Dữ liệu cũ
Thứ tư, 12/03/2014, 05:30 AM

Tác giả Takahashi thành nhà văn nhờ sự chạnh lòng

Tác giả tiểu thuyết “Vĩnh biệt, các gangster” có mặt tại Hà Nội và giao lưu với sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về tác phẩm của mình.

Takahashi Gen’Ichiro sinh ngày 1/1/1951 tại Hiroshima. Ông theo học khoa Kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama nhưng không bao giờ tốt nghiệp. Là một sinh viên có tư tưởng tiến bộ, ông từng bị bắt giữ và ở tù một năm. Sang chấn tâm lý khiến ông bị chứng mất ngôn ngữ. Bác sĩ khuyên ông tập trung vào viết lách, như một tác động giúp ông phục hồi khả năng ngôn ngữ. Từ tháng 4/2005, ông được mời làm giảng viên Đại học Meiji Gakuin.

Tiểu thuyết Vĩnh việt, các Gangster xuất bản lần đầu năm 1982, đã giành giải văn học Gunzo cho Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc. Giới phê bình ca ngợi cuốn sách là một trong những tác phẩm quan trọng nhất nền văn học hậu chiến tranh Nhật Bản. Cuốn sách đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới như Anh, Italy, Pháp, Bồ Đào Nha…

Tác giả Takahashi kể về quá trình sáng tác của mình, ông cho biết năm 17 tuổi, trong khi các bạn bè của ông thường biểu tình trước các biến động chính trị thì ông lại viết một bài dài, luận về hai chữ “bạo động”. Sau khi bị bắt và ở tù một năm, ông trở thành công nhân lao động chân tay. “Tôi làm việc cả ngày mệt mỏi, tối về chỉ ngủ mà thôi, có đọc thì cũng chỉ đọc để giải trí, như các tin thể thao” – Takahashi kể. Cho tới khi 30 tuổi, một đêm ông nghe trên đài nói về 3 ca sĩ trong một ban nhạc nổi tiếng, ông chạnh lòng: “tầm tuổi mình mà họ thành công, được cả xã hội trọng vọng như vậy, mình thì không có gì”. Hôm sau Takahash “bỗng nhiên” viết luôn tiểu thuyết. Ông quyết tâm kể từ khi cầm bút đến khi kết thúc tác phẩm, nếu một ngày không viết thì ông sẽ vĩnh viễn không bao giờ viết nữa. Và Vĩnh biệt, các gangster hoàn thành sau hai năm. Ông nói hài hước: “Thế là sau hai năm, ở tuổi 31, tôi bỗng nhiên thành nhà văn”. 

Sau đó, Takahashi tiếp tục sáng tác và cho ra mắt nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: Yuga de kansho-teki na Nippon-yakyuu (tạm dịch: Bóng chày Nhật Bản: Quyến rũ và Tình cảm), được giải thưởng Mishima Yukiko, Nihon bungaku seisui shi (tạm dịch: Thăng trầm của nền Văn học Nhật Bản), Giải thưởng Văn học Itoh Sei, Sayonara Christopher Robin (tạm dịch: Vĩnh biệt, Christopher Robin), giải Văn học Tanizaki. Ông cũng hoàn thành và cho ra mắt nhiều tiểu luận, phê bình văn học như Đó có thể không phải là hội chứng văn học, Lớp dạy viết tiểu thuyết cho 130 triệu người, Tiểu thuyết Nhật Bản: 100 năm cô độc, Để viết một cuốn tuyết thuyết nổi tiếng trong vòng 13 ngày.

Vĩnh biệt, các gangster xoay quanh nhân vật chính là một giáo viên an phận tên là Vĩnh-Biệt-Các-Gangster. Anh ta dạy học tại một trường thơ, từ sáng tới chiều tiếp các học viên có nhu cầu trao đổi về thế giới quan và ước mơ. Tác phẩm được đánh giá là “sự nghiền trộn giữa kinh điển và bình dân, giữa mực thước và sa đọa, giữa man rợ và tiến hóa, giữa tưởng tượng và khách quan”.

Bởi vậy, trong sách mới đầy các chi tiết như người ta đem tên cha mẹ đặt chất lên xe tải rồi đổ xuống sông, sau đó lại lao vào một cuộc chiến đẫm máu với tên mới để giành nó về dùng. Ngôi trường thơ cũng nằm ở tầng hầm của một tòa nhà, giữa những thứ vừa hiện thực, vừa khó tin như ma cà rồng, hộp đêm, nhà thổ, dòng sông, bệnh viện không giống bệnh viện… Các chi tiết trong truyện cũng đầy hoang đường, như mèo yêu thích Thomas Mann, giải trí bằng Aristotle, cái tủ lạnh biết nói là hóa thân của các triết gia cổ đại…

Không chỉ có nhân vật chính dạy tại một trường thơ, tác phẩm của Takahashi cũng giống thơ và đầy chất thơ. Mỗi một chương đều ngắn, các câu chữ, đoạn hội thoại được ngắt một cách chủ ý và mang nhịp điệu. Takahashi kể rằng khi cuốn sách này mới ra mắt ông đã vấp nhiều chỉ trích: Nhiều người cho rằng đây không phải là một tiểu thuyết, mà là thơ. Chỉ có các nhà thơ là ủng hộ tôi, họ nói rằng: “Này, nó là thơ chứ”. Sự ủng hộ của các nhà thơ cuối cùng lại là sự phiền phức cho tôi. Lúc đó, tôi chỉ nói: “Bản thân tôi cho rằng nó là tiểu thuyết, thì nó là tiểu thuyết”.

Tuy vậy, Takahashi nói ông chịu ảnh hưởng của thơ văn hiện đại Nhật Bản, và thấy mình giống nhà thơ. Là cây bút nổi trội của văn học đương đại Nhật Bản, Takahashi nói về thế hệ người viết như mình: “Thế hệ tôi, (như Haruki Murakami) đoạn tuyệt với quá khứ, truyền thống văn học. Cách nghĩ của chúng tôi là hướng ra ngoại quốc, hướng tới văn học quốc tế, văn học đương đại. Chính vì thế, tác phẩm của Murakami một người 20 tuổi ở New York đọc còn dễ hiểu hơn là một người 70 tuổi ở Nhật Bản đọc”.

Hiền Đỗ

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.