Tạo linh hoạt cho Chính phủ ứng phó với rủi ro, thách thức mới
Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế tán thành việc giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, quy định như vậy sẽ tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong ứng phó với các thời cơ, cũng như rủi ro, thách thức mới.
Tiếp tục Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, về cơ bản, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự luật quy định về: các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng quy định việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Về đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, cụ thể như: sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo như sửa đổi tên gọi hoạt động cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư thành hoạt động cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý; sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng... Việc sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động để phù hợp với nội hàm khái niệm của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Dự thảo Luật cũng đã luật hóa quy định tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP ngày 14.11.2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, theo đó, bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thêm, trong quá trình xây dựng luật, để đáp ứng khuyến nghị của FATF và đánh giá của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) tại Báo cáo đánh giá đa phương, đồng thời từ thực tiễn nhu cầu quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, cơ quan chủ trì soạn thảo có đề xuất bổ sung đối tượng báo cáo mới nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh là: tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay dựa trên nền tảng công nghệ…
"Tuy nhiên, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định tại luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài các hoạt động cụ thể được quy định tại luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật quy định Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền. Theo đó, trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền và việc hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, Chính phủ sẽ xem xét việc bổ sung đối tượng thực hiện các hoạt động mới là đối tượng báo cáo của Luật Phòng, chống rửa tiền sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định này cũng đáp ứng một phần khuyến nghị số 15 của FATF và đánh giá của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương.
Tiền điện tử có thuộc phạm vi tài sản ảo?
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật như Tờ trình. So với luật hiện hành, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn và phù hợp với khuyến nghị của FATF, bao gồm cả việc phòng, chống rửa tiền và việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Về đối tượng báo cáo tại Điều 4 dự thảo Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành sửa đổi, bổ sung tên gọi một số hoạt động của đối tượng báo cáo để phù hợp với quy định hiện hành có liên quan và phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF. Một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ quy định về tiền điện tử tại điểm e, khoản 1 Điều 4 có thuộc phạm vi tài sản ảo hay không, vì theo báo cáo của Chính phủ hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh về tài sản ảo nên chưa quy định ngay trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán tại điểm I, khoản 1 Điều 4 vì tổ chức này không trực tiếp tham gia vào việc nắm giữ, quản lý, hỗ trợ việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản phạm tội trong lĩnh vực này mà chỉ cung cấp kết quả phân tích, báo cáo, khuyến nghị, quyền quyết định thuộc về khách hàng.
Đối với các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định tại dự thảo Luật giao Chính phủ quy định sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong ứng phó với các thời cơ, cũng như rủi ro, thách thức mới. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc các hoạt động mới phát sinh nếu xâm phạm đến quyền, lợi ích của công dân thì cần phải được quy định trong Luật.
+ Cũng trong phiên họp chiều nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2023 – 2025; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2023 – 2025.
Hoàng Ngọc ( Theo Đại biểu nhân dân)
Bình luận
Nổi bật
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp đại diện kiều bào tiêu biểu tại các nước ASEAN
sự kiện🞄Thứ hai, 25/11/2024, 07:31
(CL&CS) - Nhân chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp gỡ thân mật với đại diện kiều bào tiêu biểu, lãnh đạo hội đoàn, trí thức, doanh nhân người Việt tại các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11
(CL&CS) - Vừa qua, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn nông nghiệp chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:03
(CL&CS) - Các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2024, khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn mới được bổ sung.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.