Dữ liệu cũ
Thứ năm, 20/12/2018, 17:11 PM

Tại sao Tổng thống Trump muốn trục xuất người Việt tị nạn?

(NTD) - Tính đến ngày 20/12, một số cuộc biểu tình chống lại ý định của ông Trump về khả năng nối lại việc trục xuất những người Việt đến Mỹ trước năm 1995 vẫn diễn ra tại các nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống ở Mỹ. Trước đó, hôm 16/12, hàng ngàn người đã tập trung tại thành phố Westminster (quận Cam, California) biểu tình phản đối.

Người Mỹ gốc Việt khắp nơi đang hoang mang trước thông tin mới đăng trên tờ The Atlantic: Tổng thống Donald Trump lại một lần nữa muốn trục xuất những người Việt tị nạn ra khỏi nước Mỹ. Vụ này sẽ gây tranh cãi trong những ngày tới.

Biểu tình chống việc ông Trump sẽ trục xuất

Những người tham gia tuần hành đã đi qua khu Little Saigon - nơi tập trung nhiều cơ sở làm ăn của người Việt để thu hút thêm sự ủng hộ của cộng đồng.

"Tôi hy vọng chính quyền Trump biết rằng chúng tôi ồn ào và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu", Monique Nguyen, một người tham gia tuần hành nói với phóng viên ABC: "Chúng tôi sẽ cố gắng ngăn chặn mọi thứ ông ấy đang cố gắng làm và đây chỉ là một sự khởi đầu của một phong trào, phong trào lớn".

Khoảng 200.000 người Việt Nam sống tại Little Saigon của quận Cam, California, nhiều người trong số này đến vào những năm 1990 với tư cách là dân tị nạn. "Mọi người phải tập hợp lại và ngăn chặn điều này", một người biểu tình tên Fran Sosa kêu gọi, "Chúng tôi phải xem xét nó với một mức độ nghiêm trọng mà nó xứng đáng".

TrumpOutViet
Những người chống ý định của Tổng thống Donald Trump về việc sẽ trục xuất người Mỹ gốc Việt tuần hành qua khu Little Saigon (Ảnh: ABC)

Theo ABC, các vụ án làm cơ sở cho việc trục xuất đã xảy ra cách đây nhiều năm. Đài ABC dẫn ra một trường hợp cụ thể trong số đó: Tung Nguyen, 16 tuổi, cùng gia đình đến Mỹ vào những năm đầu 1990 để xin tị nạn, dính vào một vụ đâm chém dẫn tới chết người và bị tuyên án 25 năm tù. Tung nói với đài ABC rằng anh ta không phải kẻ đâm chết nạn nhân và đã tỏ ra ân hận vì tuổi trẻ suy nghĩ không chín chắn. Tung thụ án 18 năm thì được Thống đốc California ân xá nhưng khi vừa ra khỏi tù thì bị đưa vào diện bị trục xuất ngay lập tức.

Sẽ trục xuất khoảng 8.000 người Việt tị nạn?

Theo bài báo của The Atlantic, đây là những người Việt tị nạn đã đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 hiện chưa là công dân Mỹ, đã từng phạm pháp và đã nhận được lệnh trục xuất, nhưng chưa rời khỏi nước Mỹ, vì theo một thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ký năm 2008, không bị trục xuất bất kể có lệnh của Toà Di trú. Trích lời một phát ngôn viên (xin được giấu tên) của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, The Atlantic cho biết Nhà Trắng một lần nữa đang tìm cách dẫn giải lại một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2008 để nhất định trục xuất khoảng 8.000 người Việt có tiền án hình sự.

Đây không phải lần đầu tiên tin chính phủ Trump quyết định trục xuất người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995 gây chấn động dư luận. Vào tháng 3/2017, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng như các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền khắp nơi cũng hoang mang khi chính quyền Trump có một nỗ lực tương tự, đơn phương lý giải rằng những người nói trên không được bảo vệ theo thỏa thuận 2008, và bắt nhốt một số người Việt tị nạn có tiền án vào các trại giam của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (US Immigration and Customs Enforcement - ICE), trong khi chờ thủ tục trục xuất.

TrumpOutViet1
Người Việt gốc Mỹ hoang mang trước tin Tổng thống Donald Trump lại một lần nữa muốn trục xuất những người Việt tị nạn ra khỏi nước Mỹ. Ảnh: Getty Images

Việt Nam thoạt đầu chấp nhận một số người bị trục xuất, mặc dù theo thoả thuận 2008 là không có việc này, nhưng sau đó không đồng ý tiếp nhận nữa, và cuối cùng thì Mỹ chỉ trục xuất được 11 Việt kiều về Việt Nam, số còn lại tiếp tục bị giam cầm trong những trung tâm của ICE.

Ít lâu sau, các chi nhánh của tổ chức Văn phòng Tư Pháp Người Mỹ Gốc Á (Asian Americans Advancing Justice-Atlanta - AAAJ – tên trước đây là Trung tâm Tư vấn pháp lý) nộp đơn kiện chính quyền Trump với một vụ kiện tập thể (class-action lawsuit), đòi trả tự do cho họ, vì theo án lệ Zadvydas v. Davis 2001, thì ICE không được giữ người chờ bị trục xuất quá 180 ngày, và nếu trong thời gian 180 ngày giam giữ không có quốc gia nào nhận thì phải thả họ ra.

