật, trong đó có việc thẳng thắn hủy bỏ các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng với Trung Quốc và gắn kết hơn nữa giữa Malaysia và khối ASEAN.

4.Cuộc giải cứu 13 thành viên đội bóng Heo Rừng

Công cuộc tìm kiếm và giải cứu trong 18 ngày đội bóng nhí lạc trong hang Tham Luang thu hút sự theo dõi từng phút một của thế giới. Các thành viên của đội bóng mất tích hôm 23/6 sau khi lạc vào Tham Luang - hệ thống hang động dài gần 10km ở tỉnh miền núi Chiang Rai, phía bắc Thái Lan. Sau 9 ngày tìm kiếm, hai thợ lặn người Anh phát hiện cả đội bóng còn sống sót nhờ uống nước nhỏ xuống từ thạch nhũ… Lực lượng hùng hậu hơn 10.000 người từ cảnh sát, quân đội, kiểm lâm, thợ rừng, thợ lặn và người tình nguyện khắp đất nước Thái Lan và trên thế giới đã đổ về Tham Luang.

Công cuộc tìm kiếm và giải cứu đã đưa Tham Luang thành cái tên nổi tiếng, đem lại các giá trị nhân văn và tình người. Một bảo tàng để tưởng niệm và tri ân những người tham gia công cuộc giải cứu được thành lập, các cầu thủ vốn là sắc dân thiểu số không được chính phủ Thái Lan công nhận được nhập tịch và tham gia các show truyền hình nổi tiếng ở Hoa Kỳ, các thỏa thuận về viết sách và làm phim với Hollywood đang được thảo luận…

5.Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực

Sau khi Hoa Kỳ rút lui, 11 nước thành viên còn lại phải mất một thời gian để đàm phán và hoàn chỉnh hiệp định mới. Ngày 8/3/2018, CPTPP (Hiệp định hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã được chính thức ký kết tại thủ đô Santiago, Chile. Tại Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Sự ra đời của CPTPP là lời đáp trả đối với chủ nghĩa bảo hộ mà Tổng thống Donald Trump là người khơi mào và cổ súy. Hiệp định mới cũng quy định rõ ràng hơn về vai trò và trách nhiệm của chính phủ đối với sự phát triển của doanh nghiệp, cũng như thúc giục tinh thần đổi mới và bản lĩnh của doanh nghiệp mà các thỏa thuận mậu dịch song phương hay đa phương trước đó không có.

CPTPP cũng mang một tinh thần hợp tác mới hơn: Sẵn sàng chào đón Hoa Kỳ trở lại, tìm kiếm và kết nạp thành viên mới.

3
 

6.Cuộc chiến Huawei

Thực chất, cuộc chiến này là một phần của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Bà Mạnh Vãn Chu - con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi - bị bắt giữ hôm 1/12 tại Vancouver, Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Bà Mạnh bị cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận mà Hoa Kỳ áp đặt Iên Iran, đồng thời có nguy cơ bị dẫn độ về Hoa Kỳ xét xử với án tù lên đến 30 năm. Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei đã khiến Trung Quốc nổi giận và trả đũa với vụ bắt giữ ba công dân Canada.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng kêu gọi đồng minh tẩy chay các sản phẩm công nghệ và thiết bị 5G của Huawei. Liên minh tình báo Five Eyes - gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Australia và New Zealand - tuyên bố không sử dụng thiết bị và công nghệ của Huawei. Nhật Bản, Đức và Pháp cũng theo chân.

Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ ký một sắc lệnh loại vĩnh viễn tất cả các sản phẩm và công nghệ của Huawei và ZTE. Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi “đánh hơi” được nguy cơ khủng khiếp nên đã xuống nước trước và gọi ông Trump là “tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ”.

5
 

7.Cuộc chiến công nghệ mới

Vụ sáp nhập Grab và Uber tạo ra tương quan mới trong phát triển kinh tế số tại Đông Nam Á. Thương vụ sáp nhập nhiều tỷ USD cũng hình thành sân chơi mới mà Grab đang có lợi thế để thâu tóm.

Nhưng sân chơi không chỉ dành riêng cho Grab. Go-Jek - ứng dụng gọi xe từ Indonesia - sẽ cạnh tranh trực diện với Grab trong năm 2019 khi đạt lượng tải ứng dụng 100 triệu. Ngoài dịch vụ vận chuyển bằng xe hơi và xe máy, dịch vụ giao nhận hàng, Grab và Go-Jek đều đang mở rộng ở lĩnh vực giao nhận thức ăn và thanh toán trên mạng. Các dịch vụ đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, đăng ký tour, cho vay, chuyển tiền… đều được hai startup hàng đầu ở Đông Nam Á chuẩn bị bài bản tại từng thị trường.

Cả Grab và Go-Jek đều gặp một số cản trở về các quy định pháp lý hay cạnh tranh tại Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia. Tại Việt Nam, đối đầu pháp lý giữa Grab và Vinasun cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai của nền kinh tế.

8.Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ -Trung Quốc

Hai gã khổng lồ đã đồng ý đình chiến trong 90 ngày. Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều bày tỏ lạc quan trước những tiến bộ đạt được trong đàm phán song phương trong hai tuần đầu tháng 1/2019. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại có khả năng bùng phát trở lại nếu đến thời điểm 1/3/2019 cả hai bên không đạt được thỏa thuận hay nhượng bộ mà mình mong muốn.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều lo ngại trước viễn cảnh kinh tế toàn cầu bị trì trệ và giảm đà tăng trưởng trong năm 2018-2019. Kinh tế Trung Quốc có thể suy giảm từ 0,3-1%, khiến các nền kinh tế năng động của châu Á giảm từ 0,5%. Cuộc chiến cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhà xưởng ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Mỹ.

2
 

9.Brexit hay không Brexit

Thủ tướng Theresa May khẳng định rằng Anh sẽ rời EU đúng ngày 29/3/2019 sắp tới.

Bà May đã qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội vào giữa tháng 12/2018 với đa số phiếu 230/202. Tiến trình Brexit được tiếp tục. Tuy nhiên, ngày 15/1, Hạ viện Anh lại bác bỏ thỏa thuận Brexit mà bà May và các lãnh đạo EU đã đạt được trước đây. Trong hai tháng còn lại ở “ngôi nhà chung EU”, bà May phải còn đối phó và “ăn đòn” của phe đối lập về vấn đề Brexit.

Khi rời EU, nước Anh buộc phải tìm kiếm một khuôn khổ hợp tác kinh tế mới. Hiệp định hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thỏa thuận tự do mậu dịch với Nhật Bản là hai cái đích nước Anh nhắm tới khi “cắt bỏ” mối quan hệ kinh tế mật thiết với EU.

10.Facebook lộ thông tin của người sử dụng

Mark Zuckerberg đã hứng chịu sự giận dữ của người sử dụng Facebook và sự săm soi của cơ quan lập pháp Hoa Kỳ khi thông tin của 87 triệu tài khoản Facebook bị công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica của Anh lấy cắp và sử dụng trái phép.

Vụ việc cũng làm giảm sự cao ngạo của nhà tỷ phú công nghệ. Facebook cũng bị EU và các quốc gia khác điều tra và buộc phải tuân theo các quy định nghiêm khắc về bảo mật thông tin người sử dụng.

Thế giới 2018 khép lại với 10 sự kiện nổi bật nhất hứa hẹn sẽ tiếp diễn sôi động vào năm 2019.

 Khánh Phương - Ricky Hồ

14
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.