Than ngoại lập đỉnh, than nội đủng đỉnh nhưng cổ phiếu tăng bằng lần

(CL&CS) - Giá than tại Việt Nam không điều chỉnh theo sự biến động của giá than thế giới nên các doanh nghiệp chưa được hưởng lợi. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành than nổi sóng theo "cơn điên" của giá than thế giới, tăng bằng lần từ đầu năm đến nay.

Hiện nay, giá than trong nước chưa điều chỉnh theo giá than thế giới. Ảnh: Khai trường của CTCP Than Cao Sơn.

Hiện nay, giá than trong nước chưa điều chỉnh theo giá than thế giới. Ảnh: Khai trường của CTCP Than Cao Sơn.

Ảnh hưởng chung tới thị trường Việt Nam

Giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ 2 đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) và Tổng công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng. Giá than trong nước thường chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3 - 4 năm/lần.

Trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi Chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.

Nhu cầu than trong nước chủ yếu phục vụ cho nhiệt điện (chiếm 72% nhu cầu trong nước), Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (Research) ước tính, giá than năm nay dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ 4% so cùng kỳ năm trước (YoY). Về phía nhập khẩu, giá than nhập khẩu của Việt Nam tăng đồng pha với giá than thế giới, với mức tăng trung bình 83% YoY trong 9 tháng đầu năm 2021.

Với giá than tăng mạnh, các ngành công nghiệp ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng chính bao gồm: Nhiệt điện, xi măng, luyện kim và phân bón. Trong đó, bởi vì giá than thế giới tăng đột biến so với than trong nước, các ngành có tỷ lệ than nhập trên tổng than sử dụng trong ngành cao như xi măng (66%), sắt thép (88%), phân bón (74%) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, còn nhiệt điện ít bị ảnh hưởng hơn do tỷ lệ than nhập mới chỉ chiếm 24% tổng than sử dụng và Chính phủ cũng ưu tiên nguồn than trong nước cho nhiệt điện.

Tác động tới ngành than Việt Nam

Ngành than là ngành chịu tác động trực tiếp từ cơn sốt than. Tuy nhiên, như đã đề cập, chính sách giá than chịu sự quản lý chặt của Chính phủ, nên hầu hết ngành than chưa được hưởng lợi từ cơn sốt than hiện tại.

Tổng doanh thu của đơn vị sản xuất lớn nhất là TKV trong 9 tháng đạt 94,6 ngàn tỷ đồng, tăng +2,1% YoY nhưng sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt 29,6 triệu tấn, giảm -1,3% YoY do tình hình giãn cách xã hội kéo dài và huy động nhiệt điện giảm sút vì sản lượng điện tái tạo tăng mạnh.

Chi phí sản xuất than cũng tăng cao do giá than thế giới tăng cao trong khi hai đơn vị sản xuất trong nước là TKV và Đông Bắc đang phải nhập khẩu khoảng 20 - 25% lượng than từ Úc và Indonesia để trộn với than trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa. Đồng thời, chi phí nhiên liệu cũng tăng mạnh khiến việc khai thác than trở nên đắt đỏ hơn.

Các doanh nghiệp khai thác than niêm yết trong nửa đầu năm 2021 đạt 10,6 ngàn tỷ đồng doanh thu và 115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm -1,7% và -8,2% YoY. SSI Research dự báo trong nửa cuối năm 2021, các doanh nghiệp than chưa có quá nhiều triển vọng về tăng giá bán hay đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ.

Sang năm 2022, SSI Research cho rằng ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh từ 10 - 15% do chi phí sản xuất than của TKV và Đông Bắc đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Các doanh nghiệp khai thác than đang niêm yết cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022.

Tuy nhiên, SSI Research lưu ý rằng giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường (năm 2019 giá than Việt Nam đắt hơn 18% so với giá than nhập khẩu) nên dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.

Từ đầu năm đến ngày 15/10, cổ phiếu ngành than đều tăng giá trên 100%.

Từ đầu năm đến ngày 15/10, cổ phiếu ngành than đều tăng giá trên 100%.

Cổ phiếu ngành than tăng mạnh

Hiện nay, ngành than chỉ có 7 doanh nghiệp niêm yết và tập trung ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Các doanh nghiệp này có quy mô vốn điều lệ khá nhỏ từ 200 - 400 tỷ đồng. Đó là các CTCP: Than Hà Lầm (cổ phiếu HLC), Than Mông Dương (MDC), Than Núi Béo (NBC), Than Cọc Sáu (TC6), Than Đèo Nai (TDN), Than Hà Tu (THT) và Than Vàng Danh (TVD) với tổng khối lượng hơn 215 triệu cổ phiếu niêm yết.

Đầu năm, các cổ phiếu ngành than đều dưới mệnh giá, chủ yếu xoay quanh mức 6.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu nên vốn hóa của toàn ngành chỉ đạt 1.508 tỷ đồng. Chính vì vậy, cơn sốt giá than trên thế giới cũng như sóng cổ phiếu penny đã giúp cổ phiếu ngành than dễ dàng bay xa, bay cao nhờ thị giá thấp và số lượng cổ phiếu lưu hành ít do TKV sở hữu trung bình 65% vốn điều lệ của các công ty này.

Từ đầu năm đến kết thúc ngày giao dịch 15/10, các cổ phiếu ngành than đều tăng giá trên 100%, thậm chí 336% như NBC nhờ kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế từ -144 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 tăng lên 17 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Tuy vậy, mức giá được thiếp lập trong ngày 5/10 vừa qua là đỉnh lịch sử của cổ phiếu ngành than. Từ đó đến kết thúc thúc phiên giao dịch 15/10, nhóm cổ phiếu này đều chịu sự điều chỉnh giảm giá 15-28% khiến nhiều nhà đầu tư “ôm hận”.

Nguyễn Như

Bình luận

Nổi bật

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 13:37

(CL&CS)- Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc.

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:09

(CL&CS) - Trong 34 năm, Saigon Co.op không ngừng phát triển và đổi mới liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu, mang đến chất lượng và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng…

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:40

(CL&CS) - Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.