Trong quyết định xác nhận vụ kiện tập thể, Thẩm phán Cormac J. Carney của Tòa Án Liên bang Hoa Kỳ phụ trách khu vực California cho biết, chính phủ Trump nói đã đạt một thỏa thuận với Việt Nam trong tháng 8, theo đó "việc trục xuất người Việt đến Mỹ trước 1995 có vẻ khó thành" và sẽ dần dần trả tự do cho những người này.

Thế nhưng bài báo của The Atlantic cho thấy chính quyền Trump đã thay đổi quyết định một lần nữa, và lại tìm cách trục xuất những người Việt có tiền án đã nhận được lệnh trục xuất này.

TrumpOutViet3
Ông Phạm Chí Cường và Bùi Thanh Hưng vốn đã bị Mỹ trục xuất vào cuối năm 2017, nay không nhà, không việc làm, không người thân ở Việt Nam – cả hai đang trao đổi với luật sư Tín Nguyễn ngày 19/4 tại TP.HCM. Ảnh: Reuters

Phản ứng từ mọi giới

Không chỉ cộng đồng người Mỹ gốc Việt mới có những phản ứng gay gắt. Tính đến hôm 17/12, ít nhất 27 dân biểu liên bang Hoa Kỳ ở những địa phương có nhiều cử tri gốc Việt, đã gửi thư bày tỏ quan ngại, và yêu cầu chính quyền Trump tôn trọng thỏa thuận năm 2008 như hai bên đã ký kết.

TrumpOutViet4
Ông Trump đã từng đến Đà Nẵng năm 2017 để dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Ảnh: Getty Images

Người phản đối nêu lên tính cách thiếu nhân văn trong việc muốn trục xuất những người tỵ nạn Việt Nam, đa số đã sinh sống ở Mỹ trong biết bao thập niên, và con cháu họ, có khi chưa bao giờ sinh sống ở Việt Nam.

Cựu Ngoại trưởng John Kerry đăng trên Twitter: "Thật đáng hổ thẹn. Sau khi rất nhiều người (từ George H.W. Bush đến John McCain và Bill Clinton) đã làm việc trong nhiều năm để chữa lành vết thương này và quên đi cuộc chiến, thì họ (chính phủ Trump) đã quay lưng lại với những người phải chạy trốn khỏi đất nước. Trump làm thế để đạt được mục đích gì cơ chứ?".

Ông Bảo Nguyễn, cựu Thị trưởng thành phố Garden Grove, nói với phóng viên BBC News hôm 13/12 rằng ông cảm thấy rất buồn vì hành động mà ông cho là “thiếu nhân đạo”: "Sau khi những người tị nạn bị kết tội này đã chịu hình phạt, đã thụ án theo bản án của toà, trục xuất họ là kết án họ lần thứ hai, và là một hành động vi hiến. Thật là bất công và thiếu nhân đạo khi những cá nhân này bị tách khỏi gia đình, con cái họ".

Về chuyện sẽ trục xuất này, đa số người Mỹ gốc Việt đều có chung ý kiến:

''Cộng đồng chúng ta ủng hộ một chính sách di trú bảo vệ quyền hiện hữu và an ninh quốc gia đầy nhân văn, khoan dung và hợp lý, theo đúng tinh thần và truyền thống di dân của nước Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể chấp nhận được một chính sách di trú khắt khe vô cớ, vừa không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình''.

* *

Vụ gây sốc này đặc biệt tạo nhiều hoang mang khi chỉ trước đó ba tuần, tờ The New York Times đưa tin nội các của Tổng thống Trump đã âm thầm từ bỏ nỗ lực trục xuất một số người trong cộng đồng người Việt đa số có công ăn việc làm ổn định tại Mỹ. Theo những người Mỹ gốc Việt tại California, họ sẽ tiếp tục đấu tranh để ông Trump bỏ ý định trục xuất “thiếu tình người” này.

Thoả thuận năm 2008 thể hiện những gì?

Thỏa thuận năm 2008 được ký giữa Cơ quan Di trú Mỹ và đại diện của chính phủ Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 22/1/12008, qua đó, Việt Nam bằng lòng nhận những người Việt di dân bị Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất, nhiều người trong số đó có tiền án, theo những điều kiện được ghi rõ trong biên bản.

- Thoả thuận có mục đích bàn về việc trục xuất người Việt về Việt Nam, là kết quả đàm phán 10 năm của hai bên. Điểm then chốt là những người Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995 sẽ không bị trục xuất, được ghi rõ trong Khoản 2, Điều 2: ''Công dân Việt Nam sẽ không bị trả về Việt Nam theo thỏa thuận này, nếu họ đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 - ngày mà quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt được tái thiết. Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam duy trì vị trí pháp lý tương ứng của họ với công dân Việt đến Hoa Kỳ trước ngày đó''.

- Thoả thuận này có hiệu lực trong vòng 5 năm, và sau đó sẽ tự động gia hạn thêm ba năm, trừ khi một bên quyết định không muốn gia hạn. Nếu không muốn gia hạn, bên này phải báo cho bên kia tối thiểu trước 6 tháng. Còn nếu muốn tạm ngừng hay hủy bỏ thỏa thuận, bên này phải cho bên kia biết trước 1 tháng. Vì thoả thuận hết hiệu lực lần đầu tiên vào năm 2013, nên đã được gia hạn tự động năm 2016, và sắp được tự động gia hạn một lần nữa, vào tháng 1/2019.


                                                                                                        Thủy Tiên

                                                                                               (Theo BBC News)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.