Thứ năm, 11/04/2024, 07:49 AM

Tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững

(CL&CS) - Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với kinh tế Việt Nam, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay. Đây cũng là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy mô, tiềm lực nền kinh tế được tăng lên. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. An sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, xã hội ổn định, ngày càng tiến bộ.

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện, từng bước nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới có thể đứng vững và phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Nói về tầm quan trọng của năng suất lao động, Paul Robin Krugman - Nhà kinh tế học người Mỹ, đạt giải Nobel kinh tế đánh giá: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là tất cả!”.

Đối với kinh tế Việt Nam, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.     

Tuy vậy, có thực tế là bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động chỉ tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%. Nghĩa là để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm năng suất lao động cần phải tăng khoảng 7,8%. Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng. Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam vì thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa kinh tế phát triển nhanh.

Tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa kinh tế phát triển nhanh.

TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan. So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới. 

Lí giải nguyên nhân chính của thực trạng năng suất lao động thấp, TS Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Theo TS Nguyễn Lê Hoa, thời gian qua đã có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ nhưng quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, để hoà nhịp với xu hướng thay đổi không thể đảo ngược của kinh tế thế giới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của năng suất lao động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới.

Thương mại quốc tế là động lực thúc đẩy các nền kinh tế đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh và mở rộng thị phần thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định FTA, phù hợp với xu hướng thay đổi của toàn cầu hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu đặt trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính, phát triển một hành tinh xanh.

Mặt khác, Chính phủ cần thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với xu hướng mới của kinh tế thế giới; đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, đảm bảo khả năng cung ứng lao động cho chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Nâng cao năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển, TS Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng IoT trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng và tăng năng suất

Ứng dụng IoT trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng và tăng năng suất

sự kiện🞄Thứ bảy, 27/04/2024, 15:25

(CL&CS)- Chiều ngày 26/4, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức triển lãm các thành tựu sau 4 năm chuyển đổi số (2020 - 2024) và Workshop: Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Bắc Ninh: 'Dưa gang muối Quế Võ' được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu

Bắc Ninh: 'Dưa gang muối Quế Võ' được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:09

(CL&CS)- Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 14:54

(CL&CS) - Từ đóng gói thực phẩm năng động dựa trên vật liệu nanocompozit chứa tinh dầu, đến polyme siêu hấp thụ ghép mạch bức xạ, vật liệu tiên tiến được xử lý bằng bức xạ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm, nâng cao hiệu suất nông nghiệp, cải thiện chăm sóc sức khỏe và hơn thế nữa.