Tham gia CPTPP là quyết định rất quan trọng của Việt Nam

(NTD) - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có điểm mới là doanh nghiệp có thể kiện được Chính phủ. Trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng, TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) khẳng định CPTPP mang lại cơ hội rất lớn và quan trọng nhưng đồng thời cũng tạo ra sức ép để chúng ta nâng cao khung pháp lý, trình độ quan chức, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trình độ sản xuất và xuất khẩu.

CPTPP sẽ giúp tăng trưởng GDP và xuất khẩu

Thưa TS. Lê Đăng Doanh, ông đánh giá thế nào về những thuận lợi mà Việt Nam có được khi CPTPP có hiệu lực?

Tham gia CPTPP là quyết định rất quan trọng của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho tăng cường cả xuất khẩu và nhập khẩu. Nhờ thuế quan giảm, giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu rẻ hơn. Giá hàng hóa xuất khẩu rẻ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, còn giá nhập khẩu giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi. Nhìn chung, CPTPP sẽ giúp tăng trưởng GDP và xuất khẩu.

1

Các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8/3 tại Santiago, Chile. (Ảnh: Reuters).

Những ngành nào sẽ được hưởng lợi, ngành nào sẽ gặp khó nhiều nhất thưa ông?

CPTPP mang lại cơ hội rất lớn với các sản phẩm thuộc ngành nông lâm, thủy sản, dịch vụ, giày da và du lịch. Đây là những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn rất nhiều so với lắp ráp.

Nhưng vẫn còn đó những thách thức. Khi hàng hóa giá rẻ hơn của các nước tràn vào sẽ khiến không ít doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được và mất thị trường. Tuy nhiên, chúng ta có điều may mắn chính là trong các nước CPTPP, hàng hóa của chúng ta phần lớn là bổ sung cho họ, chứ không cạnh tranh.

Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất những mặt hàng họ không làm hoặc làm nhưng không hiệu quả như dệt may, da giày, đồ gỗ mỹ nghệ, những sản phẩm liên quan đến tôm, cá. Doanh nghiệp Việt phải liên kết với họ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt tận dụng những lĩnh vực họ còn yếu.

Ví dụ, khi liên kết với đối tác Nhật Bản, chúng ta không chỉ xuất khẩu tôm đông lạnh mà còn cung cấp tôm bao bột, mặt hàng thức ăn sẵn, đóng gói sẵn vì Nhật Bản đang thiếu lao động, họ cần những mặt hàng chế biến càng sâu càng tốt. Họ chỉ cần mua sản phẩm về nhà, đưa vào lò vi sóng, hâm nóng rồi ăn ngay.

Chính phủ cũng có thể bị kiện

Vậy đâu là những thách thức của Việt Nam khi CPTPP có hiệu lực thưa ông?

CPTPP có cam kết mới và tiến bộ. Ví dụ cam kết bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động. CPTPP cho phép người lao động tự lập công đoàn, có gia nhập hay không là tùy người lao động, không bắt buộc được.

Không chỉ có vậy, khi tham gia CPTPP, chúng ta ký các cam kết về công khai minh bạch, chống tham nhũng. Đối tượng chống tham nhũng được mở rộng. Không chỉ người nhận tham nhũng bị trừng phạt, người đưa, người gợi ý cũng bị xử lý nếu bị kiện. Đây là điều mới.

Đặc biệt nhất, trong CPTPP có điều khoản doanh nghiệp có thể kiện được Chính phủ nếu Chính phủ không thực hiện đúng các cam kết. Đầu tiên, doanh nghiệp sẽ đưa vụ việc ra hội đồng. Nếu hội đồng xử lý không thỏa đáng, doanh nghiệp có thể kiện Chính phủ ra tòa. Theo kiện không chỉ tốn kém mà còn mất uy tín.

Tôi thấy CPTPP mang lại cơ hội rất lớn và quan trọng nhưng đồng thời cũng tạo ra sức ép để chúng ta nâng cao khung pháp lý, trình độ quan chức, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trình độ sản xuất và xuất khẩu.

Làm thế nào để chúng ta vượt qua được những thách thức đó thưa ông?

Đó là những lo ngại không thể bỏ qua. Muốn vượt qua được các thách thức thì phải cải cách. Không cải cách, không làm đúng, chúng ta sẽ bị kiện. Không cải cách, doanh nghiệp không xuất khẩu được vì các sản phẩm xuất khẩu luôn đòi hỏi phải đúng các tiêu chuẩn, yêu cầu mà nhà nhập khẩu đề ra. Tóm lại, không cải cách, những lợi ích của CPTPP chỉ nằm trên giấy mà thôi.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương phải tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp. Các bộ liên quan sớm thay đổi luật. Nghị quyết Quốc hội đã có quy định sửa đổi bổ sung 7 luật và nhiều văn bản, nghị định dưới luật. Điều này nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Mỹ, Trung chưa hẳn đã đứng ngoài cuộc

Một trong những điểm đáng chú ý chính là CPTPP thiếu vắng hai thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc. Liệu hai cường quốc này có tham gia CPTPP không thưa ông?

Mỹ chưa hẳn đã đứng ngoài cuộc. Mới đây, tôi vừa ăn sáng với nguyên Bộ trưởng Thương mại Mỹ - ông Carlos Gutierrez. Ông Carlos Gutierrez cho biết hiện nay Mỹ chưa có ý kiến gì về CPTPP. Nhưng nếu hiệp định có hiệu quả, có thể trong 2 năm tới đây Mỹ sẽ bày tỏ ý kiến của mình.

Còn Trung Quốc hiện nay đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện tại Khu vực Đông Á và Nam Á, gọi tắt là RCEP gồm 10 nước ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do. Đó là bước quan trọng để Trung Quốc dùng RCEP làm đối trọng CPTPP. Việc Trung Quốc muốn tham gia CPTPP hay không còn phải xem xét thêm.

Các nước châu Âu dường như không mặn mà với CPTPP phải không ông?

Không hẳn như vậy. Quốc gia đã đánh tiếng và đáng chú ý nhất là Anh. Anh muốn góp mặt vào CPTPP sau khi rời châu Âu. Sắp tới, Hội nghị bộ trưởng CPTPP họp xem xét đơn tham gia của Anh. Nếu Anh hay một số nước châu Âu tham gia CPTPP, áp lực lên các thành viên cũ, trong đó có Việt Nam là rất lớn.

Khi đó, hàng hóa của họ tràn vào Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam phải xem xét mặt hàng nào đủ sức cạnh tranh, mặt hàng nào không, rồi phải xem xét phân khúc thị trường. Ví dụ phải xem trong hàng xa xỉ và hàng bình dân, chúng ta có lợi thế nào thì tập trung vào cái đó. Chuyển đổi là điều vô cùng quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ. Phạm vi thị trường của CPTPP đạt khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.

CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Hiện tại, 11 nước thành viên sáng lập CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam.


Bảo Linh

13
 

Bình luận

Nổi bật

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 09:34

(CL&CS) - “Tôi tin rằng với chiến lược kinh doanh phù hợp, kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, Gỗ Đức Thành sẽ lại “vượt bão” thành công”, đó là thông điệp của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành trong năm 2024.

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

Tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại TP.HCM ngày càn trầm trọng hơn. Dự báo trong tương lai gần, giá nhà ở tại TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao, người dân TP.HCM sẽ ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

(CL&CS)- Vừa qua, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt kết hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đã trao tặng 1.000 lon sữa FAMNA với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em khó khăn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.