Tham vọng trở thành công ty đa quốc gia

(NTD) - Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) khẳng định rằng: Vinamilk muốn trở thành một công ty đa quốc gia dựa trên nền tảng chính là phát triển ngành sữa. Liệu đây chỉ là ước mơ hay sẽ là sự thật?

Phải lấy được thị phần của đối thủ cạnh tranh

Theo nhận định của bà Mai Kiều Liên, sự cạnh tranh giữa các công ty trong ngành sữa ngày càng gay gắt. Do đó, chi phí bán hàng mà nhất là chi phí khuyến mãi, quảng cáo cũng tăng rất lớn. Nếu như chi phí bán hàng năm 2014 chỉ chiếm 10% tổng doanh thu thì năm 2015 đã tăng lên 16% tổng doanh thu, tức số tuyệt đối tăng 70%. Với việc tăng chi phí này đã giúp công ty không những giữ vững thị phần mà còn tăng gần 2% ở ngành sữa nước và 1% ở ngành sữa bột, còn thị phần sữa đặc và sữa chua thì vẫn giữ ổn định.

Một tín hiệu khá lạc quan là sức mua của người tiêu dùng về sản phẩm sữa tăng lên, tức nhu cầu thị trường cao. Trong khi đó, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, và ngành sữa Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2015, Vinamilk đã duy trì xuất khẩu đi các thị trường truyền thống ở Đông Nam Á và Trung Đông, đồng thời tập trung khai thác các thị trường tiềm năng ở châu Phi sau một thời gian gián đoạn do những bất ổn ở Trung Đông.

Trả lời thắc mắc của cổ đông vì sao kế hoạch doanh thu năm 2016 là 2 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 11% so với năm 2015, trong khi kế hoạch đó lại đưa ra cho năm 2017 là 3 tỷ USD, tức tăng đến 50%, liệu có quá xa vời không? Bà Mai Kiều Liên cho biết, hiện tại mức tăng trưởng ngành sữa chỉ khoảng 7-9% nhưng HĐQT đã sai lầm trong cách tính là không đưa chỉ số tăng trưởng ngành vào. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng của Vinamilk hiện là 11%, luôn cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành cộng với việc từng bước thâu tóm thị phần của các đối thủ cạnh tranh nên con số 3 tỷ USD nói trên là hoàn toàn có thể kỳ vọng.

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk giải thích thêm, trong 5 năm tới, mục tiêu của Vinamilk hướng đến sẽ luôn là công ty sản xuất và kinh doanh sữa số một tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, doanh số hoạt động của kinh doanh tại thị trường quốc tế sẽ chiếm 50% so với doanh thu nội địa. Ngoài ra, để hướng tới đích một công ty đa quốc gia, Vinamilk sẽ kinh doanh đa ngành nghề hoạt động trên nền tảng các lợi thế cạnh tranh sẵn có trong 2-3 năm tới. Về dài hạn, các mảng kinh doanh sẽ được tách rời nhằm nâng cao tính chuyên môn hóa vào những thời điểm thích hợp. Các hình thức hợp tác, đối tác, thâu tóm, sáp nhập sẽ được thực thi theo mục tiêu đã đề ra. Một mô hình tổ chức và quản lý tương lai theo hướng bán tập trung sẽ được thiết lập.

tham vọng trở thành công ty đa quốc gia
Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên: “Vấn đề mở room là điều mà ai cũng trăn trở”.

Bảo đảm ổn định giá cả và nguyên vật liệu

Bà Mai Kiều Liên tiên liệu, giá sữa hiện đang thấp nên chắc chắn sắp tới sẽ tăng cao. Giá nguyên vật liệu sữa đầu vào giảm là yếu tố chính góp phần tăng lợi nhuận gộp cho công ty rất nhiều. Vì vậy, nếu biết lựa chọn thời điểm để mua nguyên liệu với giá thấp, ắt sẽ có lợi nhuận cao. “Giá sữa bột nhập khẩu trong năm 2013-2014 tăng cao thì năm 2015 lại giảm xuống thấp so với nhiều năm qua và Vinamilk đã mua được giá thấp để tăng lợi nhuận. Lợi nhuận gộp biên của công ty tăng từ 32% của năm 2014 lên 40% trong năm 2015. Đây là mức tăng rất lớn trong khoảng cách thời gian chỉ một năm”, bà Mai Kiều Liên lý giải.

Đối với vùng nguyên liệu sữa tươi, Vinamilk đưa ra chiến lược thiết lập các trang trại bò sữa công nghệ cao nhằm cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu chế biến nhằm sản xuất các loại sản phẩm đa dạng của Vinamilk. Ngoài ra, Vinamilk tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống thu mua, bảo đảm bao tiêu sản phẩm sữa tươi cho bà con nông dân trên địa bàn cả nước.

Trong năm 2015, sản lượng sữa tươi nguyên liệu thu mua đạt 216.485 tấn. Trong đó, sữa tươi nguyên liệu mua từ hộ dân là 178.890 tấn, tăng 15,83% so với 154.440 tấn của năm 2014. Các trang trại bò sữa của Vinamilk do Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam cung cấp 37.596 tấn, tăng 27,56% so với 29.472 tấn của năm 2014.

Một loạt động thái vừa rồi của Vinamilk như đề nghị nới room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài; SCIC đang tính tới lộ trình thoái vốn; đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chiếm 50%; tăng cường đầu tư ra nước ngoài… cho thấy, Vinamilk không muốn dừng lại ở quy mô của một công ty chỉ nổi đình nổi đám trong nước.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, với giá trị thương hiệu được định giá trên 7 tỷ USD, hiện có rất nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài muốn tham gia vào Vinamilk. Tất nhiên, nói như bà Mai Kiều Liên, với một thương hiệu được định giá với con số cao như vậy, nhà đầu tư nước ngoài cũng không dại gì phải xóa bỏ thương hiệu đó nếu có được, nên những cổ đông không nên e ngại khả năng nhà đầu tư nước ngoài thôn tính rồi “xóa sổ” Vinamilk.

 Ngô Ngãi - Quang Tuyến

 

Bình luận

Nổi bật

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:56

(CL&CS) - CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời) có quý 1/2024 tăng trưởng vượt bật về doanh thu với 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ ngành lương thực với mức tăng trưởng 96%.

Masan: Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận EBIT tăng 70% trong quý 1/2024

Masan: Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận EBIT tăng 70% trong quý 1/2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 08:11

(CL&CS) - Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của CTCP Tập đoàn Masan ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (thu nhập trước lãi vay và thuế - EBIT) tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự phục hồi tích cực của thị trường tiêu dùng và đà tăng trưởng của những phát kiến chiến lược.

Hành trình khởi nghiệp của ông chủ NextTech qua lời kể của mẹ: Bán 2 miếng đất để mua máy tính cho con học lập trình, lập công ty từ 2 triệu đồng tiền viết phần mềm thuê

Hành trình khởi nghiệp của ông chủ NextTech qua lời kể của mẹ: Bán 2 miếng đất để mua máy tính cho con học lập trình, lập công ty từ 2 triệu đồng tiền viết phần mềm thuê

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 06:40

Ông đã từ kể lại quãng thời gian khởi nghiệp của mình với "ba không": không vốn, không trụ sở và cơ sở vật chất, không có nhân viên.